Tâm sự

Nhìn từ Hanabi đến “pháo hoa cho người nghèo” ven cầu Nhật Tân

27/01/2015, 11:33
image

Người Nhật nói, lễ hội pháo hoa Hanabi là một trong những điều miễn phí đẹp đẽ của cuộc sống.

DSCF7124
Nhạc nước có sử dụng pháo hoa tại Disney Sea - Nhật Bản

Sự khác lạ ở Hanabi 

Nếu ai đã đến Nhật Bản vào mùa hè, chắc chắn là sẽ không thể bỏ qua lễ hội bắn pháo hoa Hanabi trên khắp nước Nhật, nổi tiếng nhất là những dàn pháo hoa được bắn ven bờ sông Sumida, nơi có thể nhìn thấy Tokyo Skytree – biểu tượng mới của vùng đất này và gần ngôi chùa cổ kính nhất Tokyo – Asakusa.

Pháo hoa bắn lúc 20h nhưng từ 16h giờ mọi người đã đến các địa điểm ven sông, để có thể tìm chỗ đẹp nhất, họ mặc những bộ Yukata – một loại áo có hình thức giống như Kimono trong mùa hè. Những cô  gái trang điểm kỹ, da trắng mịn màng và cử chỉ nhẹ nhàng.

Tại Nhật, nơi mà cuộc sống bận rộn bậc nhất trên thế giới, với những bước chân thoăn thoắt sải trên đường phố, bạn sẽ khó lòng mà bắt kịp họ, nhưng những ai sống ở Nhật một thời gian đủ lâu, cũng sẽ làm quen được với văn hoá này. Có dịp đưa bạn bè từ Việt Nam sang hoặc người thân của bạn học từ một vài nước khác đi ngó nghiêng Nhật Bản, tôi chưa thấy ai có thể chịu được khoảng hơn 1 tiếng đi bộ mà không kêu ca và bị tụt vài chục mét ở phía sau. Nhật Bản vô cùng bận rộn, nhưng Hanabi sẽ khiến mọi thứ diễn ra chậm và sâu sắc hơn cho những người muốn thưởng thức xứ sở của đất nước mặt trời mọc.

DSCF5932
Tại các lễ hội của Nhật, bạn sẽ được thưởng thức những món đặc sản như cá muối xiên que, bánh dầy mochi...

Người Nhật đi xem bắn pháo hoa, họ có thể mang theo cả thảm nilon để trải ra đất, mang theo đồ ăn và rượu uống để chờ xem bắn pháo hoa. Nếu việc ngắm pháo hoa là do một nhóm tổ chức giao lưu, họ sẽ chuẩn bị cả dây bạt và dây để đề phòng có mưa khẩn cấp, họ cũng mang theo túi đựng rác, mặc dù thùng rác tại Nhật thì rất sẵn và có phân loại tử tế.

Trên bầu trời Tokyo luôn có ít nhất 5 chiếc trực thăng bay vòng trên bầu trời tại những lễ hội pháo hoa danh tiếng, sự hoành tráng của Hanabi có thể khiến những người thưởng thức ấn tượng và những người tổ chức tự hào.

Đường luôn đông, các vị trí đẹp sẽ nhanh chóng có người “chiếm” trước, nhưng người dân Nhật luôn rất trật tự, cứ khoảng 30m thì có một nhân viên trật tự của thành phố hoặc cảnh sát cầm loa, đeo băng tay để chỉ đường, khó có thể thấy một cư xử bất lịch sự nào.

2014-07-26 18.08.25
Người dân Nhật trong trang phục Yukata đi ngắm Hanabi

Trên bầu trời, các loại pháo Warimono, Kiku, Botan… vô cùng đặc sắc, với pháo hoa chùm, hình bông cúc, bông mẫu đơn, ngôi sao và cả rực đỏ và lan toả như trái tim của những người đang yêu nhau, đó là khung cảnh khiến ai đó muốn ôm người bên cạnh vào lòng, sugoi, saikou, suge – những từ miêu tả mức độ cao của “thật tuyệt vời” liên tục được thốt ra.

Hanabi có cách viết theo chữ Kanji (Hán) được ghép giữa chữ Hoa (Hana) và chữ Lửa (Hi-Nabi), pháo hoa không phải là thứ mà người Nhật sáng tạo, cũng không chỉ có họ tổ chức bắn pháo hoa, nhưng Hanabi đã trở thành điều đặc biệt hơn, một thứ văn hoá đặc trưng của Nhật Bản mà khi gọi tên, sẽ có thể nhầm lẫn về mặt cảm xúc đối với bất kì ai đã từng thưởng thức lễ hội này trong suốt mùa hè.

Pháo hoa có dành cho người nghèo?

