World Cup 2022

Nhờ đâu các đội bóng châu Á gây tiếng vang ở World Cup 2022?

25/11/2022, 17:23

Nhật Bản, Ả Rập Xê Út hay phần nào nào đó là Hàn Quốc đã tạo dấu ấn ở World Cup 2022 khi làm khó các ông lớn của bóng đá thế giới.

Tối 25/11, Iran đã chơi kiên cường và đánh bại Xứ Wales 2-0 bằng hai pha lập công ở phút bù giờ, qua đó tạo nên thêm một bất ngờ ở World Cup năm nay.

Trước đó, Hàn Quốc có trận hòa trước đối thủ mạnh tới từ Nam Mỹ - Uruguay. Ả Rập Xê Út và Nhật Bản gây tiếng vang lớn khi lần lượt đánh bại hai ông lớn của bóng đá thế giới là Argentina và Đức.

img

Nhật Bản đánh bại Đức 2-1 trong trận ra quân tại World Cup 2022. Ảnh Getty

Đây đều là những kết quả bất ngờ với giới chuyên môn bởi xưa nay, các đại diện châu Á thường xuyên thất thế tại sân chơi World Cup.

Vậy nhờ đâu Ả Rập Xê Út, Iran, Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể chơi sòng phẳng với những đối thủ mạnh từ châu Mỹ hay châu Âu?

Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, điều này xuất phát từ nền tảng thể lực cầu thủ các quốc gia vừa nêu đã được cải thiện, dẫn tới sức chịu đựng tốt.

Bên cạnh đó là khả năng kiên nhẫn, tính kỷ luật và tuân thủ chặt chẽ đấu pháp, có ý tưởng, phương án chơi rõ ràng và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chuyên gia Phan Anh Tú thì cho rằng, cầu thủ châu Á hiện nay nếu xét về kỹ năng chơi bóng, thể lực không thua kém nhiều cầu thủ châu Âu hay Nam Mỹ.

Tiền đề này cộng thêm việc có sự quyết tâm và tập trung cao độ đã giúp các đội bóng châu Á chơi tốt.

"Tôi có cảm giác họ chơi với hơn 100% sức lực, chơi như thể ngày mai không được chơi. Trong bóng đá, tinh thần chiến đấu như vậy rất quan trọng", ông Tú phân tích.

HLV Hoàng Văn Phúc thì nhấn mạnh, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang có rất nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu, tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc.

“Cầu thủ được cọ xát ở môi trường bóng đá đỉnh cao sẽ trưởng thành lên rất nhanh. Đặc biệt, họ không bị ngợp trước những ngôi sao lớn của bóng đá thế giới.

Chính HLV Nhật Bản cũng thừa nhận việc có tới 7 cái tên đang chơi bóng ở Bundesliga giúp đội bóng của ông đánh bại tuyển Đức. Đó là câu chuyện rất thực tế.

Ở kỳ World Cup 2018, đội tuyển Hàn Quốc cũng từng đánh bại Đức tại vòng bảng nên những kết quả này không phải là ăn may, mà có nền tảng”, ông Phúc phân tích.

Ông Phúc cũng cho rằng, những nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc đã trải qua rất nhiều năm đầu tư cho đào tạo trẻ, dinh dưỡng và phương pháp huấn luyện để có được ngày hôm nay.

“Đây là hai quốc gia đào tạo trẻ tốt nhất châu Á, hệ thống bóng đá trẻ của họ rộng khắp, len lỏi vào từng trường học, từng địa phương giúp cầu thủ trẻ nuôi dưỡng ước mơ.

Tiềm lực kinh tế mạnh giúp họ đưa được ứng dụng khoa học công nghệ vào dinh dưỡng, huấn luyện và tạo ra sản phẩm tốt.

Bóng đá châu Âu rất khắc nghiệt, cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc có thể trụ lại và thành công điều này chứng minh cho chất lượng đào tạo trẻ của họ cực tốt”, ông Phúc nói thêm.

Đồng tình với những quan điểm trên nhưng bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, còn quá sớm để nói về sự trỗi dậy của bóng đá châu Á.

“Đúng là đã có những kết quả bước đầu mang lại cảm giác phấn khích nhưng chặng đường phía trước còn dài, chúng ta cần thời gian để kiểm chứng xem bóng đá châu Á đã tiến bộ tới đâu”, ông Tùng nói.

Về phần mình, ông Phúc cũng thừa nhận, dù khoảng cách giữa bóng đá châu Á và phần còn lại của thế giới đã thu hẹp nhưng không đồng nghĩa chúng ta đã cùng đẳng cấp với châu Âu hay Nam Mỹ.

“Ả Rập Xê Út, Nhật Bản đều không thể chơi đôi công với đối thủ mà phải tập trung phòng ngự và chờ thời điểm để vùng lên tìm bàn thắng.

Thế nên, trong tương lai, bóng đá châu Á vẫn cần thêm sự đầu tư theo định hướng hiện tại, đặc biệt là xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu nhiều hơn để khoảng cách với chính châu Âu hay Nam Mỹ sẽ tiếp tục ngắn lại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.