Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

“Nhịp cầu yêu thương” nối dòng Ngòi Gùa

15/06/2015, 13:02

Đây là cây cầu được xây dựng theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Thăng về ủng hộ xây dựng cầu dân sinh...

71
Do cầu yếu nên mỗi lần chỉ một người được phép qua cầu để đảm bảo an toàn Ảnh: Thiện Anh

Người dân thôn Khe Chè, xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tụ tập tại đầu cầu Khe Chè bắc ngang suối Ngòi Gùa để chứng kiến thời khắc khởi công xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ đã mục hỏng. Đây là cây cầu được xây dựng theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về ủng hộ xây dựng cầu dân sinh quy mô nhỏ trên toàn quốc mang tên “Nhịp cầu yêu thương”.

Cầu cũ “bó chân”kinh tế và sinh hoạt

Ngày nào ông Nguyễn Thăng Cẩm ở thôn Khe Chè cũng đi qua cây cầu treo cũ kỹ đến dăm bận để đưa đón cháu. Ông bảo mỗi lần qua cầu phải xuống xe dắt bộ, rồi phải chú ý đi chậm từng bước để tránh bước hụt vào những chỗ sàn cầu thủng lỗ chỗ do gỗ mục lâu ngày. Cầu nhỏ hẹp, lại cũ nên dù chỉ một vài người đi bộ nhưng nó vẫn rung lên bần bật, lắc lư như đưa võng.

Cả thôn Khe Chè đều dựa vào cây cầu treo này để qua suối Ngòi Gùa. Mùa này, dòng suối Ngòi Gùa cạn trơ đáy, đám trẻ chăn trâu có thể lội bộ được qua suối vẫy vùng. Nhưng vào mùa lũ, dòng suối bỗng đổi tính hung dữ, nước dâng cuồn cuộn tràn mặt cầu chẳng ai dám đi lại.

Cầu Khe Chè mới có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, nguồn vốn do VNR tài trợ. Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I là đơn vị quản lý dự án. Công ty Cổ phần Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) là đơn vị trực tiếp thi công.

Ông Cẩm bảo, người lớn qua cầu còn đỡ, lo nhất là những đứa trẻ qua cầu. Mỗi lần đưa đón cháu đi học về qua cây cầu này ông phải rất cẩn thận, dắt từng đứa. Ông ước có một cây cầu mới thay thế cầu cũ này để đi lại đỡ vất vả.

Hôm tôi đến Khe Chè, thấy cây cầu cũ đã hoen gỉ, mục nát. Sàn cầu được người dân gia cố bằng những đoạn thân cây nhỏ, nhưng cũng chỗ có chỗ không. Đứng trên cầu có thể nhìn xuyên qua mặt sàn cầu. Đi bộ qua cầu cũng phải rất cẩn thận để tránh những chỗ thủng lỗ chỗ. Mỗi bước chân là một lần sàn cầu lại đung đưa, nhún nhảy. Vậy mà khoảng hơn 300 hộ dân của thôn hàng ngày vẫn phải đi qua cây cầu này để đưa đón con đi học và lo cho công việc thường ngày.

Bà Trần Thị Thu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Y Can dẫn tôi ra phía đầu cầu Khe Chè và chỉ cho tôi xem tấm bảng hướng dẫn qua cầu an toàn. Do cầu yếu quá nên xã đã yêu cầu tất cả người đi xe máy qua cầu phải dắt bộ từng chiếc một. Người đi bộ cũng không được đi quá năm người một lần và nghiêm cấm tụ tập chơi đùa trên cầu.

Nhưng điều khiến bà Thu thấy lo nhất là tất cả xe bò kéo, xe cải tiến đều không thể qua cầu được do cầu quá nhỏ, chỉ rộng khoảng 1 m và quá yếu. Kinh tế chủ yếu của các hộ dân trong thôn là làm nông nghiệp và lâm nghiệp. Thế nên nhu cầu chuyên chở bằng xe súc vật, xe bò kéo, xe cải tiến là rất lớn. Nhưng do không đi qua cầu được nên mỗi lần chở sản phẩm nông lâm nghiệp, người dân trong thôn lại phải đi vòng sang xã bên cách khoảng dăm cây số mới qua được suối Ngòi Gùa, thiệt hại về kinh tế của người trong thôn lớn lắm vì sự bất tiện này.

Cầu mới, dân hết lo, nông - lâm sản hết đi đường vòng

Sáng 10/6, người dân thôn Khe Chè tụ tập tại đầu cầu Khe Chè để chứng kiến thời khắc khởi công xây dựng một cây cầu mới thay thế cầu cũ. Chỉ hơn tháng nữa, Khe Chè sẽ có cây cầu treo mới vững chãi. Người trong thôn vì thế cũng đỡ vất vả, nhọc nhằn. Họ sẽ không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi qua cầu; nông sản, lâm sản không phải đi vòng sang xã bên mới qua được suối nữa...

Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, cây cầu treo này được xây dựng theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ GTVT về ủng hộ xây dựng cầu dân sinh quy mô nhỏ trên toàn quốc mang tên “Nhịp cầu yêu thương”. Sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định ủng hộ một cầu treo nhằm giúp người dân thôn Khe Chè đi lại an toàn và thuận tiện hơn. Đơn vị thi công của ngành Đường sắt sẽ thi công cầu nhanh nhất và chất lượng nhất.

Theo thiết kế, cầu Khe Chè mới cách cầu cũ khoảng 20 m, có chiều dài 50 m, rộng 2 m nên các xe bò kéo, xe cải tiến có thể qua cầu dễ dàng. Cầu mới có móng trụ tháp bằng bê tông cốt thép. Cầu được thiết kế cao trên mực nước lũ lịch sử khoảng 1 m để đảm bảo yêu cầu thoát nước, tránh vật cản và cây trôi trong mùa mưa lũ.

Ông Phạm Duy Tuyên, Phó tổng giám đốc RCC khẳng định, sẽ đẩy tiến độ thi công nhanh nhất có thể để sớm hoàn thành cầu Khe Chè. Đến nay, mặt bằng đã được địa phương bàn giao nên rất thuận lợi cho thi công. Dự kiến đến 31/7 này cầu Khe Chè mới sẽ hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.