Điện ảnh

Nhìn lại những sản phẩm của Hãng phim truyện Việt Nam 10 năm qua

23/09/2017, 21:44

Những con số không nói dối, ngược lại cho thấy nguyên nhân vì đâu Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng xuống dốc.

vfs

Nhìn lại những sản phẩm của Hãng phim truyện Việt Nam 10 năm qua

Thương hiệu điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên bên cạnh quá trình cổ phần hoá nhiều trắc trở, nguyên nhân còn đến từ nội tại của hãng phim khi đã không có những sản phẩm tạo lợi nhuận suốt 10 năm qua. 

Quá nửa năm 2017, hãng không cho ra được một sản phẩm nào. Mãi tới tháng 6 vừa qua, kế hoạch sản xuất bộ phim Người yêu ơi mới bắt đầu vận hành, dù kịch bản đã ra đời ở trại sáng tác Tam Đảo từ năm 2014. 

vfs

Thử vai bộ phim Người yêu ơi, sản phẩm hiếm hoi của Hãng phim truyện Việt Nam năm 2017

Năm 2016, báo cáo tài chính của Công ty vận tài thuỷ VIVASO - cổ đông lớn nhất của VFS - cho hay hãng chỉ thực hiện được duy nhất một bộ phim video Thung lũng tình nhân với doanh thu khoảng 585 triệu đồng. Dù không công bố kinh phí, nhưng đây là mức doanh thu rất thấp nếu so với mặt bằng phim điện ảnh hiện tại. Bộ phim Thung lũng tình nhân không được công chiếu rộng rãi, mất hút trên thị trường rạp chiếu.

Năm 2015, hãng cho ra mắt 2 bộ phim video là Nhà tiên triCuộc đời của Yến. Nhà tiên tri có kinh phí hơn 16 tỉ đồng, nhưng theo báo cáo tài chính, mãi tới năm 2016 quyết toán doanh thu mới đạt xấp xỉ 15,3 tỉ. Đây cũng là một dự án nhà nước đặt hàng, kinh phí lớn nhưng mất tích trên thị trường. 

vfs

Phim Nhà tiên tri, sản phẩm ra mắt năm 2015 của VFS với kinh phí 16 tỉ đồng

Phim Cuộc đời của Yến dường như là sản phẩm hiếm hoi có dấu ấn đậm nét. Mức đầu tư không được công bố, nhưng quyết toán năm 2016 cho ra doanh thu 13 tỉ đồng. Phim đoạt giải Cánh diều Vàng 2015 và được đem đi công chiếu ở một số Liên hoan phim Quốc tế.

Năm 2014, hãng sản xuất bộ phim Sống cùng lịch sử, một thất bại đau đớn trên thị trường. Với mục đích kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ, phim được rót kinh phí 21 tỉ đồng. Song trong suốt giai đoạn chiếu thương mại tháng 8/2014, phim được đón nhận vô cùng hời hợt. Báo Thể thao & Văn hoá thống kê tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, chỉ có tầm chục khách tới xem trong khoảng 2-3 ngày đầu công chiếu. Phim trụ ở rạp 5 ngày rồi biến mất. Tới tháng 10, phim đành chuyển sang hình thức chiếu miễn phí.

vfs

Sống cùng lịch sử, thất bại đau đớn của VFS trong năm 2014

Năm 2013, phim Những người viết huyền thoại được đầu tư kinh phí 8,5 tỉ đồng, nhưng chỉ trụ ở rạp chiếu được 1 tuần với giá vé đã giảm 50%. Kết quả, phim thu về 500 triệu đồng, một con số đầy thất vọng. 

vfs

Phim Những người viết huyền thoại bỏ ra gần 10 tỉ đồng, thu về 500 triệu trong năm 2013

Năm 2012, VFS tiếp tục sản xuất bộ phim Mùi cỏ cháy với kinh phí đầu 5,2 tỉ đồng. Song phim hầu như chỉ được công chiếu miễn phí trong các sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ.

vfs

Mùi cỏ cháy được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nhưng lại không được công chiếu thương mại rộng rãi

Năm 2010, VFS ra mắt bộ phim Trung uý, kinh phí đầu tư huy động từ nhiều nguồn có được khoảng 2,6 tỉ, nhưng dù đã cắt tới 60% nội dung có cảnh nóng vẫn chật vật và không thể ra rạp. Kết quả doanh thu gần như không có.

vfs

Do có nhiều cảnh nhạy cảm, dù đã cắt tới 60% nhưng phim Trung uý vẫn không được ra rạp thuận lợi

Năm 2008, sản phẩm Rừng đen của hãng phim truyện Việt Nam ra rạp. Kinh phí chưa được thống kê đầy đủ, nhưng khi được công chiếu thương mại tháng 12/2008, phim ế ẩm và rút khỏi rạp sau 8 ngày công chiếu. Doanh thu cao nhất thống kê được chỉ là 4 triệu đồng/cụm rạp/ngày. 

vfs

Phim Rừng đen, được VFS sản xuất năm 2008 với doanh thu chỉ khoảng 1 triệu đồng/ngày/cụm rạp

Năm 2007 hầu như không có dự án lớn nào từ phía VFS. Đây là năm manh nha chấm dứt hình thức tài trợ từ nhà nước, khiến các kịch bản cũ từ các năm trước như Dấu lặng đầu đời, Đi mãi rồi cũng phải quay về được VFS gấp rút vét ngân sách và cho ra rạp trong Quý I. Hệ quả là phim hoàn toàn không để lại chút dấu ấn nào trong lòng khán giả.

Ngoài ra, trở về trước đó Hãng phim truyện Việt Nam còn nhiều sản phẩm khác đầu tư lớn nhưng doanh thu èo uột. Như phim Giải phóng Sài Gòn 2005 được đầu tư 12,5 tỉ đồng, công chiếu giới hạn từ 29/4-7/5/2005. Trong 4 ngày đầu công chiếu, phim chỉ thu về 68 triệu đồng tại hai rạp Thăng Long A và Fafilm Cinéma ở TP.HCM. Hay phim Ký ức Điện Biên được sản xuất với kinh phí 13 tỉ đồng năm 2004, nhưng trong ba ngày chiếu tại rạp Đống Đa chỉ bán được 60 vé. Doanh thu khi rời rạp theo đó chỉ đạt 700 nghìn đồng. 

vfs

Bỏ ra 13 tỉ đồng, nhưng phim Ký ức Điện Biên chỉ đem về 700 nghìn đồng năm 2004

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.