360 độ thể thao

Nhìn từ Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam cần làm gì để vươn tầm?

02/08/2021, 07:00

Đoàn Thể thao Việt Nam gần như chắc chắn sẽ trắng tay khi khép lại hành trình Olympic Tokyo 2020.

Có những thất bại được dự đoán trước, cũng có những thất bại gây bất ngờ nhưng tựu chung lại, rõ ràng thể thao Việt Nam chưa thể vươn tới trình độ Olympic.

img

Quách Thị Lan (giữa) may mắn có vé vào bán kết 400m rào nhưng cơ hội để đi đến chung kết là không cao. Ảnh Reuters

Lần đầu trắng tay sau 12 năm

Ngày 2/8, VĐV điền kinh Quách Thị Lan sẽ thi bán kết nội dung chạy 400m vượt rào nữ, môn điền kinh Olympic Tokyo 2020.

Tuy may mắn vượt qua vòng loại do đối thủ phạm quy nhưng cơ hội để chân chạy người Thanh Hóa tiếp tục tạo nên bất ngờ gần như bằng không.

Và nếu không có bất ngờ gây sốc, đoàn thể thể thao Việt Nam với 18 VĐV tham gia tranh tài sẽ trắng tay tại kỳ Thế vận hội năm nay, sau 3 kỳ liên tiếp có huy chương (2008, 2012 và 2016).

Nhiều quốc gia tập trung nguồn lực tìm các chuyên gia giỏi cho những VĐV có thể giành huy chương ở các giải đấu lớn, áp dụng khoa học vào thể thao... Sức người có giới hạn, muốn nâng tầm chắc chắn phải nhờ vào khoa học. Trong khi đó, ở Việt Nam phần lớn phải trông vào nỗ lực tự thân của VĐV.
Cựu VĐV điền kinh Vũ Thị Hương


Đáng chú ý nhất là hai thất bại của bộ đôi tuyển thủ cử tạ Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên, hai niềm hy vọng huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Hổ (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối bởi nếu Tuấn và Duyên đúng sức, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có huy chương tại Olympic 2020.

“Thành tích tốt nhất của cả Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên đều lọt Top 3 VĐV giành huy chương ở nội dung của mình nhưng cả hai em không làm được như khi tập luyện. Một phần lỗi thuộc về ban huấn luyện khi lên chiến thuật và chưa thể giúp các em có sự ổn định trong thi đấu”, ông Hổ nói.

Cựu VĐV điền kinh Vũ Thị Hương, người từng được ví như “nữ hoàng điền kinh” thì cho rằng, VĐV Việt Nam dường như chưa được chuẩn bị tốt nhất cho đấu trường đỉnh cao như Olympic: “Chuẩn bị không tốt có thể vì chấn thương, điều kiện hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan. Nếu phong độ tốt, chuẩn bị tốt chắc chắn khi ra thi đấu họ sẽ tự tin và ngược lại”.

Quay lại với việc VĐV không giành bất kỳ huy chương nào, đây có thể xem là dấu hiệu đi xuống của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Điều này chính xác, ít nhất về mặt trực quan.

Nhưng theo các chuyên gia, ngay cả ở 3 kỳ Olympic có huy chương như nhắc đến ở trên, thành tích của thể thao Việt Nam cũng có yếu tố may mắn chứ chưa phải là kết tinh của chiến lược đầu tư đúng đắn, khoa học và bài bản.

VĐV đỉnh cao cần phương pháp huấn luyện đỉnh cao

Đáng nói, ở các kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt Nam luôn nằm trong Top 2 toàn đoàn nhưng khi ra đấu trường ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) hay Olympic, chúng ta lại thất thế. Vậy làm sao để cải thiện tầm vóc cho thể thao Việt Nam, để các VĐV khi ra biển lớn không chới với và chỉ biết trông chờ vào may mắn?

Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, vai trò của công tác huấn luyện rất quan trọng, làm tốt sẽ thúc đẩy được thành tích của VĐV và ngược lại.

“Chúng ta có nhiều cái tên tiềm năng, phát lộ sớm nhưng quá trình đào tạo không ổn nên cứ tụt lùi dần. Nguyên nhân do công tác huấn luyện chưa đáp ứng được. VĐV đỉnh cao cần phương pháp huấn luyện đỉnh cao chứ không thể dùng cách làm với VĐV trẻ. Ở ta, đa phần HLV theo VĐV từ nhỏ tới khi trưởng thành. Nếu thành tích tốt thì không sao nhưng vài ba năm không đột phá thì cần thay HLV. Bằng không sẽ lãng phí tài năng của VĐV”, ông Hổ nói.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam cũng cho rằng, hướng đầu tư cho VĐV mũi nhọn của thể thao Việt Nam còn chưa phù hợp.

“Phải cho VĐV sống trong môi trường đào tạo thực sự chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất hiện đại, chế độ dinh dưỡng cao và được huấn luyện bởi những người thầy thực sự giỏi. Việc tập huấn ở môi trường có những VĐV giỏi xung quanh sẽ giúp VĐV Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn, làm dày thêm kinh nghiệm và giúp cho họ có bản lĩnh vững vàng, không bị ngợp khi ra biển lớn”, ông Giang nói.

