Tài chính

Ngân hàng Nhà nước thông tin về cuộc họp hiếm có, kéo dài 7 tiếng

23/09/2022, 14:13

Ngân hàng Nhà nước thông tin về cuộc họp hiếm có, kéo dài 7 tiếng để rộng đường dư luận và thống nhất với các ngân hàng về chính sách tín dụng.

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Thông tin về việc tăng lãi suất điều hành từ 23/9, tại họp báo Thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 3/2022 sáng nay (23/9) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, việc tăng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo bám sát diễn biến lạm phát của thị trường trong và ngoài nước.

img

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 3/2022

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc lãi suất huy động tăng sẽ tác động tới lãi suất cho vay như thế nào và có làm tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế không, lãnh đạo NHNN cho biết với diễn biến hiện nay NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí.

Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Ông Tú cho biết thêm: “Với lãi suất cho vay trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ , NHNN vẫn kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí bằng việc ứng dụng công nghệ, tiện ích để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người vay vốn. Điều này đã thực hiện tốt trong hai năm chống dịch vừa qua khi các ngân hàng đã giảm hơn 25.000 tỷ đồng tiền lãi”.

Thông tin thêm, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ nỗ lực giảm lãi suất cho vay.

“Chúng tôi đã lường trước biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước. Trong nhiều phiên họp, chúng tôi đã báo cáo và giải trình khó khăn, thách thức thời gian tới. Trong Nghị quyết 43 của Quốc hội, NHNN đưa từ “phấn đấu giảm 0,5% lãi suất” chứ không phải khẳng định giảm 0,5%.

NHNN đã thực hiện nhiều công cụ như điều hành thanh khoản, chia sẻ áp lực lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí và giảm lãi suất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói và cho hay đây cũng là định hướng mà NHNN kiên định điều hành thời gian tới.

Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tiêu tín dụng 14%

Trước vấn đề PV Báo Giao thông nêu về ảnh hưởng của việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nhu cầu vốn và phục hồi kinh tế cuối năm, ông Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022 có xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng khi cần thiết nhưng do mục tiêu kiểm soát lạm phát là cao nhất nên tăng trưởng tín dụng năm 2022 chỉ quanh 14%.

NHNN: Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

“Sau khi đã giao chỉ tiêu cho các ngân hàng từ đầu năm thì vừa qua NHNN tiếp tục cấp phần còn lại của 14% cho các ngân hàng thương mại. Hiện nay, NHNN theo dõi, giám sát kịp thời, quản lý tốt việc tăng trưởng này để tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý. Trên cơ sở đó điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm 2023. Chúng ta phải tính dài hơn cho năm 2023 và các năm tiếp theo”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Phạm Chí Quang: “Để rộng đường dư luận và để các ngân hàng rõ, vừa rồi đích thân NHNN đã tổ chức hội nghị và mời các ngân hàng trong hệ thống để trao đổi thẳng thắn. Đây là cuộc họp hiếm, dân chủ, công khai kéo dài tới 7 tiếng. Sau đó, 100% ngân hàng đã đồng tình với điều hành tín dụng khoa học, hợp lý trên cơ sở điều kiện hoạt động, khả năng tài chính của các tổ chức tín dụng để ổn định và hỗ trợ các tổ chức tín dụng”.

Ông Quang cũng khẳng định lại quan điểm của NHNN tại Chỉ thị 01 từ đầu năm 2022 là điều hành chính sách linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

“NHNN sẽ xem xét điều chỉnh “room” tín dụng phù hợp để kiểm soát lạm phát không chỉ năm 2022 mà còn các năm khác khi lạm phát còn biến động khó lường”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.