Thế giới giao thông

Nhờ đâu Singapore, Anh thu phí nội đô thành công?

27/09/2017, 08:06

Thủ đô London, Anh là một trong những thành phố thu phí nội đô thành công trên thế giới.

29

Cổng thu phí ERP được đặt trước các cửa ngõ vào khu vực nội đô Singapore

Việc thu phí nội đô đã được thực hiện thành công tại Singapore và London (Anh). Trước khi gặt hái thành công, Chính phủ các nước này không tránh khỏi nhiều trở ngại từ dư luận. Tuy nhiên, họ đã có cách giải quyết thỏa đáng, từ đó nhận được sự ủng hộ từ người dân.

Coi trọng tham vấn, phản hồi từ người dân

Thủ đô London, Anh là một trong những thành phố thu phí nội đô thành công trên thế giới. London bắt đầu thực hiện phương án thu phí nội đô (hay còn gọi là phí tắc đường) từ năm 2002 và được Thị trưởng thời điểm đó, ông Ken Livingstone, nhận định là bước đi dũng cảm.

Phương án này ngay lập tức giúp giảm số lượng phương tiện vào trung tâm Thủ đô London khoảng 70.000 lượt/ngày, tạo ra rất nhiều lợi ích cho thành phố như giảm ô nhiễm, cải thiện hiệu quả và chất lượng giao thông công cộng, giảm thương vong từ giao thông đường bộ.

Ban đầu dư luận Anh cũng tranh cãi kịch liệt xung quanh động thái này. Nhiều người coi đây là động thái nhằm tận thu của Chính phủ và gây áp lực lên người dân khi áp phí chồng phí. Để giành được sự ủng hộ từ dư luận, theo Telegraph, giới chức Anh đã chứng minh rõ số tiền thu được từ phí tắc đường được tái đầu tư ngược lại vào hệ thống giao thông công cộng, các sáng kiến hạ tầng dành cho người đi bộ, đi xe đạp.

Bên cạnh đó, chính quyền London giảm 90% tiền phí cho người dân sống trong khu vực bị tính phí và miễn trừ phí taxi vì thủ đô này coi đây là một trong những phương tiện giao thông công cộng.

Một yếu tố khác, chính quyền địa phương đã xác định rõ thời gian áp dụng phí. Như London đang thu phí trong ngày bắt đầu từ giờ cao điểm buổi sáng đến khi kết thúc giờ cao điểm buổi tối. Việc xác định thời gian thu phí được thông qua tham vấn, tiếp thu phản hồi từ người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tối ưu và đơn giản hóa hoạt động thu phí bằng công nghệ giúp quá trình thu lệ phí trở nên gọn nhẹ, chính xác tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại thông suốt của người dân.

Đến nay, phần lớn người dân London đều cảm nhận được sự thành công của chương trình. Ông Elliot Jacobs, Giám đốc quản lý Công ty Cung cấp dịch vụ văn phòng UOE cho biết: “Giao hàng đúng giờ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc kinh doanh của chúng tôi. Áp dụng thu phí tắc đường, đồng nghĩa chúng tôi có thể chắc chắn về lưu lượng giao thông và biết chắc tình hình giao thông ra sao. Như vậy, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ đúng giờ, nâng cao uy tín. Mất 10 bảng/ngày cũng rất đáng đồng tiền”.

Minh bạch, cân đối các loại phí

Tại Singapore, nước đầu tiên áp dụng thu phí nội đô trên thế giới từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước để giải quyết tình trạng tắc đường nghiêm trọng. Kinh nghiệm thu phí nội đô gần 50 năm tại Singapore cho thấy việc chuẩn bị về công nghệ vô cùng quan trọng.

Những ngày đầu áp dụng, do Singapore chưa áp dụng công nghệ mà thu phí thủ công ở các lối ra vào trung tâm thành phố dẫn đến tiêu tốn về tiền bạc, nhân lực và không mấy cải thiện tình hình tắc đường do thời gian phải đầu tư nhiều. Hiện nay, công nghệ thu phí đã được cải tiến hiện đại, thậm chí được đánh giá cao hơn công nghệ đang được áp dụng tại London.

Với công nghệ thu phí đường bộ điện tử (ERP) hiện nay, người sở hữu ôtô cần lắp đặt thiết bị thu phí (IU) trên phương tiện và nạp tiền trước. Khi xe đi qua hệ thống ERP, hệ thống sẽ trừ tiền trong 10 giây.

Trong quá trình thực hiện thu phí, Chính phủ Singapore vấp phải phản ứng từ người dân Singapore khi họ chỉ trích việc thu phí là một trong những điều tồi tệ nhất tại quốc đảo sư tử. Thậm chí, nhiều người còn gọi ERP là “Everyday Rob People” (móc túi dân hàng ngày). Bởi diện tích tại Singapore khá nhỏ nên khoảng cách di chuyển không quá lớn trong khi người dân phải nộp khá nhiều loại phí liên quan tới đường bộ với giá không hề rẻ, đẩy người dân đến bức xúc.

Để thuyết phục, Chính phủ đã phải điều chỉnh các loại phí như giảm lệ phí đăng ký xe hay thuế đường bộ nhằm hợp lý hoá, tránh tình trạng “phí chồng phí”. Chính quyền địa phương cũng lắp miễn phí thiết bị IU để thu hút người dân tham gia vào chương trình.

Giới chức mời người dân tham dự các chương trình thử nghiệm và đưa ý kiến phản hồi để cơ quan chức năng tập hợp ý kiến và điều chỉnh phù hợp. Một yếu tố quan trọng khác chính là, Singapore đảm bảo minh bạch toàn bộ hoạt động thu phí cũng như sử dụng tiền thu được vào xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường bộ và các phương tiện giao thông công cộng hàng quý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.