Xã hội

Nhiều vấn đề bức thiết "đặt hàng" ngành khí tượng thủy văn

Tại tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia đặt hàng ngành khí tượng thuỷ văn các sản phẩm ứng dụng trong đời sống...

Sáng 29/9, Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Truyền thông TNMT tổ chức toạ đàm “Ứng dụng thành tựu khí tượng thuỷ văn trong phát triển kinh tế xã hội”.

Khách mời dự Tọa đàm trường quay có: Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT; Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT; Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng vụ Môi trường, Bộ GTVT; Giáo sư Phan Văn Tân, Khoa KTTV và Hải dương học (trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN); Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Đối ngoại truyền thông và ông Trần Quang Hải, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước (Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội).

Nhà báo Trương Xuân Thu - Trưởng Ban Kinh tế - xã hội điều phối chương trình.

img

Toàn cảnh tọa đàm “Ứng dụng thành tựu khí tượng thuỷ văn trong phát triển kinh tế xã hội” ngày 29/9

Sắp có ứng dụng cảnh báo nơi ngập lụt trong đô thị

Nhà báo Trương Xuân Thu: Thưa ông Bùi Ngọc Uyên, biến đổi khí hậu khiến ngày càng xuất hiện những đợt mưa cực đoan gây ngập úng tại các thành phố lớn, đặc biệt ở Hà Nội. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của TP cũng như Công ty đã ứng phó ra sao để hạn chế tình trạng “cứ mưa là ngập, mưa là tắc”?

Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó trưởng phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty Thoát nước Hà Nội:

Tại Hà Nội, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan không theo quy luật thường có, thể hiện rõ nhất trong các trận mưa bão trên địa bàn. Trong thời gian vừa qua, đã xuất hiện rất nhiều đợt mưa lớn bất thường, cả về thời gian cũng như cường độ.

Trước đây, mùa mưa Hà Nội thường được tính từ 15/4 đến 15/10 hàng năm, lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 9. Gần đây, có rất nhiều đợt mưa xảy ra cả trong mùa khô, điển hình là trận mưa chiều tối Ba Mươi Tết và sáng mùng Một Tết Canh Tý kèm theo giông sét, mưa đá.

Hay các trận mưa khác trong tháng 2 và 3 các năm 2020, 2021. Trước đó, chúng ta cũng biết trong năm 2008 có đợt mưa lũ lịch sử kéo dài vào đầu tháng 11 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thành phố.

img

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội

Về cường độ, trước đây vào các mùa mưa hầu như ít thấy có trận mưa to và cường độ lớn từ 40- 60ml/giờ, tuy nhiên gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các trận mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn, lên đến 60-80ml/giờ, thậm chí cao hơn. Những trận mưa lớn này đã vượt quá sức chịu tải theo thiết kế của hệ thống thoát nước mà chúng ta đầu tư.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, úng ngập, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, công tác thoát nước, phòng chống ngập luôn được lãnh đạo thành phố và các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo, thực hiện.

Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch, phương án thoát nước mùa mưa, phòng chống ngập ngay từ đầu năm để triển khai các biện pháp nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước của thành phố, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm trên các hệ thống kênh mương, sông hồ.

Trong mùa mưa, chúng tôi cũng đảm bảo việc hạ mực nước thấp trên toàn bộ hệ thống thoát nước, duy trì vệ sinh các ga thu nước, cống rãnh, mương sông, thu dọn xử lý các tấm chắn, vật cản trên hệ thống thoát nước nhằm đảo bảo chống tắc và đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu.

Chúng tôi cũng bố trí đầy đủ quân số và các trang thiết bị máy móc như xe hút, bơm di động để kịp thời xử lý úng ngập khi có mưa. Đặc biệt công ty đã nghiên cứu xây dựng trung tâm điều hành thoát nước của thành phố để phục vụ công tác chống ngập.

Công ty cũng tích hợp các số liệu mưa theo thời gian thực tại 40 trạm đo mưa rải khắp trên địa bàn thành phố và có 31 camera giám sát các điểm úng ngập, góp phần cảnh báo, hướng dẫn người dân trong việc phòng tránh khi di chuyển cũng như phục vụ công tác quy hoạch chống ngập của Công ty và thành phố.

Ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị tiêu thoát nước của ngành thuỷ lợi cũng như các quận huyện, các cơ quan chức năng khác trong quá trình giải quyết thoát nước, phòng chống thiên tai.

Thành phố đã hoàn thành các công trình thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, giai đoạn 2 bằng nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản. Và hiện nay cũng đang tiếp tục đầu tư cho các khu vực phía Tây, phía Nam Hà Nội, phía Bắc Sông Hồng. Mặt khác, thành phố và các quận huyện cũng đã kết hợp giữa đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với hệ thống thoát nước, góp phần cải thiện phương pháp thoát nước, úng ngập cục bộ.

