Bóng đá

Nhờ đâu Real Madrid kiếm bộn tiền từ đào tạo trẻ?

14/08/2020, 07:39

Thật ngạc nhiên khi Real Madrid đang hái ra tiền nhờ những cầu thủ do mình tự đào tạo.

img
Achraf Hakimi khi còn khoác áo Real Madrid

Real Madrid được biết đến là đội bóng chịu chơi số 1 thế giới khi sẵn sàng bỏ ra khoản tiền cực lớn để đưa về sân Bernabeu những siêu sao, đến mức người ta gọi CLB này là dải ngân hà. Thế nhưng, giờ đây thật ngạc nhiên khi Real Madrid lại đang hái ra tiền nhờ những cầu thủ do mình tự đào tạo.

“Mỏ vàng” của Kền kền trắng

Sau thương vụ để Achraf Hakimi tới Inter thu về 49 triệu euro, Real Madrid đang lên kế hoạch thanh lý một loạt cầu thủ trẻ do mình đào tạo. Số này gồm: Mariano Diaz, Sergio Reguilon, Boral Mayoral và Oscar Rodriguez. Nếu trót lọt, Real sẽ thu về thêm khoảng 60 triệu euro. Khoản tiền 100 triệu euro trên đủ cho đội bóng áo trắng nhắm tới 1 - 2 cầu thủ chất lượng cho mùa giải năm sau.

Nếu tính trong khoảng một thập kỷ qua, đội chủ sân Bernabeu đã đút túi khoảng 350 triệu euro cho việc bán các sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

Cầu thủ đắt giá nhất trưởng thành từ lò La Fabrica là Alvaro Morata khi sang Chelsea và đem về cho Los Blancos 80 triệu euro. Mùa trước, Atletico Madrid phải bỏ ra 40 triệu euro mua tài năng trẻ Marcos Llorente từ sân Bernabeu.

Nhìn Real Madrid kiếm tiền từ các sản phẩm “cây nhà lá vườn”, nhiều ông lớn ở châu Âu hẳn không khỏi chạnh lòng. Lò đào tạo La Masia của Barcelona vốn rất nổi tiếng nhưng cũng mới chỉ kiếm về cho CLB 155 triệu euro từ việc bán cầu thủ trong 1 thập kỷ qua. Con số của Real so với các đội bóng hàng đầu nước Anh càng vượt trội.

Chelsea có hệ thống đào tạo trẻ rộng khắp nhưng các cầu thủ sau khi trưởng thành đa phần bị đem cho mượn hoặc bán với giá bèo. Phải tới khi HLV Frank Lampard lên nắm quyền, một vài cái tên nổi bật như: Mason Mount, Hudson-Odoi, Abraham, Tomori… mới được trọng dụng.

Nhưng vẫn còn đó gần 30 cầu thủ do chính mình đào tạo được The Blues đem cho mượn, phân nửa trong số này đã trên 22 tuổi, khó có tương lai trở lại.

MU cũng từng bán Paul Pogba cho Juventus với giá 700 nghìn euro trước khi phải bỏ ra tới gần 100 triệu euro để đón anh trở lại Old Trafford. Tương tự, Man City bán Jadon Sancho cho Dortmund thu lại 8 triệu euro. Hiện tại, cầu thủ này đang được định giá tới 120 triệu euro.

Tờ Mirror phân tích, những đội bóng lớn luôn muốn đem về cầu thủ ngôi sao, đã thành danh nên rất ít chỗ đứng dành cho cầu thủ trẻ, trừ khi cầu thủ đó thực sự xuất chúng. Mặt trái của bóng đá đỉnh cao chính là hàng trăm cầu thủ trẻ được các CLB lớn đào tạo hàng năm mà không có đầu ra.

Đa phần họ phải tới các CLB nhỏ theo dạng cho mượn, hết mùa này qua mùa trước khi tìm thấy một bến đỗ nào đó. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, CLB cũng chạy đua trong đào tạo trẻ, thu nạp cầu thủ khắp nơi về để mài giũa. Chính bởi vậy, nếu không sử dụng, luân chuyển hợp lý, nguồn tài nguyên mà chính CLB tạo ra sẽ bị lãng phí.