Có một điều thú vị, tôi đã từng xem bắn pháo hoa nhiều lần, nhưng pháo hoa tại Nhật có đặc điểm là tản khói rất nhanh, nên mặc dù bắn liên tục hàng vạn quả pháo hoa vẫn thể hiện rõ ánh sáng, màu sắc, chi tiết mà không bị khói mù che mất.

Chính quyền tại Nhật, hỗ trợ về mặt an ninh thực sự tuyệt vời, khi tôi đến nhà ga và muốn tìm tới điểm đến là bờ sông nơi có thể xem pháo hoa bắn lên, tôi hỏi những người mặc đồng phục bằng tiếng Nhật, họ thậm chí còn không để ý rằng tôi có thể nói ngôn ngữ này mà gọi luôn đồng nghiệp đến – một người có thể nói tiếng Anh rất tốt và cứ thế tôi hỏi họ bằng tiếng Nhật, họ trả lời tôi bằng tiếng Anh, đó là điểm tôi rất thắc mắc.

Tôi hiểu Hanabi tổ chức cho người Nhật, trong đó có cả người giàu, người nghèo và Hanabi dành cho khách nước ngoài – những người hàng năm, bỏ một số tiền không nhỏ vào Nhật để trải nghiệm, họ bắn pháo hoa cho mọi người và tổ chức thật chuyên nghiệp để có những thành công. 

Tôi đã từng gặp những người vô gia cư ở Tokyo và có hỏi họ về niềm vui trong cuộc sống, cũng có người nói rằng, Hanami (ngắm hoa anh đào) trong mùa xuân,  pháo hoa Hanabi trong mùa hè và Momiji – ngắm lá đỏ trong mùa thu là những điều miễn phí đẹp đẽ của cuộc sống. Mùa đông cũng có những điều thú vị như trượt tuyết, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người.

Người Nhật nói, lễ hội pháo hoa Sumida tổ chức lần đầu vào năm 1733, vùng Edo (Tokyo) lâm vào nạn đói và bệnh dịch làm chết hàng nghìn người, Chính phủ đã ra lệnh bắn pháo hoa để cầu nguyện xua đi bệnh dịch và mong ước cuộc sống tươi đẹp hơn.

Lễ hội pháo hoa Hanabi 

Có nhiều điều trùng hợp, cây cầu Nhật Tân được xây dựng có sự đóng góp từ Nhật Bản, mới đây thôi ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội “Người nghèo cũng có nhu cầu thưởng thức xem bắn pháo hoa, biết đâu họ cũng mong có những dịp như thế để quên đi sự nghèo, sự vất vả trong cuộc sống. Việc bắn pháo hoa thường xuyên là phục vụ toàn dân chứ đâu phải chỉ để phục vụ cho người nghèo”.

Ông nói thêm, tiền để bắn pháo hoa huy động từ nguồn xã hội hoá, có nghĩa là không phải lấy tiền từ thuế do người dân đóng góp để bắn pháo hoa.

“Việc bắn pháo hoa thường xuyên là phục vụ toàn dân chứ đâu phải chỉ để phục vụ cho người nghèo”, tách ra như vậy, càng không thấy ông nói gì sai trong câu nói này nhưng ông đã nhận được một cơn giận dữ từ cộng đồng mạng. 

Trong thời gian diễn ra lễ hội Hanabi, thật khó đặt phòng tại những khách sạn ở Tokyo mà bạn không đăng ký trước, nếu nhìn gần hơn từ Đà Nẵng – những lễ hội pháo hoa bên sông Hàn luôn thu hút hàng nghìn người từ khắp mọi nơi và cả du khách quốc tế, đặt phòng cũng khó chẳng kém gì đặt phòng tại Tokyo, dù giá cả có dễ chịu hơn. Đó là những cơ hội tuyệt với để kích thích du lịch và "khoe" những giá trị văn hoá mà chúng ta có.

Nhưng Nhật Bản sẽ không có Hanabi nếu họ không làm, Đà Nẵng cũng không có lễ hội pháo hoa ven sông Hàn nếu họ không làm, việc bắn pháo hoa ven cầu Nhật Tân sẽ không biết có khả thi hay không nếu không khảo sát và sẽ chẳng thể nào nhận được thành công. Nếu chúng ta không bắt tay làm mà cứ ngồi đó chỉ trích, nói hộ những người nghèo thì có lẽ việc này không công bằng với chính họ - những người nghèo thực chả mấy khi lên mạng xã hội mà phản đối chính sách, này nọ. 

Nói chuyện trên mạng, mới đây tôi cũng mua một cuốn sách của tác giả “Cu Trí - nhà báo Hoàng Minh Trí” mà chưa kịp đọc, bìa sách ghi rằng “cuộc đời tròn hay méo”, nếu ta hỏi con mèo, lúc nào nó cũng trả lời  là “méo” – có vậy thôi.

Mỹ Linh (du học sinh Nhật)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.