Như chúng ta thấy, các công trình như Vành đai 3, Vành đai 2 và rất nhiều tuyến đường khác mở ra kết hợp giữa hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước, giúp cho việc thoát nước và chống ngập của thành phố.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Trong bối cảnh này, các thông tin dự báo thời tiết có tác động ra sao đối với việc phòng chống úng ngập trên địa bàn Thủ đô?

Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó trưởng phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty Thoát nước Hà Nội:

Chúng tôi xác định cảnh báo thiên tai có vai trò quan trọng và thường xuyên tiếp nhận các thông tin dự báo của ngành khí tượng thủy văn, nhất là của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ để sẵn sàng ứng phó.

Trong nhiều năm qua, những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác của ngành khí tượng thuỷ văn đã giúp cho công ty làm tốt nhiệm vụ thoát nước, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực do mưa bão xảy ra trên địa bàn Thủ đô.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Cũng liên quan tới câu chuyện chống úng ngập tại Thủ đô, thưa ông Hoàng Đức Cường, mới đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã chuyển giao công nghệ Flood4Cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội. Ông có thể giới thiệu ngắn gọn về ứng dụng này?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT: Trước hết xin đính chính lại thông tin là hiện nay dự án chuyển giao công nghệ Flood4Cast® mới bắt đầu triển khai, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong 2 năm tới. Hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu của dự án chuyển giao công nghệ này từ đối tác HydroScan của Vương quốc Bỉ cho Việt Nam, cụ thể là Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn.

img

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến cực đoan thời tiết, khí hậu toàn cầu và Việt Nam. Trong đó có dấu hiệu cho thấy xu thế gia tăng của lượng mưa cực đoan, cường độ lớn. Đồng thời do tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch chưa thực sự hoàn thiện dẫn đến ngập lụt đô thị thường xuyên xảy ra, ngay cả đối với các đô thị ven biển như Hải Phòng, Đà Nẵng,…gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng, cộng đồng và môi trường.

Đã có nhiều mô hình dự báo lũ, ngập lụt lưu vực sông được xây dựng, sử dụng trong nghiệp vụ dự báo đối với hầu hết các lưu vực sông Việt Nam, tuy nhiên mô hình, công nghệ dự báo ngập lụt cho đô thị chưa có nhiều. Chính vì vậy thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho thành phố Hà Nội mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.

Các thuật toán thông minh của Flood4cast® được sử dụng cảnh báo rủi ro ngập lụt dựa trên lượng mưa theo thời gian thực và bản đồ lũ lụt hiện có. Sản phẩm dự báo diện ngập, độ sâu ngập, thời gian ngập sớm trước khi xảy ra khoảng 3 giờ, các rủi ro do ngập lụt cũng được cảnh báo kèm theo.

Dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp công cụ giám sát, cảnh báo, dự báo có độ tin cậy, hiệu quả, phục vụ công tác dự báo ngập úng đô thị Hà Nội nhanh chóng và sau đó có thể nhân rộng cho các đô thị khác.

Nhiều ứng dụng và hệ thống cảnh báo thiên tai được đưa vào sử dụng

Nhà báo Trương Xuân Thu: Hiện nay chúng ta đã ứng dụng được những công nghệ nào trong cảnh báo sớm thiên tai và hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT:

Trong nhiều năm trở lại đây, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ về công nghệ quan trắc, truyền tin và dự báo.

Nhiều công nghệ hiện đại đã được xây dựng ở trong nước cũng như chuyển giao từ nước ngoài theo các Chương trình, dự án khác nhau.

Trước hết là hệ thống 10 ra đa thời tiết hiện đại của Nhật Bản, Phần Lan, Hoa Kỳ cùng các phần mềm cảnh báo dông sét, định lượng mưa đi kèm. Thông tin, dữ liệu của các ra đa này đã góp phần quan trọng vào dự báo mưa, dông hạn cực ngắn, vào xác định vị trí, cấu trúc bão khi gần bờ, từ đó cho phép đánh giá sớm, tin cậy hơn về nguy cơ gió mạnh, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Thứ hai, Hệ thống mô hình dự báo khí tượng phân giải cao được chạy trên hệ thống máy tính hiệu năng cao với tốc độ tính toán vào loại mạnh nhất Việt Nam hiện nay cho phép thực hiện nhiều mô hình cùng lúc, xử lý nhiều số liệu đầu vào hơn, giúp có các sản phẩm dự báo tin cậy hơn, chi tiết hơn và hạn dự báo dài hơn.

