Chuyện dọc đường

Nhìn từ vụ xe tải làm sập cầu 5 tấn

04/11/2022, 06:18

Tài xế Tuấn biết rõ tải trọng của xe và hàng mình đang điều khiển vượt tải trọng cầu rất nhiều nhưng vấn cố tình lái xe đi qua và làm sập cầu.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều kênh rạch chằng chịt. Việc có được một cây cầu bắc qua kênh là nỗ lực rất lớn của chính quyền, người dân địa phương và cả sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.

Những năm qua, chương trình xoá cầu khỉ, nâng cấp cầu giao thông nông thôn đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các ngành chức năng và toàn xã hội.

Mỗi nhịp cầu bắc qua kênh là cả một niềm mơ ước đối với người dân vùng sông nước ĐBSCL. Bởi khi có cầu, khoảng cách địa lý được rút ngắn, vận chuyển hàng hoá, việc đi lại học hành của con em, khám chữa bệnh của người dân… được thuận tiện hơn rất nhiều.

Thế nhưng, thời gian qua xảy ra không ít những vụ tài xế chở hàng cố tình cho xe đi qua cầu tải trọng thấp, khi trên xe đang chở hàng có trọng lượng gấp nhiều lần khiến cầu bị sập. Mới nhất là vụ xảy ra tại Đồng Tháp.

img

Hiện trường vụ xe tải làm sập cầu ở Đồng Tháp. Ảnh: SGGP

Khoảng 0h30 rạng sáng 2/11, tài xế Trần Minh Tuấn điều khiển ô tô tải BKS 63H - 023.52 chở 300 bao gạo (mỗi bao 50kg) lưu thông trên tuyến đường liên huyện Cao Lãnh - Tháp Mười từ hướng xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) đi xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười).

Khi đến cầu Xẻo Quýt bắc qua kênh Nhất thuộc ấp 6, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tài xế cho xe qua cầu gây sập nhịp giữa của cầu.

Điều đáng nói là ngay đầu cầu đã có biển báo tải trọng cầu chỉ cho phép xe 5 tấn đi qua. Tài xế Tuấn biết rõ tải trọng của xe và hàng mình đang điều khiển vượt tải trọng cầu rất nhiều nhưng vấn cố tình lái xe lưu thông qua và làm sập cầu. Rất may vào thời điểm đó không có ai đi qua cầu, nếu không có thể hậu quả sẽ khó đong đếm, tính mạng người dân bị đe dọa.

Trước đó, khoảng 3h sáng 7/11/2021, Nguyễn Duy Sỹ lái xe tải BKS 60C-566.58 chở nhựa đường lưu thông trên TL817 và cố tình đi qua cầu Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Tải trọng cả xe và nhựa đường Sỹ chở là 48 tấn, trong khi cầu chỉ cho phép xe 5 tấn đi qua. Kết quả, sập toàn bộ nhịp dẫn khoảng 12m, xe tải rơi xuống mé sông. Để khắc phục sự cố này, tỉnh Long An phải ứng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng sửa chữa trong thời gian gần 2 tháng.

Với việc sập cầu Xẻo Quýt, UBND huyện Cao Lãnh đã có kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét bố trí vốn tạm tính hơn 6,5 tỷ đồng để xây cầu bê tông mới. Như vậy, thiệt hại về tài sản của vụ việc là rất lớn.

Nhưng thiệt hại không chỉ đo đếm được bằng tiền, có nhiều vấn đề bị ảnh hưởng nghiêm trọng khác. Trong thời gian chờ xây cầu Xẻo Quýt mới, cuộc sống của người dân trong khu vực bị xáo trộn. Hàng hoá nông sản phải vận chuyển đi đường vòng xa hơn, tốn chi phí nhiều hơn…

Với việc làm sập cầu Bình Phong Thạnh ở Long An, tài xế Nguyễn Duy Sỹ đã bị công an huyện Mộc Hoá khởi tố, hiện đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố, chờ tòa xét xử.

Tương tự, tài xế cố tình làm sập cầu Xẻo Quýt vừa qua chắc chắn cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, để ngăn tình trạng này không tái diễn rất cần những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, ngoài việc cắm biển báo giới hạn tải trọng 5 tấn, có thể gắn thêm barie tạm giới hạn chiều cao để ngăn những xe tải lớn đi qua.

Về lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư đối với hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Bởi trên các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện mà vẫn còn những cầu tải trọng chỉ 5 tấn sẽ là những điểm nghẽn làm tắc “mạch máu” lưu thông hàng hoá, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tư Doãn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.