Kinh tế

Nhiều tập đoàn Nhà nước thiếu lãnh đạo chủ chốt

01/02/2018, 06:39

Hiện nay, trong 33 tập đoàn, tổng công ty có 9 nơi khuyết cán bộ chủ chốt.

5

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Sáng 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) để nắm tình hình sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và phát triển DN năm 2017.

Không kéo dài tuổi hưu để chờ cổ phần hoá

Báo cáo về tình hình cổ phần hoá của các DN T.Ư, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối DN T.Ư cho biết, trong 33 DN T.Ư thì có 2 DN lỗ, 94% DN có lãi.

Về khó khăn, ông Thanh nêu lên thực tế hiện nay, cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các DN T.Ư đang khuyết tương đối lớn. “Trong 33 tập đoàn, tổng công ty có 9 nơi khuyết cán bộ chủ chốt”, ông cho hay và đề nghị khi cổ phần hoá không nên kéo dài những cán bộ đến tuổi về hưu, không còn đủ nhiệm kỳ hoặc không còn đủ năng lực để chờ cổ phần hoá xong mới bổ nhiệm người mới.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng nêu tình trạng khuyết lãnh đạo chủ chốt tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thuỷ (SBIC - Vinashin cũ).

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện SBIC không có chủ tịch và ông phải kiêm nhiệm, cũng không có tổng giám đốc mà chỉ có người giữ quyền, ủy viên chỉ có 3 người, Phó tổng giám đốc có 2 người. Tương tự các DN ở dưới cũng thế.

Ông cũng nêu vướng mắc do quy định hiện nay nên không được bổ nhiệm. Cán bộ sau 2 nhiệm kỳ phải luân chuyển, không được quy hoạch cho nên SBIC không có ai đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. “Giờ chỉ có mấy ông chuyên viên còn cán bộ lãnh đạo là không ai bổ nhiệm được”, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ thực tế.

Theo đó, ông cho biết đã xin ý kiến 3 bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ thì chỉ có Bộ Tài chính “thấu hiểu” và đồng ý. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị các bộ xem xét lại, Chính phủ chỉ đạo có Nghị quyết đồng ý với Bộ, nếu không Bộ lại “đi vào ngõ cụt”, không có cán bộ. Ông nói, bản thân mình phụ trách nhưng không có đủ thời gian để làm.

Chính phủ không dùng riêng một đồng tiền bán vốn

Lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, liên quan đến cán bộ kiêm nhiệm, đây là chuyên đề lớn, cán bộ khuyết nhiều và không có cán bộ không làm gì được. “Không có người đứng đầu làm gì cũng khó”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị Văn phòng Chính phủ ghi vào báo cáo để quan tâm giải quyết.

Số lượng DNNN giảm mạnh

Báo cáo của Ban chỉ đạo cho thấy, số lượng DNNN đã giảm mạnh, cả nước hiện còn hơn 500 DNNN, gồm 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty Nhà nước và 441 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh.

Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN. Các DNNN sau cổ phần hoá hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tính đến nay, Thủ tướng cũng đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp của 42 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn kinh tế và 4 tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại cán bộ quản lý tại các DNNN báo cáo về Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để có đề xuất sớm với Thủ tướng. Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong cổ phần hoá DNNN phải quan tâm vấn đề tái cấu trúc mạnh mẽ nhân sự nhưng việc này ít người để ý. “Có ông sắp nghỉ hưu lại tuyển một loạt vào”, Phó Thủ tướng lưu ý phải chú ý tinh giản biên chế trong khối DNNN.

Liên quan đến việc cổ phần hoá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, kết quả về cổ phần hoá đạt được không đồng đều, một số bộ, ngành còn chậm cổ phần hoá, bán vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình. Nhiều DNNN đã cổ phần hoá nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện, đây là việc phải chấn chỉnh. Đặc biệt, 85% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp. Chi phí tài chính của DN vẫn còn cao, chưa kể chi phí ngầm, “bôi trơn”, không chính thức. “Sức khỏe của doanh nghiệp thế này vẫn chưa yên tâm được”, Phó Thủ tướng lo lắng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và niêm yết phải công khai, minh bạch, thị trường sẽ định giá cổ phiếu. Phó Thủ tướng dẫn chứng về bài học của Sabeco, tổng giá trị của doanh nghiệp này khi cổ phần hoá chưa đầy 3 tỷ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán, thoái 53,59% vốn đã thu về gần 5 tỷ USD. Nếu bán hết có thể thu được 10 tỷ USD. Phó Thủ tướng khẳng định tất cả tiền bán vốn đều đưa vào ngân sách Nhà nước phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển, Chính phủ không được dùng riêng một đồng nào.

Trên cơ sở coi năm 2018 là năm cao trào về cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị, cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi chưa thành lập được Ủy ban, các bộ không được phép “buông tay” với nhiệm vụ cổ phần hoá, bán vốn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp Nhà nước về tổ chức, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự, tinh thần là tinh giản biên chế sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.