Thứ ba, Hệ thống hỗ trợ dự báo viên khí tượng SmartMet của Phần Lan, hệ thống tích hợp các mô hình thủy văn hiện đại được thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung (CDH) giúp rút ngắn thời gian thực hiện phương án dự báo, tuân thủ quy trình do được giám sát tự động nên các bản tin dự báo khách quan hơn và được ban hành sớm hơn.

Thứ tư, hiện nay Tổ chưc Khí tượng thế giới (WMO) đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất FFGS và sẽ dùng cho cả Đông Nam Á, với Việt Nam làm trung tâm hỗ trợ khu vực.

Đây là công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Trung tâm Nghiên cứu thủy văn Hoa Kỳ. Khi đưa hệ thống vào tác nghiệp sẽ giúp công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất sớm hơn, chi tiết hơn.Ngoài ra còn rất nhiều công nghệ hiện đại khác như công nghệ AI dự báo bão, mưa lớn, nước biển dâng,… đang được nghiên cứu xây dựng ở Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Với những ứng dụng này, công tác dự báo khí tượng thủy văn thời gian qua đã góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT:

Sự thay đổi có thể thấy rõ trong công tác dự báo, cảnh báo. Nếu như trước đây chỉ chú trọng vào hai loại thiên tai chính là bão và lũ thì hiện nay tất cả các loại hình thiên tai đều được theo dõi và dự báo, cảnh báo với cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp. Điều này rất quan trọng, giúp cho công tác phòng chống đúng mức nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Thứ hai là hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động, ra đa thời tiết, cùng công nghệ/mô hình dự báo hiện đại đã cho phép dự báo, cảnh báo tin cậy hơn, sớm hơn và chi tiết hơn so với các dự báo trước đây. Nhất là đối với bão, mưa lũ lớn, rét hại, nắng nóng và hạn hán, xâm nhập mặn.

Ví dụ như công nghệ hiện đại đã giúp dự báo, cảnh báo bão trên Biển Đông sớm hơn với hạn dự báo từ 3-5 ngày, giúp cho công tác phòng chống trên biển hiệu quả hơn, thiệt hại về người trên biển do bão hầu như được giảm thiểu.

Chúng tôi đã đưa thông tin ban đầu về khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông trong khoảng ngày 5-10/10/2021. Từ thời điểm này, các hoạt động trên biển cần theo dõi đặc biệt để chủ động ứng phó.

Dự báo, cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp ngành nông nghiệp có phương án chuyển đổi phù hợp với khả năng cấp nước, ngăn mặn.

Từ giữa tháng 9/2021 Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có cảnh báo sớm về lũ thấp đầu nguồn sông Cửu Long và khả năng xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm trong mùa khô 2021/2022.

Thứ ba là các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được đa dạng hóa về hình thức (bảng biểu, đồ thị, bản đồ) cũng như cách thức truyền tin (qua website, email, fax, mạng thông tin xã hội, facebook, zalo….) và đã bước đầu đưa nội dung tác động của thiên tai đến cuộc sống của người dân, đến nông nghiệp, giao thông… góp phần giảm thiểu thiệt hại do chủ động phòng chống từ cộng đồng bị ảnh hưởng.

Dự báo, cảnh báo sát thực tế - Rất khó

Nhà báo Trương Xuân Thu: Thưa Giáo sư Phan Văn Tân, có thể thấy ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt rất nhiều thách thức từ các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Ông đánh giá như thế nào về trình độ, năng lực của khí tượng thủy văn Việt Nam, hiện chúng ta được xếp ở vị trí nào trong khu vực?

Giáo sư Phan Văn Tân - Giảng viên Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN:

Trước hết tôi đánh giá cao buổi toạ đàm do Báo Giao thông tổ chức vì đây là một trong những kênh truyền thông giúp người dân hiểu được vai trò quan trọng của khí tượng thủy văn đối với không chỉ giao thông mà còn với toàn xã hội.

Cụ thể trong lĩnh vực giao thông, từ đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không đều gắn với thời tiết. Trong đó, vấn đề ngập lụt đô thị bởi mưa cực đoàn đang là đề nóng, bài toán thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn với cả thế giới.

img

Giáo sư Giáo sư Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN)

Ngành khí tượng thủy văn phục vụ thông qua công tác dự báo, cảnh báo. Nhưng dự báo như thế nào cho đúng, cho sát quả là rất khó.

Ví dụ hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với dịch Covid-19, việc phát hiện những F0 trong cộng đồng đã khó rồi, thì việc dự đoán ngày mai, ngày kia có bao nhiêu F0 ở ngoài cộng đồng thì làm sao dự đoán được?

