Xã hội

Nhìn lại 13 tỉnh thành miền Tây sau 1 năm dịch bệnh bủa vây

31/12/2021, 09:57

Những bài học kinh nghiệm sau 1 năm đầy biến động do đại dịch Covid-19, đã từng bước giúp “Đất Chín Rồng” thích ứng trong tình hình mới...

Dịch bệnh bùng phát, nhiều tháng trời phải giãn cách nghiêm ngặt, kinh tế đình trệ, doanh nghiệp, hàng quán đóng cửa, nông sản ùn ứ, người lao động nghèo lao đao... là bức tranh chung của vùng ĐBSCL trong năm 2021.

img

Ca bệnh đầu tiên của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở ĐBSCL ghi nhận vào ngày 28/5 tại tỉnh Long An, liên quan đến ổ dịch Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng. Sau đó, dịch bệnh bắt đầu lan nhanh và rộng ra khắp 13 tỉnh thành ĐBSCL.

img

Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản khẩn chỉ đạo 19 tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Đây là mốc thời gian cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16. Thời điểm đó, dịch đã lan rộng trong cộng đồng, khó kiểm soát.

img

img

Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, các địa phương đã đưa ra những quy định chặt chẽ, nhưng mỗi nơi làm mỗi kiểu, khiến việc đi lại của người dân gặp vô số phiền toái. Tại TP Cần Thơ, vào cuối tháng 8 đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng khu vực cửa ngõ, khi các phương tiện bị buộc phải sang hàng đổi tài xế, không cho vào thành phố. Hơn 3 ngày sau, Cần Thơ mới bãi bỏ quy định này, và việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa được thông thoáng hơn.

img

img

Đến đầu tháng 10, một làn sóng với hàng trăm ngàn người dân từ các tỉnh miền Đông, TP.HCM... đã về quê tự phát, tạo nên một áp lực cực lớn cho công tác chống dịch tại miền Tây. Chính quyền các địa phương đã nỗ lực đón người dân, đồng thời kêu gọi hạn chế thấp nhất lượng người về quê tự phát.

img

img

Trong nhiều tháng giãn cách xã hội, một lượng lớn hàng hóa nông sản đã bị ùn ứ, do vướng các quy định về đi lại. Trước tình hình đó, những tấm lòng của người dân cả nước đã hướng về vùng ĐBSCL với những chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản.

img

Tuy nhiên mới đây, khi cửa khẩu ở phía Bắc bị nghẽn thông quan, nông sản ở miền Tây, một lần nữa lại rơi vào cảnh ùn ứ, rớt giá thê thảm chưa từng có. Ông Lê Văn Suốt (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), cho biết, gia đình ông trồng 13 ha nhãn Ido, trong đó có 7 ha đang tới lúc thu hoạch, sản lượng hơn 100 tấn. Những vụ trước, giá nhãn bán tại vườn từ 30.000- 40.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 7.000-9.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có ai mua.

img

img

Dù vậy, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm nay vẫn đạt 48,6 tỉ USD, vượt hơn 6 tỉ USD so với "nhiệm vụ" được giao.

img

Cũng trong năm 2021, một chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn chưa từng có đã được các tỉnh miền Tây triển khai để phòng dịch Covid-19. Đến nay, toàn vùng đã có hơn 8 triệu dân được tiêm vaccine, trong đó mũi 1 đạt khoảng 100%, mũi 2 cũng trên 90%, và đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người dân.

img

img

Sau thời gian giãn cách kéo dài, khiến nền kinh tế kiệt quệ, các địa phương ĐBSCL đã bắt đầu mở cửa để thích ứng an toàn với dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được nối lại và có dấu hiệu phục hồi tích cực.

img

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, Chủ tịch HĐQT Ðồng Tâm Group, cho biết: Ðến nay, có khoảng 95% doanh nghiệp của tỉnh Long An đã hoạt động lại, với khoảng 330.000 lao động, năng suất từ 70-80% so với trước dịch. Mặc dù doanh nghiệp đã tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ cao, song vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: tình trạng thiếu hụt lao động (tỷ lệ thiếu hụt lao động khoảng 10-20%); nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu khan hiếm, giá thành cao, đáp ứng không kịp thời. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tốn khoản phí không nhỏ cho việc kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh…

img

Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tiếp tục là rào cản đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại ÐBSCL từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022. Các địa phương trong vùng cũng cần tìm tiếng nói chung trong liên kết vùng thậm chí liên vùng. Bởi nếu chỉ 1 địa phương hành động, hiệu quả sẽ không cao. Lấy trường hợp của Ðồng Tâm Group, Long An là tỉnh “mở cửa” rất sớm nhưng nhà cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi lại ở Bình Dương, Ðồng Nai trong khi các địa phương này mở cửa chậm hơn. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, mặc dù chính quyền Long An rất cởi mở và chủ động nhưng không sản xuất được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.