Y tế

Nhìn lại kỳ tích chống Covid-19 kiểu “nhà nghèo” của Việt Nam

13/02/2021, 11:27

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu vừa phòng chống dịch tốt, vừa phát triển được kinh tế.

img

PGS. TS. Trần Đắc Phu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan trên thế giới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu vừa phòng chống dịch tốt, vừa phát triển được kinh tế. Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Những điều chưa từng có

Theo ông, đến thời điểm này, đã có thể khẳng định Việt Nam thành công với công tác phòng chống dịch Covid-19, cho dù có những thời điểm dịch bệnh bùng phát rộng khắp ở các nước trong khu vực?

Có thể nói, rất hiếm quốc gia nào có sự an toàn, không có nhiều ca bệnh trong cộng đồng như ở Việt Nam. Người dân được sống trong điều kiện an toàn và kinh tế tăng trưởng dương. Việt Nam cũng đã được quốc tế ca ngợi trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Để đạt được kết quả đó, trước hết phải khẳng định chúng ta đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự đồng lòng vào cuộc của các địa phương, bộ ngành và của người dân với quyết tâm cao “chống dịch như chống giặc”.

Các cấp ban chỉ đạo phòng chống dịch được thành lập và hoạt động vô cùng hiệu quả. Ban chỉ đạo cấp trung ương do đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban, đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời; chỉ đạo, tập hợp sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tại các địa phương, người đứng đầu các ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND hoặc Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đây là trường hợp hiếm có từ trước tới nay.

Cũng chưa từng có dịch bệnh nào mà tình hình được “update, hiện diện” với tần suất dày đặc trong các cuộc họp quan trọng của Chính phủ, của các bộ ngành và trong chính đời sống của mỗi người dân như Covid-19.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam có hệ thống cơ sở hoạt động sát sao và hiệu quả. Đó là điểm khác biệt của Việt Nam. Từ chính quyền, y tế, quân đội (đồn biên phòng ngày đêm canh gác), công an, tổ dân phố… Tất cả đều sẵn sàng với cuộc chiến dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là người dân rất trách nhiệm, phối hợp phát hiện, khai báo với bất kỳ tình huống nào phát sinh từ cơ sở.

Vậy đâu là bài học cốt lõi của sự thành công trong cuộc chiến này, thưa ông?

Dịch Covid-19 tại Việt Nam chia làm 2 giai đoạn và 4-5 đợt dịch. Giai đoạn đầu từ ca đầu tiên ngày 23/1/2020, sau đó là các ca về từ TP Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch bùng phát…

Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến nay với các ổ dịch lớn, nhỏ tại TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố. Và gần nhất là ổ dịch tại TP HCM. Tất cả đều đã được xử lý thành công.

Qua đó cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp. Triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu, xuyên suốt các giai đoạn, đó là “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả” và nguyên tắc 4 tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.

Truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng.

Chiến lược phòng chống dịch của “nước nghèo”

img

Nhân viên y tế chốt kiểm soát số 1 xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xịt khử khuẩn tiền trước khi thanh toán giao nhận hàng qua chốt kiểm soát số 1 tại xã Sơn Lôi. Ảnh: Hoàng Hùng

Ông có thể phân tích rõ hơn về chiến lược phòng chống dịch chúng ta đã áp dụng và mang lại thành công?

Ngay từ những ngày đầu đối mặt với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã có quyết sách đúng đắn với chiến lược chống dịch rất phù hợp, đó là “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”.

Việc ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam được ráo riết thực hiện từ các đồn biên phòng nơi biên giới; cách ly các trường hợp nhập cảnh qua các chuyến bay quốc tế… Ngoài ra còn ngăn chặn từ vùng này sang vùng khác khi xảy ra các ổ dịch tại mỗi địa phương.

Với “phát hiện”, đến giờ Việt Nam tự hào là một trong số ít quốc gia sớm phân lập virus SARS CoV-2, sớm ra test kit và hệ thống xét nghiệm phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương. Hiện, năng lực xét nghiệm đáp ứng đầy đủ, do chúng ta chủ động sản xuất được test kit…

Việc giám sát, truy vết nguồn bệnh, ổ bệnh… phát hiện F0, để khoanh vùng, cách ly, chúng ta cũng quyết sách cách ly rất sớm, điểm khác biệt với các nước khác là tổ chức cách ly tập trung do quân đội quản lý.

Đó còn là bài học về khoanh vùng. Ban đầu là khoanh vùng ở các ổ dịch Sơn Lôi, Hạ Lôi… do chúng ta có kinh nghiệm điều tra dịch tễ, ngày càng khoanh vùng gọn hơn, chặt hơn, tốt hơn hiệu quả hơn, đảm bảo được phòng chống dịch bệnh và không để ảnh hưởng quá đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế của người dân.

Đặc biệt nhờ khoanh vùng tốt nên việc dập dịch thành công. Các ổ dịch đã khoanh vùng là minh chứng. Điển hình như, từ ổ dịch nhỏ ban đầu là Sơn Lôi rồi BV Bạch Mai… đến ổ dịch lớn hơn như Đà Nẵng chúng ta đều dập dịch thành công và gần đây nhất là ổ dịch TP HCM. Và đến nay chúng ta vẫn duy trì không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Với chiến lược này, chúng ta áp dụng hiệu quả trong thời gian vừa qua, đến giờ và mãi mãi về sau tôi cho rằng vẫn phù hợp. Và nó còn là bài học cho việc chống dịch với các bệnh dịch truyền nhiễm khác.

Dự báo dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn trong năm 2021 và sau đó, chúng ta có nên quá lo lắng về điều đó không, thưa ông?

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.

Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch Covid-19 vẫn thường trực, mỗi người dân dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” theo tiêu chí 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế): đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn…

Cảm ơn ông!

Theo Bộ Tài chính, năm 2020, Việt Nam đã chi khoảng 18.000 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD) cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (trong đó, chi cho công tác phòng, chống dịch khoảng 5.500 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 12,6 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ khoảng 12.500 tỷ đồng).

Tại Mỹ, ngày 21/12/2020, Quốc hội Mỹ đã công bố dự luật ngân sách Chính phủ và gói cứu trợ Covid-19 với tổng trị giá gần 2.300 tỷ USD, trong đó dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá gần 900 tỷ USD.

Tại Nhật Bản, tổng số tiền chính phủ đã chi cho các biện pháp kích thích liên quan đến dịch Covid-19 khoảng 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, để ứng phó với dịch, năm qua Hàn Quốc đã chi tổng cộng 310.000 tỷ won (283 tỷ USD), với 4 lần lập ngân sách bổ sung với số tiền lên tới 67.000 tỷ won. Năm 2021, trong tổng số 558.000 tỷ won (510 tỷ USD), 4.000 tỷ won sẽ được phân bổ cho các gói cứu trợ Covid-19 và mua vaccine.

Tại Đức, đến tháng 10/2020, chính phủ đã chi 334 tỷ euro và các bang là 376 tỷ euro hỗ trợ kinh tế và đối phó với dịch Covid-19. Còn tại Trung Quốc, dù đến nay con số chưa được thống kê nhưng ngay từ tháng 2/2020, quốc gia này cũng đã phải chi số tiền hơn 10 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.