Bão cũng là một dạng virus như thế, cũng là bão, nhưng bão năm nay, năm trước và năm sau khác nhau; dự báo liệu cơn bão đi đường nào, mạnh lên hay yếu đi... là bài toán cực kỳ khó. Ngành khí tượng thủy văn phải đối diện với khó khăn là "nói trước những điều chưa xảy ra", đoán trước những thứ "từ trên trời rơi xuống"...

Vậy ngành khí tượng thủy văn của chúng ta phát triển đến đâu? Tôi chỉ xin đưa ra bức tranh sơ khai để chúng ta dễ hình dung.

Trước những năm 2000, chúng ta bắt đầu sử dụng sản phẩm mô hình của những nước đưa đến. Năm 2002, chúng ta mới bập bẹ ứng dụng sản phẩm chạy mô hình số ở Việt Nam và cho đến giờ, chúng ta có một loạt các mô hình.

Như vậy là chúng ta đã có bước tiến rất dài. Trước đây cả nước chỉ có 3 chiếc rada thời tiết, bây giờ có 10 rada; trước đây chúng ta chỉ có mạng lưới quan sát mưa nhân dân đặt ở các bưu điện, bây giờ chúng ta đã có hàng nghìn trạm quan sát tự động.

Tuy nhiên nguồn lực đầu tư so với nhu cầu thực tiễn vẫn chưa thấm vào đâu, dự báo thế nào cho chuẩn đó là một bài toán thách thức. Và ngành khí tượng thủy văn đang từng bước cải thiện.

Việt Nam là một trong những nước nằm trong nơi giao ranh giữa các hệ thống gió mùa; các nước trên thế giới có loại hình thời tiết cực đoan nào thì chúng ta đều có như bão, tuyết, hạn hán….

Do đó, về lĩnh vực dự báo, rõ ràng Việt Nam là nơi khó dự báo nhất, các chuyên gia dự báo tại Việt Nam có thể xem là những chuyên gia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Như giáo sư Tân đã nói, chúng ta đã có một bước tiến rất dài. Trên thực tế, ngành khí tượng thủy văn có vai trò và đóng góp quan trọng như thế nào trong công tác phòng chống tai ở Việt Nam thời gian qua? Chúng tôi muốn có một góc nhìn từ phía cơ quan quản lý. Xin được chuyển câu hỏi này cho ông Vũ Xuân Thành.

img

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, BộNN&PTNT

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai:

Dự báo, cảnh báo thiên tai là một trong những nội dung đã được luật hóa góp phần vô cùng quan trọng để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả.

Đối với công tác phòng chống thiên tai, vai trò của dự báo khí tượng thủy văn được thể hiện ở các khâu từ xây dựng, cập nhật điều chỉnh chiến lược cấp quốc gia tới quy hoạch, kế hoạch các cấp…, đặc biệt là phương án ứng phó thiên tai của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương đối với từng đợt thiên tai.

Kết quả dự báo giúp công tác chỉ đạo ứng phó sát với thực tế, tránh gây hoang mang nhưng cũng không để xảy ra việc chủ quan.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Với ngành GTVT, thưa bà Nguyễn Thị Thu Hằng- Phó Vụ trưởng vụ Môi trường, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả đóng góp của ngành khí tượng thủy văn?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT:

Tôi rất đồng tình với ý kiến của các vị đã phát biểu trước về vai trò và tầm quan trọng của ngành khí tượng thủy văn đối với cho các hoạt động kinh tế xã hội nói chung, lĩnh vực GTVT nói riêng.

Cụ thể, người tham gia giao thông, trước khi ra đường cũng đều nghe các thông tin thời tiết để lựa chọn phương tiện giao thông cho phù hợp.

Còn đối với cơ quan hoặc người điều hành phương tiện giao thông chắc chắn cũng cần phải có thông tin khí tượng thủy văn để đảm bảo hoạt động đi lại được an toàn.

img

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng vụ Môi trường, Bộ GTVT

Ví dụ như những lần tôi đi công tác, ngồi trên xe cũng thấy các anh tài xế bật đài nghe dự báo thời tiết để xem khu vực đó thời tiết ra sao, điều kiện đường đi như thế nào để điều chỉnh tốc độ, nhằm tránh được cơn mưa, cơn bão, đảm bảo an toàn cho đoàn công tác.

Trong lĩnh vực hàng không, ngoài những thông tin khí tượng thủy văn được cung cấp từ các trạm khí tượng thủy văn quốc gia, cũng có hệ thống khí tượng thủy văn riêng được trang bị thiết bị hiện đại để đảm bảo quy định an toàn cho máy bay.