Chiến lược hợp lý

Real Madrid kiếm tiền giỏi từ các sảm phẩm “cây nhà lá vườn” là điều dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, nhờ đâu đội bóng thành Madrid lại có thể sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên vốn không được nhiều CLB quan tâm? Theo tờ AS, Kền kền trắng có những chiến lược rất cụ thể trong việc kinh doanh cầu thủ trẻ từ lò La Fabrica.

Theo đó, Real Madrid luôn đặt điều khoản ưu tiên mua lại cầu thủ với đối tác. Sau một hai mùa giải, nếu cầu thủ đó chơi tốt, đội chủ sân Bernabeu sẽ kích hoạt điều khoản mua lại rồi tiếp tục bán đi với giá cao hơn để kiếm lời.

Thông tin được tờ AS tiết lộ, lò đào tạo La Fabrica của Real Madrid gần như không tiêu tốn chút kinh phí nào từ đội bóng chủ quản. Khoản thu từ việc bán các cầu thủ được sử dụng vào việc vận hành bộ máy nơi đây. Mỗi năm, La Fabrica sử dụng khoảng 17 triệu euro để trả lương HLV và phục vụ đào tạo. Như vậy, chỉ riêng thương vụ bán Hakimi cho Dortmund đã đủ cho học viện trang trải trong 3 năm.


Real Madrid từng mua lại Mascarell từ Frankfurt với giá 4 triệu euro và gần như lập tức đẩy anh tới Schalke 04 thu lại 10 triệu euro. Hay như việc Real Madrid mua lại Lucas Torro từ Osasuna rồi bán cho Frankfurt và đút túi 2 triệu euro tiền chênh lệch.

Việc cho mượn cầu thủ của Real Madrid cũng giúp họ thu về những khoản tiền không nhỏ. Nhờ khả năng đàm phán khéo léo, gần như tất cả các cầu thủ của đội bóng Thủ đô Tây Ban Nha đều có chi phí.

Oscar Rodriguez gia nhập Leganes theo dạng cho mượn, giúp đội bóng của Chủ tịch Perez thu về 700 nghìn euro. Sergio Reguilon trước khi trở lại sân Bernabeu đã có một mùa chinh chiến cho Sevilla theo dạng cho mượn, giúp ngân quỹ Real Madrid đầy thêm 800 nghìn euro.

Trong khi đó, theo cây bút thể thao nổi tiếng Carlos Forjanes, Real Madrid còn rất giỏi trong việc phát triển những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng ở đội 1 trước khi bán đứt. Năm 2014, Los Blancos bán Morata cho Juventus với giá 22 triệu euro và hai năm sau mua lại anh bằng 30 triệu euro.

Morata chơi cho đội 1 Real Madrid một mùa, thể hiện phong độ cao và Chelsea phải bỏ ra tới 80 triệu euro để đổi lấy chữ ký tiền đạo người Tây Ban Nha này. Tính ra, thương vụ này giúp đội bóng áo trắng kiếm lời hơn 70 triệu euro. Marcos Alonso và Fabinho cũng được bồi dưỡng ở đội 1 trước khi bị đem bán, thu về khoảng 60 triệu euro.

Ông Carlos Forjanes cũng cho rằng, để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh cầu thủ trẻ, Real Madrid phải có đội ngũ chuyên môn cực giỏi, những người đủ khả năng đánh giá tiềm năng phát triển của từng cầu thủ, từ đó vạch ra kế hoạch chuyển nhượng hoàn hảo đến từng chi tiết.

“Hakimi không thể cạnh tranh vị trí ở Real Madrid nhưng lại chơi rất hay trong màu áo Dortmund trước khi được Inter Milan mua đứt, đó là nhờ cậu ấy được đặt vào môi trường phù hợp để phát triển. Chỉ riêng việc này cũng đã cho thấy Real quái tới mức nào. Những người Madrid dường như sinh ra để kiếm tiền”, Forjanes kết luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.