Bóng đá

Nhìn từ V-League: Bóng đá Việt Nam khan hiếm HLV giỏi

14/10/2021, 06:30

Từ góc độ chuyên môn, việc thiếu những nhà cầm quân xuất sắc có tác động không nhỏ tới sự phát triển của một nền bóng đá.

Lực lượng huấn luyện viên (HLV) bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam đang có sự thiếu hụt nhất định về cả số lượng lẫn chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển cầu thủ. Vậy đâu là giải pháp?

img

HLV Chu Đình Nghiêm sẽ sẫn dắt CLB Hải Phòng ở mùa giải 2022

V-League thiếu “tướng” tài

CLB Hải Phòng gần như chắc chắn sẽ bổ nhiệm HLV Chu Đình Nghiêm ngồi ghế nóng ở mùa giải 2022, thay cho HLV Phạm Anh Tuấn.

Câu chuyện một đội bóng cơ cấu lại vị trí thuyền trưởng không lạ trong bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, từ việc ông Nghiêm kết duyên với Hải Phòng, chúng ta thấy rõ ràng nguồn HLV giỏi tại V-League đang kém dồi dào.

Cơ sở để đưa ra nhận định này là nhiều năm qua, V-League gần như không xuất hiện các HLV nội mới. Sự thay đổi của các đội nếu có chỉ đơn thuần là “tráo” cho nhau hoặc lấy người cũ đang thất nghiệp.

Ví như HLV Phan Thanh Hùng sau khi chia tay Than Quảng Ninh đã dẫn dắt Becamex Bình Dương rồi SHB Đà Nẵng. Đáng nói, ông Hùng cũng có thời gian dài gắn bó cùng CLB Hà Nội.

Trước đó, CLB TP.HCM bổ nhiệm HLV Trần Minh Chiến từ CLB Bà Rịa Vũng Tàu. Hay HLV Nguyễn Thành Công về chèo lái Hồng Lĩnh Hà Tĩnh khi đường ai nấy đi với CLB Quảng Nam.

Trước nữa, ông Công là người của CLB Sài Gòn FC. Xa hơn, HLV Trương Việt Hoàng chia tay Hải Phòng để ngồi ghế nóng tại CLB Viettel.

Lực lượng HLV nội hạn chế nên nhiều đội bóng hướng tới tìm kiếm các nhà cầm quân nước ngoài. Mùa giải 2021, HAGL sau nhiều năm sử dụng nhân sự tại chỗ cho vị trí thuyền trưởng đã phải mời HLV Kiatisak về lèo lái.

Những cái tên mới hiếm hoi như HLV Nguyễn Minh Phương hay HLV Phạm Anh Tuấn đều không để lại nhiều ấn tượng trước khi phải rời ghế.

Ông Phương không thể chỉ huy học trò ở SHB Đà Nẵng trong khi ông Tuấn cùng Hải Phòng hai mùa liên liên tiếp phải chịu cảnh ngụp lặn ở cuối bảng xếp hạng V-League.

Số lượng không nhiều, chất lượng của các HLV tại V-League cũng hạn chế. Bằng chứng là nhiều năm trở lại đây, giải đấu số 1 bóng đá Việt Nam chưa chứng kiến sự đột phá nào đáng kể về mặt chiến thuật.

Ngay cả HLV Chu Đình Nghiêm, người từng cùng Hà Nội FC vô địch V-League tới 4 lần cũng không được đánh giá cao bởi dưới thời ông, đội bóng Thủ đô sở hữu lực lượng quá mạnh.

Từ góc độ chuyên môn, việc thiếu những nhà cầm quân xuất sắc có tác động không nhỏ tới sự phát triển của một nền bóng đá, nhất là ở việc phát huy năng lực cầu thủ.

Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đồng tình với những nhận định này và cho rằng, một phần nguyên nhân là do bản thân các CLB không đầu tư cho chiếc ghế huấn luyện.

“Đa phần các đội đều chỉ tìm HLV cho có, đủ điều kiện dẫn dắt đội là được. Dần dần mọi thứ đi vào lối mòn, khiến lực lượng HLV ở V-League trở nên thiếu thốn”, cựu HLV Sông Lam Nghệ An cho hay.