Trong lĩnh vực hàng hải cũng vậy, vì Việt Nam đã tham gia Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển. Trong công ước ấy cũng yêu cầu các chính quyền phải cung cấp thông tin cho các tàu thuyền trong nước và nước ngoài đi lại. Trong ngành hàng hải cũng phát triển các trạm đo khí tượng thủy văn riêng để phục vụ trực tiếp cho hoạt động của tàu thuyền.

Tại quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia năm 2021, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ, bao gồm thông tin phân tích đánh giá của từng vùng, trong đó có các điều kiện khí tượng thủy văn để có các phương án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho phù hợp.

Tới khi lập các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chắc chắn phải dùng đến thông tin khí tượng thủy văn để thiết kế cao độ tuyến đường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Và trong quá trình thi công, chắc chắn nhà thầu và ban quản lý dự án hàng ngày họ cũng phải nghe thông tin thời tiết để lập phương án thi công.Tóm lại, thông tin khí tượng thủy văn là vô cùng thiết yếu và quan trọng cho lĩnh vực giao thông vận tải.

Giải pháp bứt phá cho ngành khí tượng thủy văn Việt Nam

Nhà báo Trương Xuân Thu: Không thể phủ nhận những nỗ lực, đóng góp hiệu quả của ngành khí tượng thủy văn cho công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên nhìn lại chặng đường đã qua, ngành khí tượng thủy văn còn những điểm hạn chế nào cần được khắc phục và rút kinh nghiệm trong thời gian tới?

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai:

Đúng như Giáo sư Tân đánh giá, Việt Nam nằm trong vùng giao thoa của các tiểu khí hậu, công tác dự báo rất phức tạp.

Ngành khí tượng thủy văn thời gian qua có những bước tiến dài về năng lực, tuy nhiên so với mong muốn, nhu cầu phát triển, cần cập nhật thông tin dự báo thời tiết hàng ngày, hàng giờ, trong điều kiện có thể, vẫn cần phải cố gắng khắc phục những tồn tại.

Đơn cử trên vùng biển hiện nay, chưa kể giao thông vận tải hàng hải, đội ngũ tàu cá của ngư dân ta vô cùng lớn. Vậy nên tác động của thời tiết không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất mà còn cả an toàn lưu thông trên biển. Hiện dự báo bão trên biển tương đối tốt nhưng quan trắc đường đi vẫn còn khó khăn bởi thiếu thiết bị. Chính vì vậy bà con mong muốn dự báo thật sát, thật đúng để không ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế biển mà vẫn đảm bảo an toàn tính mạng.

Trên đất liền, hiện tượng mưa lớn cực đoan trong phạm vi hẹp, chẳng hạn ngay trong cơn bão số 6 vừa qua, chỉ trong 2 tiếng tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã có lượng mưa 200mm tại Quảng Ninh, hay Quỳnh Lưu (Nghệ An) lên tới 500mm, ...

Mưa lớn thất thường như vậy ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, đòi hỏi dự báo cần đẩy lên sớm hơn. Chúng ta không kỳ vọng dự báo lượng mưa trước 2-3 ngày mà chỉ mong muốn khi có biểu hiện phải có dự báo ít nhất trước 3 giờ để điều chỉnh hoạt động sản xuất, giảm thiểu thiệt hại.

Thứ ba, đối với cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dù vẫn biết là thách thức chung trên thế giới nhưng thực tế hiện nay các địa phương rất cần thông tin chi tiết hơn để người dân và chính quyền cơ sở có phương án ứng phó kịp thời.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Tương tự, với hoạt động GTVT, bà Nguyễn Thị Thu Hằng có góp ý gì để ngành khí tượng thủy văn nâng cao chất lượng, đáp ứng sát với yêu cầu thực tiễn?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT:

Hiện nay chúng ta đã có rất nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại tiên tiến, nhiều radar, công nghệ, trang bị mới. Trong thời đại công nghệ 4.0, các nhà khoa học trên thế giới cũng đang nghiên cứu và phát triển nhiều loại công nghệ khác nhau phục vụ trong đời sống cũng như trong ngành khí tượng thủy văn.

Để làm chủ và sử dụng công nghệ đó, tôi nghĩ vấn đề chúng ta cần quan tâm là về nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, tôi nghĩ đất nước chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận những khoa học, công nghệ mới.

Như chúng ta đã biết, phương pháp phát triển của chúng ta là tiếp thu những cái người ta đã nghiên cứu để áp dụng cho hoạt động của mình sao cho phù hợp. Chính vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhân viên làm nhiệm vụ về khí tượng thủy văn để đảm đương được nhiệm vụ của mình, sao cho nhìn ảnh vệ tinh hay radar có thể có đủ năng lực để dự báo cơn bão đó sẽ đi vào khu vực nào, hoặc bằng kinh nghiệm và công cụ hỗ trợ có thể nâng chất lượng của công tác dự báo lên.

