Thời sự Quốc tế

Nhìn lại 2020: Một năm đầy thách thức và những thay đổi

30/12/2020, 09:09

2020 là một năm khó quên trong lịch sử thế giới gắn liền với rất nhiều sự kiện quan trọng từ chính trị, kinh tế, xã hội cho đến y tế...

img

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và nữ phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Bầu cử Tổng tống Mỹ 2020 diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang bị ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng nhiều chiều xen lẫn nhiều yếu tố như dịch bệnh Covid-19, suy giảm kinh tế, chia rẽ và mất ổn định xã hội. Cuộc bầu cử này được tiến hành trong lúc cả thế giới đang phải thực hiện các biện pháp đóng cửa và cách ly xã hội. Dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế và trật tự xã hội ở quốc gia này bị đảo lộn, đặc biệt là khi rất nhiều người dân của nước này bị đại dịch đẩy vào tình thế phải sống bằng trợ cấp xã hội và vay nợ.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm đảo lộn các lợi thế và bất lợi thế của hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đại diện cho hai chính đảng lớn nhất nước ở Mỹ là Dân Chủ và Cộng Hòa. Đây cũng là cuộc bầu cử tốn kém, gây chia rẽ, gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử chính trường Mỹ. Vì là một cuộc bầu chọn người lãnh đạo ở một siêu cường kinh tế, quân sự số một thế giới nên sự quan tâm của dư luận quốc tế là vô cùng lớn.

Không chỉ người dân Mỹ phải chờ đợi cho đến khi kết quả cuối cùng được công bố, tất cả các hãng truyền thông, báo chí quốc tế và ngay cả các nhà lãnh đạo ở nhiều nước cũng phải mệt mỏi để xác định được thời điểm tốt nhất nhằm gửi đi những lời chúc mừng. Các nhà phân tích cho rằng dù ông Joe Biden đã giành được chiến thắng cuối cùng nhưng ảnh hưởng và các di sản về chính sách đối nội, đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump vẫn còn đó.

Tân Tổng thống Mỹ Biden được dự đoán là sẽ không dễ gì vượt qua trong bốn năm cầm quyền sắp tới bởi tất cả những gì ông Trump đã tạo ra trước khi chính trị gia này buộc phải rời Nhà Trắng trong nỗi hậm hực vì thua cuộc và đầy rẫy những cáo buộc chưa được làm rõ theo ý mình.

Dưới thời ông Joe Biden, giới quan sát cho rằng, quan hệ Mỹ - Việt sẽ không bị ảnh hưởng hay thay đổi quá nhiều. Washington sẽ vẫn tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương cơ bản tốt đẹp với Việt Nam, chính sách vốn đã được các thế hệ lãnh đạo của Hoa Kỳ trong suốt 25 năm qua chủ trương.

LHQ thông qua nghị quyết về dịch bệnh do Việt Nam đề xuất

img

Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về dịch bệnh Covid-19 do Việt Nam đề xuất

Ngày 7/12/2020 đã đánh dấu một sự kiện đầy ý nghĩa, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh" vào ngày 27/12 hàng năm.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ về lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên của tổ chức quốc tế lớn hành tinh.

Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent - Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Để tạo được sự đồng thuận và nhất trí của tất cả các quốc gia trong LHQ, việc Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều. Đất nước của chúng ta đã trở thành một trong những hình mẫu về thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Đề xuất của Việt Nam cũng đã thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế về một nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch do virus Corona chủng mới gây ra nói riêng cũng như việc phải chuẩn bị ứng phó cho những tình huống dịch bệnh lan rộng tiềm tàng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

Covid-19 – chất xúc tác của thay đổi và phát triển

img

Bức ảnh từng được lan truyền rộng rãi thời kỳ đầu dịch bệnh bùng phát, cho thấy nhân viên y tế trong đồ bảo hộ chuẩn bị đưa một người Trung Quốc bị ngất ngay trên đường gần tới bệnh viện

Covid-19 là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Tuy nhỏ bé đến mức vô hình nhưng Covid-19 đã gây ra đại dịch trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống: y tế, vận tải, giáo dục, chính trị, xã hội… thậm chí định hình lại cán cân thế giới.

Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh thì ai cũng rõ nhưng đi kèm nó cũng là cơ hội lớn để từ các quốc gia, thành phố, tổ chức thậm chí các cá nhân có cơ hội lắng lại, nhìn vào chính mình, mở ra nhiều hướng phát triển mới.

Đơn cử về vấn đề kinh tế, từ dịch bệnh, các quốc gia đã nhận ra vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phụ thuộc vào nước ngoài sau nhiều năm miệt mài đi tìm cơ hội, phát triển ở các nước khác. Từ đây, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc… phải xây dựng lại chiến lược kinh tế, đánh giá lại chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc lẫn nhau, nhất là Trung Quốc, với chiến lược quay về tập trung khai thác tiềm lực nội địa vừa được công bố cuối năm nay.

img

Hoạt động hàng không tê liệt gần như trên toàn thế giới

Về giáo dục, dịch bệnh là chất xúc tác giúp phát triển, phổ biến việc học trực tuyến và nhiều mô hình học tập từ xa trên quy mô toàn cầu.