Không thể mãi “hớt váng”

img

Đô cử Hoàng Thị Duyên không thể giành huy chương tại Olympic 2020 dù nhận nhiều kỳ vọng. Ảnh: Reuters

Ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ thêm, muốn thể thao Việt Nam thực sự có bước tiến lớn thì cần phải thay đổi từ khâu sàng lọc, tìm kiếm hạt giống.

“Phải có hệ thống sàng lọc khoa học, từ đó mới lựa ra được VĐV phù hợp với từng môn thể thao và có chiến lược đầu tư xứng đáng. Nếu sàng lọc tốt, thể thao Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí, không bị đầu tư dàn trải, vừa lãng phí vừa kém hiệu quả”, chuyên gia này phân tích.

“Hệ thống sàng lọc cần đội ngũ quản lý giỏi chuyên môn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực thể thao, biết phát hiện nhân tài thể thao thông qua các chỉ số về cấu trúc cơ thể. Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khác họ sàng lọc rất chuẩn, Việt Nam nên học tập mô hình của họ để áp dụng trong điều kiện cho phép”, ông Giang dẫn chứng thêm.

Nói thêm về chiến lược đầu tư, ông Nguyễn Trọng Hổ khẳng định, trong tương lai gần, rất khó để thể thao Việt Nam có nguồn lực tài chính tốt nên vẫn cần liệu cơm gắp mắm.

“Đầu tư phải nhắm vào bốn trọng điểm gồm: Đấu trường trọng điểm, môn trọng điểm, nội dung trọng điểm và VĐV trọng điểm. Nếu chúng ta thực sự muốn hướng tới Olympic thì cần đầu tư mạnh cho những môn có khả năng dự Olympic, rồi mới giật ngược lại ASIAD, SEA Games. Chứ không thể làm kiểu nửa vời”, ông Hổ cho hay.

Ông Hổ nói thêm, trong những môn đầu tư cho Olympic cũng cần xác định rõ môn nào cạnh tranh được huy chương.

“Tôi lấy ví dụ điền kinh và bơi khả năng giành huy chương Olympic rất thấp nếu không muốn nói bằng không, vì thể chất con người Việt Nam thua xa bạn bè quốc tế. Nhưng những môn không cần quá nhiều sức mạnh như cử tạ, cầu lông, bắn cung, bắn súng hay các môn võ nếu tập trung đầu tư bài bản thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh huy chương Thế vận hội”, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 hiến kế.

Cũng theo ông Hổ, trong các môn trọng điểm lại cần nội dung trọng điểm. “Ví dụ như võ hay cử tạ chúng ta chỉ chơi tốt từ cỡ 65kg đổ lại với nam và 60kg đổ lại với nữ. Nếu vậy nên tập trung mọi thứ tốt nhất cho các nội dung này để thực sự trở thành mũi nhọn”, ông Hổ phân tích.

Bên cạnh đó, cả ông Hoàng Vĩnh Giang lẫn ông Nguyễn Trọng Hổ đều khẳng định, với các VĐV trọng điểm cũng cần xác định rõ mục tiêu dài hạn và kiên trì theo mục tiêu đó.

“Nhà chuyên môn giỏi là phải nhìn trước được 4 năm, 8 năm sau VĐV của mình sẽ đạt thành tích như thế nào. Những VĐV có tố chất, được sàng lọc rồi thì cần bồi dưỡng kiên trì, không thể vì một hai giải thất bại là loại bỏ trong khi cứ thấy ai nổi lên là lại vớt để đầu tư. Làm kiểu “hớt váng” như vậy sẽ rất khó đi đến thành công”, ông Hổ thẳng thắng đề cập.

Về vấn đề này, bà Vũ Thị Hương cũng có góc nhìn tương tự.

“Khi đã chọn VĐV để đầu tư thì cần tin tưởng tuyệt đối. Điều này ở Việt Nam tôi nhận thấy chưa làm được. Chỉ cần VĐV sa sút là sẽ bị loại khỏi danh sách chăm sóc đặc biệt. Như vậy, làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của VĐV. Họ cảm thấy những nỗ lực bị ném bỏ, không thể bấu víu vào đâu. Từ đó, VĐV rơi vào trạng thái bất mãn và ngày một tuột dốc”, cựu VĐV điền kinh chia sẻ.

Nếu như Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo 2020, một số quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines hay Indonesia vẫn gặt hái thành công nhất định. Thái Lan và Philippines mỗi đoàn đã có 1 HCV trong khi Indonesia có 1 HCB, 1 HCĐ. Không chỉ trắng tay huy chương, ngay cả số lượng VĐV dự Thế vận hội Tokyo của thể thao Việt Nam cũng rất thấp.

Thái Lan là quốc gia có số lượng VĐV dự Olympic Tokyo đông nhất ở Đông Nam Á với 42 người ở 16 môn. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 6 với 18 cái tên, chỉ hơn Lào (4), Campuchia, Myanmar và Timor Leste (cùng có 3). Malaysia có 30 suất, Indonesia 28 suất còn Philippines 19 suất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.