Nội dung thứ hai là làm sao để cho các thông tin khí tượng thủy văn đáp ứng sát với nhu cầu thực tiễn, tôi nghĩ là chẳng còn cách nào khác ngoài việc người cung cấp thông tin và người sử dụng thông tin cần phải hợp tác, tương tác với nhau nhiều hơn.

Chúng ta phải trao đổi, tìm hiểu kỹ xem nhu cầu, năng lực của mỗi bên là gì, từ đó, trao đổi, tìm giải pháp để làm sao tối ưu hoá các thông tin.

Ví dụ như anh Cường có thể cung cấp các thông tin về gió mưa bão, còn chúng tôi trong ngành giao thông đường bộ, đường hàng không… có thể sử dụng thông tin đó như thế nào? Thời gian tới, mong là ngành khí tượng thủy văn và ngành GTVT sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Từ phía công ty Thoát nước Hà Nội, ông Trần Quang Hải, có "đặt hàng" gì đối với ngành KTTV?

Ông Trần Quang Hải - Phó trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước (Công ty Thoát nước Hà Nội):

Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai thuộc lĩnh vực chuyên sâu. Ngay cả với những nước tiên tiến chưa thể dự báo chính xã được 100%.

Do đó, mong muốn ngành khí tượng thủy văn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao hơn nữa công tác dự báo cũng như cung cấp thông tin nhanh và kịp thời những biến động thời tiết tới người dân, đơn vị chức năng sẵn sàng có phương án ứng phó.

Tương tự, phía Công ty chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận thông tin dự báo thời tiết để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống úng ngập tại Thủ đô.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Thưa Giáo sư Phan Văn Tân, dưới góc độ chuyên gia lâu năm trong ngành KTTV theo ông đâu là những khó khăn vướng mắc mà ngành KTTV phải vượt qua để phát triển?

Giáo sư Phan Văn Tân: Như anh Thành vừa đề cập, thời gian qua, chúng ta làm dự báo trên đất liền rất tốt và thông tin dự báo trên biển cũng khá tốt, tuy nhiên, còn một mảng mà tôi để ý đang còn yếu đó là dự báo khí tượng thủy văn biển.

Dự báo khí tượng thủy văn biển của chúng ta đang ở mức độ nhất định nào đó thôi chứ chưa chi tiết như trên đất liền, có nhiều lý do khác nhau, có thể là vấn đề đầu tư, con người.

Hãy xem cán bộ làm trong ngành khí tượng thủy văn được ưu đãi như thế nào? Lương cơ bản quá thấp thì làm thế nào để một người vừa tốt nghiệp đại học ra sẽ vào xin việc, thậm chí có xin được việc cũng không đủ ăn, phải đi làm thêm ngoài? Thế thì “chân trong, chân ngoài”, làm sao mà tốt chuyên môn được?

Ngành khí tượng thủy văn đang làm rất tốt và được đánh giá cao trong khu vực nhưng nhờ cái gì mà đạt được điều đó? Tất cả các anh em ở trong ngành khí tượng thủy văn phải gồng mình lên làm, đặc biệt mỗi khi có cơn bão xuất hiện, các cán bộ gần như ăn ngủ tại cơ quan để trực nhưng bồi dưỡng không được bao nhiêu.

Tôi đánh giá cao những anh chị em trong ngành khí tượng thủy văn đã đóng góp, kể cả các nhân viên ở những đài quan sát ở nơi xa xôi hẻo lánh, phải đi quan trắc. Nếu họ không làm thêm bên ngoài thì không đủ ăn, hoặc nếu vợ làm trong ngành khí tượng thủy văn thì chồng phải làm nghề nào đó kiếm ra tiền và ngược lại. Vậy vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để thu hút cán bộ về làm việc. Đó là vấn đề đầu tiên, về nhân lực.

Vấn đề thứ hai là đầu tư, hiện chúng ta đã có rất nhiều thiết bị và mang về rất nhiều dữ liệu, câu hỏi đặt ra là dữ liệu quan trắc thu về, dùng nó như thế nào?

Phải có được công nghệ, phải có người giỏi đưa thông tin đó vào trong các mô hình, sử dụng tất cả các nguồn thông tin từ 10 radar và trên 1000 trạm đo mưa, quét bao phủ trên toàn quốc để đưa vào các mô hình và phải có siêu máy tính.

Nhưng siêu máy tính của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đang sở hữu chưa là gì cả so với các nước phát triển trên thế giới, cần phải có hệ thống đầu tư hơn nữa. Và quan trọng hơn là đầu tư rồi phải có con người sử dụng, còn nếu quan trắc về xong để đấy sẽ trở thành thông tin “đắp chiếu”.

Hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được chi tiết về mặt thời gian mà để làm được điều đó đòi hỏi phải có công nghệ tốt hơn, chất lượng dự báo tốt hơn.

Chẳng hạn, liên quan đến phòng tránh thiên tai trên biển, dự báo làm thế nào để đầy đủ, chi tiết vị trí cơn bão, các khả năng gió to, sóng lớn có thể xảy ra? Không chỉ cảnh báo thiên tai, chúng ta cũng có thể đưa ra dự báo ngư trường trong điều kiện thời tiết bình thường, đoán hướng thuận lợi xem đàn cá di chuyển từ đâu đến đâu...Đó cũng chính là phục vụ kinh tế - xã hội.

Tóm lại, thông tin dự báo cung cấp cho người dân cần phải có tầm nhìn và có sự điều phối vào từng lĩnh vực cụ thể để đối tượng tiếp nhận biết phải sử dụng như thế nào....

Giải pháp căn cơ cho ngành dự báo khí tượng, thủy văn

Nhà báo Trương Xuân Thu: Thưa ông Hoàng Đức Cường, sau khi lắng nghe những ý kiến trên, theo ông, những công việc trước mắt và kế hoạch dài hạn mà ngành khí tượng thủy văn cần phải làm để có thể đảm bảo hoàn thành tốt công tác dự báo cảnh báo?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT:

Trước hết xin cảm ơn những đánh giá cao tới ngành khí tượng thủy văn đã chỉ ra những điểm tồn tại để nhìn nhận và sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thông tin sớm phục vụ ứng phó dài hạn, dự báo thời tiết trên biển, dự báo mưa lớn, cảnh báo lũ quét sạt lở đất... đều là những vẫn đề nóng bỏng đặt ra từ thực tiễn lâu nay.

Từ nay đến cuối năm 2021 ngành khí tượng thủy văn đã định vị được những nhiệm vụ trọng tâm, toàn bộ hệ thống quan trắc, truyền tin và dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ tập trung giám sát, theo dõi và dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ ở Trung Bộ, tiếp tục đánh giá khả năng lũ thấp và xâm nhập mặt ở Nam Bộ, khả năng thiếu hụt nguồn nước ở Bắc Bộ trên các hệ thống sông kèm hồ chứa lớn, khả năng mùa đông đến sớm ở Bắc Bộ,...

Trước mắt, ngành khí tượng thủy văn tiếp tục hoàn thiện các quy trình dự báo, cảnh báo trên nền tảng các thiết bị, máy tính, công nghệ mới được đầu tư nhằm phát huy hiệu quả nhất. Đưa các công nghệ mới được chuyển giao quốc tế như Flood4Cast®, FFGS và nghiệp vụ dự báo song song với việc xây dựng các công nghệ dự báo mới.

Về lâu dài, dự thảo chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các mục tiêu và giải pháp cụ thể để ngành khí tượng thủy văn Việt Nam tiệm cận đến trình độ các nước tiên tiến của Châu Á.

Theo đó sẽ tiếp tục hoàn thiện quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, xây dựng quy trình kỹ thuật, quy định, chuẩn hóa công tác dự báo nhằm đảm bảo tăng độ tin cậy các bản tin dự báo.

Thứ hai là tăng cường mạng lưới quan trắc theo hướng tự động hóa nhất là trên biển, ven biển, bao gồm cả việc thu thập thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc được của các tàu, thuyền hoạt động trên Biển Đông. Trên đất liền cần đan dày mạng lưới đo mưa tự động vùng núi, thượng nguồn lưu vực sông, chú trọng phát triển các phương pháp quan trắc hiện đại khác.

Thứ ba là ứng dụng triệt để Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công tác truyền tin và dự báo, cảnh báo như IoT, Big data và AI. Để đạt được điều này, ngoài nội lực cần hội nhập sâu hơn nữa trong hợp tác quốc tế để tếp nhận những thành quả ứng dụng hiện đại.

Chú trọng đặc biệt đến hình thức, sự đa dạng nhưng dễ hiểu của bản tin dự báo và triển khai dự báo tác động đến nhóm các đối tượng cụ thể.

Cuối cùng phải tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành khí tượng thủy văn.

Có như vậy mới hi vọng phần nào giải quyết được băn khoăn từ phía các ngành, lĩnh vực và người dân đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Nhà báo Trương Xuân Thu: Như khách mời đã chia sẻ, đời sống cán bộ ngành khí tượng thủy văn chưa được đảm bảo. Vậy trong chiến lược phát triển, ngành khí tượng thủy văn có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT:

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là bài toán khó đối với ngành, vừa mang tính khoa học cao, tập trung ở Trung ương vừa mang tính đại trà, dàn trải trên mọi miền đất nước. Khó nhưng không phải không có cách.

