Xã hội

Nhìn gợi tình, nháy mắt cũng có thể là quấy rối tình dục?

26/05/2015, 15:55

Hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm... cũng được cho là một hình thức quấy rối tình dục.

nhieu-phen-muoi-mat-vi-chong-co-mau-de1
Quấy rối tình dục là những hành vi khá phổ biến trong môi trường làm việc nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức độ (Ảnh minh họa)

Sáng ngày 25/5, tại Hà Nội, “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” đã được công bố thu hút sự quan tâm, chú ý từ phía dư luận. Đây là sản phẩm của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Không chỉ chỉ rõ các hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm..., Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc còn liệt kê những hành vi quấy rối tình dục (QRTD) bằng lời nói. Cụ thể như các nhận xét không phù hợp, đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Bên cạnh đó, những hành vi QRTD phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm... cũng được cho là một hình thức QRTD.

Theo các chuyên gia, những hành vi này thường không được nhận biết đầy đủ hoặc không được đánh giá đúng mức độ, dễ bị bỏ qua dù gây khó chịu, bức xúc cho người bị QRTD.

Bộ Luật Lao động 2012 đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

“Trong bối cảnh đó, Bộ quy tắc nhằm mục đích giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chuất lượng cao”, ông Hà Đình Bốn cho biết.

Untitled
Các hình thức quấy rối tình dục 

Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để phòng ngừa hành vi này, và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi này diễn ra.

Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, đánh giá việc công bố Bộ quy tắc là “một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc”.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cam kết cùng hợp tác để thực hiện bộ quy tắc một cách hiệu quả, nhằm xây dựng văn hóa tại nơi làm việc không dung thứ hành vi quấy rối tình dục.

Theo một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 - 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.