Chính trị

Nhiều ý kiến khác nhau về quy định tuổi công chứng viên

10/04/2014, 19:02

"Quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng là không cần thiết, nhưng cần quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ".

"Quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng là không cần thiết, nhưng cần quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ".

Ý kiến của ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm khi cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách ngày 10/4.

Liên quan đến quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 35), nhiều đại biểu không đồng tình việc nâng tuổi quá cao. Theo đó, dự luật đưa hai phương án. Phương án 1: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Phương án 2: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng, nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đang có nhiều quan điểm khác nhau về quy định tuổi công chứng viên
Đang có nhiều quan điểm khác nhau về quy định tuổi công chứng viên

Theo ông Lê Bá Thuyền (đại biểu tỉnh Lâm Đồng), không nên quy định tuổi hành nghề của công chứng. "Tôi đã đi khảo sát tất cả các công chứng viên ở Lâm Đồng, họ đều về hưu mới ra làm công chứng. Nếu giới hạn đến 65 tuổi thì họ về hết, lấy ai làm", ông Thuyền nói và đề nghị không nhất thiết quy định về tuổi.

"Người ta vẫn bảo: sáu mươi mới tuổi dậy thì, bảy mươi chập chững bước đi vào đời", ông Thuyền dí dỏm nói và đề xuất, nếu còn sức khỏe thì cứ để họ làm.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) cho rằng, dự luật quy định về tuổi nhưng lại không nói đến sức khỏe. "Chắc gì cái ông 65 tuổi đã khỏe bằng cái ông 70. Đó là chưa kể, điều này còn "vênh" với Luật lao động, khi quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Nhưng giờ lại quy định chung cho cả nam và nữ hành nghề công chứng là đều 65 cả thì có hợp lý không?", ông Vinh đặt câu hỏi và đề nghị không nên quy định tuổi mà phải có định kỳ 1, 2 năm kiểm tra, giám định sức khỏe.

Ủng hộ quy định độ tuổi 65 của công chứng viên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, bởi dù có cao hơn tuổi quy định của Luật Lao động, nhưng thấp hơn tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển lại nêu quan điểm, không nên quá cứng về độ tuổi, bởi một số công việc càng tuổi cao thì càng có kinh nghiệm và tận dụng được tri thức.

Liên quan đến nội dung này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, quy định tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi bởi đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao.

Minh Thành

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.