Về vận tải, ngành hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhưng nhìn theo một khía cạnh khác, dịch bệnh dường như là màng sàng lọc tự nhiên, giúp ngành hàng không lọc ra những nhân tố khoẻ mạnh nhất giữa cơn sốt tăng trưởng hàng không, khiến các hãng phát triển ồ ạt thời gian qua. Đồng thời, đây cũng là chất xúc tác để những công nghệ hàng không hiện đại như làm thủ tục tự động, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm... được thúc đẩy nhanh hơn.

Với chính trị, Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia vốn được coi là có nền chính trị hiện đại, dân chủ nhất nhận thấy những thiếu sót trong quản lý. Từ đây, các quốc gia tại khu vực Châu Á, với khả năng quản lý, kiểm soát dịch bệnh tốt đã vươn lên phát triển. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây lại vật lộn với dịch bệnh đến kiệt quệ.

Cháy rừng Australia - đối diện với thảm hoạ để thay đổi thái độ

img

Một chú ngựa hoang đói khát, kiệt quệ sau khi cánh rừng bị thiêu rụi

Vụ cháy rừng tại Australia xảy ra vào đầu năm 2020, gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử, thiêu rụi 47 triệu mẫu Anh (hơn 190 nghìn km2), khiến hàng nghìn người phải tha phương, làm ít nhất 34 người thiệt mạng. Trận hoả hoạn còn thiêu rụi nhiều môi trường sống hiếm, giết chết hàng tỉ sinh vật.

Chính cơn giận dữ này của thiên nhiên buộc người dân Australia cũng như toàn thế giới trực tiếp đối diện với hậu quả về môi trường, hệ sinh thái, kinh tế, nhân đạo vì thay đổi khí hậu, Trái đất nóng lên. Cuộc khảo sát Lowy 2020 cho thấy, sau sự việc, vấn đề môi trường là điều người dân Australia lo ngại nhất, hơn cả những mối lo truyền thống như an ninh, quân sự. Cứ 3 trong 4 người được hỏi coi việc cháy rừng, hạn hán… là nỗi lo hàng đầu.

Trên quy mô thế giới, sự việc này là một trong những hồi chuông cảnh báo, các quốc gia trên thế giới cần nghiêm túc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris nếu không muốn tiếp tục chứng kiến những hậu quả thảm khốc.

Brexit – màn chia tay có hậu

img

Bức ảnh được Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng tải ngay trong đêm đạt được thoả thuận thương mại

Năm 2020 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn với Anh và toàn khu vực Châu Âu khi lần đầu tiên trong lịch sử có một quốc gia trong khối “chia tay” với EU.

Cũng trong năm nay, chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson đã dẫn dắt nước Anh đạt được thành công vang dội, chấm dứt nỗi đau đầu hàng năm trời của cả Anh và EU bằng thoả thuận về thương mại với EU vào đúng dịp Giáng sinh.

Với thoả thuận này, người dân Anh cũng như khu vực này duy trì hoạt động giao thương ổn định, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

RCEP – thoả thuận thương mại lớn nhất

img

Bất chấp dịch bệnh, thoả thuận RCEP vẫn được ký kết thông qua hình thức trực tuyến

Sau hơn 8 năm đàm phán nhọc nhằn, 10 nước trong khối ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand cuối cùng cũng đặt bút ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đánh dấu một trong những sự kiện kinh tế nổi bật nhất trong năm 2020.

Thành công của RCEP đặc biệt vì thể hiện được sự thống nhất, chấp nhận rất nhiều những khác biệt giữa chính các nước thành viên, để cùng hướng tới một nền kinh tế khu vực thịnh vượng. Những nước có mâu thuẫn sâu sắc như Nhật – Trung, Nhật – Hàn, Trung – Australia đã cùng làm việc với nhau dưới chung một khung RCEP, tạo nên thoả thuận kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 dân số thế giới, đóng góp 30% GDP và thương mại toàn cầu.

Trong vòng 20 năm tới, thoả thuận sẽ xoá bỏ tới 90% thuế nhập khẩu giữa các bên, mở cửa cho các thị trường hàng hoá, dịch vụ trong khu vực, một yếu tố quan trọng để khu vực Châu Á khôi phục, vươn lên phát triển giữa bối cảnh kinh tế, giao thương bị cản trở vì dịch bệnh.

Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nhưng đi kèm nó cũng là thách thức không nhỏ khi các công ty trong nước sẽ đối mặt với những luồng hàng hoá nước ngoài đa dạng hơn và buộc phải thay đổi, nâng cao giá trị, từ đó khẳng định mình trên thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.