Cần làm gì để cải thiện?

Với mỗi nền bóng đá, song song với việc tạo ra các cầu thủ tài năng, đội ngũ HLV cũng cần phát triển tương ứng. Không phải bỗng dưng Italia hay Đức có thể trở thành siêu cường bóng đá, phía sau họ là lực lượng HLV dồi dào và tài năng, nhiều người từng đứng trên đỉnh châu Âu, thậm chí thế giới. Nói vậy để thấy, nếu muốn phát triển bền vững, bóng đá Việt Nam rất cần gia tăng cả lượng và chất ở vị trí HLV.

Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, để làm được điều này, các CLB phải chủ động phát hiện, bồi dưỡng lứa HLV kế cận và sẵn sàng trao cơ hội để họ trưởng thành.

Lực lượng HLV trẻ của bóng đá Việt Nam không hề ít nhưng đặc thù là trưởng thành chậm nên chưa thể làm việc tại V-League. Cựu cầu thủ lứa cuối 7x, đầu 8x tôi được biết là có nhiều người đang làm huấn luyện, kể cả đào tạo trẻ nhưng cũng giống cầu thủ, HLV Việt Nam phát triển muộn, thường phải cỡ 40 - 50 tuổi mới phát lộ.
BLV Vũ Quang Huy


Bên cạnh đó, ông Vinh nhấn mạnh, Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên học tập mô hình các khóa đào tạo HLV dài hạn ở nước ngoài thay vì chỉ đào tạo theo kiểu ngắn hạn, chạy theo cấp bằng.

Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy cũng cho rằng, ở Việt Nam, việc trở thành HLV bóng đá chuyên nghiệp vẫn theo kiểu tự phát hoặc có cầu mới có cung chứ chưa phát triển thành một nghề. “Học theo mô hì

các nước phát triển thì khó nhưng bằng cách này hay cách khác, Việt Nam nên phổ cập hơn việc học để trở thành HLV. Ai yêu thích đều có thể học chứ không chỉ những cựu tuyển thủ. Làm được như vậy thì lực lượng HLV mới trở nên dồi dào”, ông Huy nêu ý kiến.

Muốn đẩy nhanh quá trình, theo ông Huy, HLV Việt Nam buộc phải tăng cường học hỏi bằng những cách khác nhau. “Tôi thấy HLV nội yếu nhất ngoại ngữ, cái này phải trau dồi để có thể học tập tài liệu nước ngoài.

Bên cạnh đó, HLV cũng có thể tìm cơ hội ở nước ngoài làm việc, có thể làm từ những hạng thấp rồi lên dần dần, thậm chí làm trợ lý cho những HLV tốt, đội bóng tốt. Học qua thực tế là bổ ích nhất, HLV Jose Mourinho chỉ từng là trợ lý ngôn ngữ ở CLB Barcelona nhưng đã vươn lên thành một trong những nhà cầm quân hàng đầu thế giới”.

Bóng đá Việt Nam chỉ có 11 HLV sở hữu bằng Pro của AFC

Theo thống kê của VFF, Việt Nam chỉ có 11 HLV sở hữu bằng Pro AFC, tức đủ điều kiện cầm quân ở giải châu lục. Số này gồm: HLV Phan Thanh Hùng (Đà Nẵng), Nguyễn Đức Thắng (Bình Định), Hoàng Văn Phúc (GĐKT CLB Hà Nội), Lư Đình Tuấn (GĐKT CLB TP.HCM), Hoàng Anh Tuấn (GĐKT Phù Đổng), Lê Huỳnh Đức (HLV tự do), Nguyễn Hữu Thắng (Chủ tịch CLB TP.HCM), Nguyễn Quốc Tuấn (PGĐ Đào tạo CLB Đà Nẵng), Phạm Như Thuần (BLV), Phan Bá Hùng (HLV tự do) và Nguyễn Minh Phương (trợ lý CLB TP.HCM). Trong số này, chỉ ông Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng trực tiếp cầm quân tại V-League.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.