Xã hội

Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết bồi thường người tù oan

06/12/2015, 07:44

Nhà nước đào tạo và giáo dục cán bộ, để người đó làm xảy ra oan sai thì Nhà nước cũng phải bồi thường.

vũ đức khiển
Ông Vũ Đức Khiển.

Quy định về bồi thường cho người bị oan sai khiến nhiều cán bộ hoạt động tố tụng phải dè chừng, trách nhiệm hơn. Từ đó xoá bỏ tư tưởng lâu nay của họ là “thà oan còn hơn để lọt”.

Ông Vũ Đức Khiển (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết như trên khi đánh giá tác động ban đầu của việc ra Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Cơ quan nào làm sai, cơ quan đó phải bồi thường

Ông Vũ Đức Khiển cho biết, thời điểm đó xuất phát từ thực tiễn qua xem xét đơn từ của dân thì thấy có những việc bị oan, các cơ quan chức năng cũng đã sửa rồi nhưng lại không có bồi thường. Trong khi đó, chúng ta vẫn thường quan niệm: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, trước kia khi có án oan thì chỉ hủy án và trả tự do cho người bị oan, nhưng bởi có những người bị oan còn phải chịu cảnh khuynh gia bại sản nên việc bồi thường cho họ là hết sức chính đáng. “Tôi biết một người đàn ông ở Đồng Nai bị kết án oan hiếp dâm, giết người khiến gia đình họ tan tác, con cái phải bỏ đi khỏi địa phương vì xấu hổ. Người đó sau khi ra tù trắng tay, không có bất cứ thứ gì xây dựng lại cuộc sống”, ông Khiển dẫn chứng.

Ông Khiển kể, Nghị quyết 388 được xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2003, khi đó chỉ quy định về việc bồi thường cho người bị oan chứ chưa quy định những trường hợp bị sai, bởi thực tế khi đó chưa nhận thấy có trường hợp nào sai. “Oan là hoàn toàn không có tội mà xử người ta có tội, sai là xử không đúng, tội nặng xử nhẹ, tội nhẹ xử thành nặng. Nghị quyết 388 khi ấy chỉ gói gọn việc bồi thường cho những người bị oan trong luật hình sự, còn luật dân sự cũng chưa có”, ông Khiển giải thích.

Ông kể, khi ấy Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được một dự án của Canada tài trợ và mời sang nước họ nghiên cứu luật. Ở Canada đã quy định về việc này và sau khi Ủy ban Pháp luật cử người sang nghiên cứu, tìm hiểu thấy có ý nghĩa nên đã về trình bày với Quốc hội, mong muốn Quốc hội cho xây dựng và ban hành Luật về bồi thường.

Tuy nhiên, khi đó Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn và phức tạp, lại có nhiều điểm mới chưa được nghiên cứu kỹ nên trước mắt giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về việc này. “Sau rất nhiều lần bàn đi tính lại với sự tham gia góp ý của cả lãnh đạo Viện Kiểm sát (VKS), lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo TAND Tối cao…, cuối cùng chúng tôi cũng đã soạn thảo nghị quyết để trình Thường vụ Quốc hội và được chấp thuận. Nghị quyết khi đó quy định rõ những trường hợp bị oan thì phải bồi thường, nhưng oan ở khâu nào thì cơ quan phụ trách khâu đó phải chịu trách nhiệm bồi thường”, ông Khiển nói.

Nhà nước đào tạo và giáo dục cán bộ, để người đó làm xảy ra oan sai thì Nhà nước cũng phải có trách nhiệm bồi thường.

Chúng ta cần quan tâm hơn đến việc xin lỗi người bị oan sai, bởi từ trước đến nay, việc xin lỗi này được thực hiện một cách rất hình thức, có người bị oan đến 14 năm mà cơ quan chức năng chỉ tổ chức xin lỗi trong vòng chưa đầy 4 phút.

Việc này xuất phát từ tâm lý của chúng ta luôn cho mình là đúng, người khác là sai, do chúng ta luôn có tâm lý sợ sai và không dám đứng lên trước đám đông dư luận để nhận cái sai và trách nhiệm sửa chữa về mình”.

Ông Vũ Đức Khiển

Cũng theo quy định trong nghị quyết khi đó, nếu công an khởi tố mà VKS chưa phê chuẩn, sau đó VKS đình chỉ cho là án oan thì khi đó công an phải bồi thường. Nếu công an khởi tố mà VKS phê chuẩn lệnh bắt giam, sau đó VKS truy tố, chuyển sang toà mà tòa tuyên không có tội thì VKS phải bồi thường. Nếu VKS truy tố mà toà xử sơ thẩm kết tội, xử phúc thẩm vẫn kết tội, xử giám đốc thẩm mới tuyên bố là oan thì toà án cấp phúc thẩm phải bồi thường. “Ở thời điểm đó, luật quy định VKS có 2 chức năng là công tố (truy tố người phạm tội ra trước toà và buộc tội người ta) và kiểm soát hoạt động tư pháp (có quyền can thiệp vào quyết định của các cơ quan tư pháp mà VKS cho là sai thì VKS có quyền kháng nghị, đình chỉ, hủy quyết định).