Tổng cục Khí tượng thủy văn thực hiện chủ trương mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước và tổ chức như: Phần Lan, Italia, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), …Qua đó đã cử nhiều công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các dự án đầu tư trang thiết bị hiện đại cho ngành đều có các nội dung đào tạo, chuyển giao công nghệ và phải được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản.

Định hướng chính là các chuyên gia quốc tế đào tạo chuyên sâu cho nhóm cán bộ chủ chốt sẽ tiếp nhận, vận hành chính trang thiết bị hiện đại và sau đó là những người thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ liên quan, hỗ trợ.

Tạo điều kiện, tạo môi trường thân thiện trong làm việc và mở rộng khả năng tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước để cán bộ có thể đảm nhận các vị trí công việc ngày càng cao trong chuyên môn, từ đó mức thu nhập sẽ tăng lên.

Xây dựng cơ chế đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ về lĩnh vực khí tượng thủy văn mà mở rộng thêm các nguồn nhân lực giỏi về công nghệ thông tin hay cả các lĩnh vực xã hội…

Ngoài ra ngành cũng tăng cường hoạt động theo cơ chế tự chủ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp để có thêm các nguồn lực đầu tư phát triển ngành cũng như có điều kiện để cải thiện, nâng cao hơn nữa chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức.

Xã hội hóa dịch vụ khí tượng thủy văn

Nhà báo Trương Xuân Thu: Quay trở lại bài toán đầu tư cho ngành khí tượng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đâu là giải pháp thu hút nguồn lực tư nhân tham gia?

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TN-MT: Thống kê cho thấy, nếu đầu tư 1 đồng vào khí tượng thủy văn sẽ thu lại 30 đồng lợi ích từ việc phòng chống thiên tai. Lợi ích cho cộng đồng đã thấy rõ nhưng nhìn từ tư nhân lại chưa thấy hấp dẫn.

Thực tế, lĩnh vực đầu tiên mà khối tư nhân có thể tham gia một cách hiệu quả đó là đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa thông qua đầu tư công kết hợp xã hội hóa.

Về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, khối tư nhân hoàn toàn có thể cùng tham gia phát triển, xây dựng các hệ thống hỗ trợ dự báo viên khí tượng; hệ thống truyền tin cảnh báo thiên tai, chi tiết, cụ thể hóa các thông tin về ảnh hưởng của thiên tai cho từng lĩnh vực, từng địa phương.

Các địa phương cũng có thể phối hợp, hỗ trợ trong việc xây dựng công nghệ cảnh báo ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trọng điểm; công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hồ chứa; công nghệ hiện đại dự báo sóng, dòng chảy, nước dâng do bão và ngập lụt ven bờ, triều cường, lan truyền chất ô nhiễm và vật thể trôi chi tiết cho các đảo, vùng ven bờ biển, cửa sông và tuyến hàng hải.

Để làm được điều đó, cần thương mại hóa các sản phẩm, từng bước phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn.

Cụ thể, hoàn thiện định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn giá có liên quan đến các hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn đảm bảo tính toán đầy đủ các chi phí cơ bản, phù hợp với cơ chế thị trường.

Mặt khác cần xây dựng các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài tham gia hoạt động dịch vụ khí tượng thuỷ văn; xây dựng và triển khai đề án phát triển nền công nghiệp khí tượng thủy văn tại Việt Nam vào 2030

Nhà báo Trương Xuân Thu: Xin cảm ơn các khách mời đã dành cho buổi tọa đàm những thông tin và góc nhìn đầy đủ hơn về ngành khí tượng thủy văn, về những yêu cầu bức thiết đang đặt ra với ngành khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo an toàn và thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trên thế giới, hoạt động Khí tượng thủy văn (KTTV) được hết sức quan tâm, coi trọng trong chiến lược phát triển bền vững của mọi quốc gia, nền kinh tế. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có vai trò, ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Những năm qua, ngành KTTV Việt Nam đã từng bước nâng cao chất lượng đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2018 ngành KTTV đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng.

Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, nhất là dự báo sớm về hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và khó dự đoán..., lĩnh vực KTTV Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra, cũng như đòi hỏi từ thực tiễn khách quan.

Đáng chú ý, mức đầu tư cho Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam còn thấp; trong khi chúng ta vẫn chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư vào lĩnh vực khí tượng thủy văn.Mặt khác, công tác quản lý nhà nước, nhận thức, sự quan tâm của hệ thống chính trị, toàn xã hội về khí tượng thủy văn còn hạn chế, chưa đầy đủ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.