Giao thông

Nhiều tàu du lịch tại TP.HCM thiếu bến đỗ

19/01/2018, 06:55

Nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư tàu du lịch, tàu nhà hàng, tàu chở khách để hoạt động trên sông Sài Gòn...

13

Năm 2017, khu vực cảng Sài Gòn đã thu hút hơn 16.505 du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức ẩm thực, du ngoạn trên sông

Tổ chức hoạt động cảng bến còn nhiều bất cập

Dọc bến cảng Sài Gòn có 6 đơn vị tàu du lịch nhà hàng đang hoạt động, mỗi đêm đón hàng trăm du khách đến thưởng thức ẩm thực, du ngoạn trên sông như các tàu: Eliza, Đông Dương, Bến Nghé, Bonsai Cruise, Việt Princess…

Công ty Thuyền buồm Đông Dương vừa đầu tư một chiếc tàu du lịch nhà hàng Indochina Queen và bắt đầu đưa vào hoạt động đầu tháng 1/2018.Mỗi đêm, tàu này đón hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức ẩm thực, du ngoạn trên sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, theo ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Dương, ngày 31/3/2015, UBND TP HCM đã quyết định đóng cửa bến Bạch Đằng khiến doanh nghiệp này lao đao.

“Chỉ trong 1 tuần thành phố yêu cầu di dời tất cả tàu trên bến Bạch Đằng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Chúng tôi phải bán bớt 4 tàu khi không có nơi cập bến đón khách”, ông Lâm cho hay.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn có 1.000km mạng lưới giao thông thủy, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động cảng bến để phục vụ các tàu du lịch, tàu vận tải khách neo đậu thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập.

“Trước đây, từ bến Bạch Đằng, hành khách có thể đi xe buýt, taxi, xe máy đến rồi đi tàu cao tốc rất thuận tiện. Tuy nhiên, khi chuyển sang bến cảng Sài Gòn đường đi luôn bị tắc, xe buýt không đến nơi, nhiều người còn không biết khu vực tàu đỗ ở đâu để tìm nên lượng khách giảm nhiều. Chúng tôi kiến nghị thành phố cho phép tàu cao tốc cập bến Bạch Đằng đón trả khách để tạo thuận lợi cho hành khách và doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Sẽ rà soát lại các quy hoạch cảng bến

Theo bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đầu tư Hoàng Triều, có các tàu du lịch trên sông Sài Gòn cho rằng, TP HCM khuyến khích phát triển hoạt động du lịch trên sông nhưng lại để các DN bơ vơ trong việc tìm bến đỗ. Hiện tại, ở khu vực gần trung tâm có 3 bến là Tân Cảng, Vườn Kiểng, Cầu Móng.Thế nhưng, chỉ có bến Tân Cảng có các dịch vụ tối thiểu như nhà chờ, nhà vệ sinh. Bến Vườn Kiểng hiện chỉ cho buýt đường sông hoạt động, còn lại bến Cầu Móng không có nhà chờ, nhà vệ sinh, phí dịch vụ lại quá cao.

“Mỗi lần xuất bến chúng tôi phải nộp 500.000 đồng, khi cập bến nộp thêm 500.000 đồng.Vì vậy, sau 2 năm đưa vào sử dụng chỉ mới có 4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở bến này”, bà Hạnh nói.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, tới đây sẽ rà soát lại các quy hoạch cảng bến để có sự điều chỉnh phù hợp. Về kiến nghị mở lại bến cảng Bạch Đằng cho tàu khách, tàu nhà hàng cập bến, tháng 9/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan và kết luận: Bến cảng Bạch Đằng là bến trung tâm, vừa phục vụ vận tải hành khách công cộng, vừa phục vụ du lịch đường thủy. Đối với cảng Sài Gòn - Khánh Hội để tạo điều kiện cho phát triển vận tải hành khách và du lịch, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở GTVT, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đề xuất lại quy hoạch khu cảng này đáp ứng khả năng khai thác các tàu hành khách nội địa và quốc tế với quy mô phù hợp.

Với các bến, bờ dọc sông Sài Gòn giao Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan đẩy nhanh lập quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến làm cơ sở kêu gọi đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và du lịch đường thủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.