Như vậy, đứng về mặt tổng thể thì quyền của VKS khi ấy rất lớn nên họ cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng. Vì thấy trách nhiệm của VKS quá lớn nên chúng tôi khi ấy quyết định chia ra, giai đoạn nào sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nghị quyết 388 làm theo tinh thần đó”, ông Khiển phân tích.

Xoá bỏ tư tưởng “thà oan còn hơn để lọt”

Cho biết trong quá trình soạn thảo nghị quyết cũng gặp phải không ít khó khăn vì có quá nhiều vấn đề đặt ra như bồi thường thế nào? Ai bồi thường? Trách nhiệm của người làm oan như thế nào…, tuy nhiên, ông Khiển khẳng định khi nghị quyết ban hành đã được dư luận ủng hộ và đánh giá rất cao.

Nhận định về tác động ban đầu khi Nghị quyết 388 ban hành, ông Khiển nhấn mạnh, Nghị quyết ra đời khi ấy đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, giải quyết bồi thường cho nhiều trường hợp người bị oan. “Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết 388 khiến cho nhiều cán bộ hoạt động tố tụng cũng phải “dè chừng”, cẩn trọng hơn và nâng cao trách nhiệm hơn, đó là tác động tích cực rõ nét nhất. Thậm chí không ít cán bộ phải “chùn tay” bởi lâu nay, có một số người làm công tác tố tụng có tư tưởng “thà oan còn hơn để lọt”.

Theo ông Khiển, một bộ phận cán bộ của chúng ta vẫn còn vô cảm với nỗi oan của dân. Sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết, do có tác động tốt nên nghị quyết này đã được nâng lên thành luật và mở rộng các quy định được nêu rõ trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bồi thường cả những trường hợp bị oan và sai. “Tuy ghi nhận những kết quả tích cực nhất định, nhưng đánh giá chung, sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết thì kết quả vẫn chưa được như chúng tôi kỳ vọng khi đó”, ông Khiển chia sẻ.

Nhiều đêm trăn trở, mất ngủ vì án oan

Chia sẻ với PV, ông Khiển cho biết, về hưu đã lâu và không muốn nói nhiều đến vấn đề oan sai nữa, bởi mỗi lần nói đến ông thấy rất trăn trở, thậm chí có những đêm mất ngủ khi nằm nghĩ đến những vụ án oan sai. Trong đó, trăn trở lớn nhất của ông là thủ tục bồi thường cho những người bị oan sai từ trước đến nay vẫn còn rất phức tạp, rắc rối.

Theo nguyên tắc thì tất cả những yêu cầu bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, nhưng đó là một điều không tưởng, không thực tế. “Tâm lý những người đi kêu oan cũng có phần nào đó lòng tin là người ta sẽ minh oan được cho người bị oan, nhưng lòng tin đó chỉ như một kiểu “cầu may”, lòng tin đó nhỏ hẹp lắm nên người ta không nghĩ đến chuyện giữ tất cả những giấy tờ liên quan trong suốt quá trình đi kêu oan.

Ví dụ như, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Còn nhớ khi gia đình họ đòi bồi thường, cơ quan chức năng yêu cầu bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) - là người trực tiếp đi kêu oan cho chồng phải đưa ra giấy tờ chứng minh toàn bộ các khoản phí mà bà đã phải chi trả. Điều đó là không thể”, ông Khiển lấy dẫn chứng và cho rằng, trong những trường hợp như vậy không thể cứng nhắc bắt người ta chứng minh được rồi mới bồi thường. Đó là cách làm rất máy móc, mà chúng ta phải tin vào lời khai của những người bị oan.

“Xét ở góc độ khác, tôi cũng cho rằng không nên “cò kè” với việc bồi thường cho người bị oan, bởi khi bị oan, người ta đã chịu quá nhiều khổ cực và mất mát rồi. Một người bị oan thì không chỉ người đó đau khổ mà gia đình, dòng họ người đó còn đau khổ hơn. Như ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, đang là một chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, rồi tự dưng vướng vào án oan khiến sự nghiệp tiêu tan, khuynh gia bại sản thì bồi thường mức nào cho đủ?”, ông Khiển chia sẻ.

Theo ông, khi ra Nghị quyết 388 mới chỉ giải quyết được việc bỏ tiền ngân sách ra để bồi thường oan chứ chưa quy định được trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ có trách nhiệm trong việc làm oan người vô tội. Thực ra là thực hiện không được vì luật rất phức tạp.

“Như vụ ông Chấn bồi thường 7,2 tỷ, vụ ông Phi đòi bồi thường hơn 20 tỷ mà bảo cán bộ làm oan phải bồi hoàn lại số tiền Nhà nước đã bỏ ra để bồi thường oan sai thì có khi đến cả chục đời họ cũng không bồi hoàn được. Dù thế nào cũng phải đảm bảo đời sống của cán bộ nữa”, ông Khiển nói và cho rằng, chỉ có thể xử lý trách nhiệm, kỷ luật hoặc điều chuyển công tác của cán bộ gây ra oan sai chứ nếu yêu cầu bồi hoàn bằng vật chất thì rất khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.