Quản lý

Nhớ lại sự ra đời của Ban GTCC miền Nam

03/05/2014, 08:19

Sau Hiệp định Pari Mỹ buộc phải rút quân về nước, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi có lợi cho ta. Vùng giải phóng Nam Bộ được mở rộng từ thị xã Lộc Ninh kéo dài đến tận huyện Tân Biên...

Năm 2011, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân lãnh đạo Cienco6
Năm 2011, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân lãnh đạo Cienco6

Đường chiến lược Trường Sơn đã được nối dài suốt hàng ngàn cây số từ hậu phương lên miền Bắc qua miền Trung, Tây Nguyên vào tới tận vùng giải phóng và chiến trường Đông Nam Bộ (B2).


Để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của chiến trường, cuối năm 1973 TW cục miền Nam đã đề nghị TW chi viện cho chiến trường Nam Bộ một lực lượng giao thông vận tải để phục  vụ nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường B2.


Đáp ứng kịp thời yêu cầu của miền Nam, chỉ trong một thời gian ngắn Bộ GTVT cùng các địa phương ở miền Bắc đã huy động một lực lượng lớn gồm: Hơn 2000 cán bộ công nhân viên là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, các kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm trong công tác mở đường đảm bảo giao thông, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, cùng hàng ngàn phương tiện cơ giới, xe máy, thiết bị, phương tiện thi công cầu, đường và dụng cụ đảm bảo giao thông đã được khẩn trương đưa vào căn cứ tại Đông Nam Bộ (B2).


Lực lượng chi viện trực thuộc các đơn vị trong ngành GTVT như:

- Tổng cục Đường sắt

- Viện kỹ thuật giao thông, Viện thiết kế giao thông

- Cục Công trình I, cục Công trình II

- Cục Cơ khí, Cục Đường sông

- Các Sở, Ty giao thông Hà Nội, Hà Bắc, Nam Hà, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Hương,…


Ngày 27/4/1974 TW cục miền Nam đã ra quyết định số 02/QĐ/TWC/74 do đồng chí Nguyễn Văn Linh Phó Bí thư TW Cục ký thành lập Ban GTCC trực thuộc TW cục với nhiệm vụ:

- Khai thông đường Trường Sơn của Đoàn 559 qua Lộc Ninh nối với vùng giải phóng Tân Biên (Tây Ninh) tiếp giáp với sông Vàm Cỏ.

- Mở đường phát triển giao thông từ vùng giải phóng ra vùng mới giải phóng.

- Cùng với các đơn vị công binh, mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ.


Đồng thời TW Cục bổ nhiệm đồng chí Đặng Văn Thông - Viện trưởng viện kỹ thuật GT làm trưởng ban GTCC miền Nam (đồng chí Đặng Văn Thông sau này giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách phía Nam).
 

Cụ Lê Đình Liệu (hơn 90 tuổi) - Nguyên là cán bộ Ban GTCC miền Nam, Cục trưởng Cục QLĐBVN, Tổng Giám đốc Cienco6 vinh dự nhận Huân chương độc lập hạng Ba năm 2011
Cụ Lê Đình Liệu (hơn 90 tuổi) - Nguyên là cán bộ Ban GTCC miền Nam, Cục trưởng Cục QLĐBVN, Tổng Giám đốc Cienco6 vinh dự nhận Huân chương độc lập hạng Ba năm 2011

Trải qua nhiều gian khổ khó khăn, trong điều kiện của chiến trường vừa chống địch đánh phá, biệt kích phá hoại, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật chất, nhưng với tinh thần và truyền thống “Địch phá ta cứ đi” “Giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống” cùng với quân dân miền Đông Nam Bộ, lực lượng GTVT B2 đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của quân và dân ta tại chiến trường Đông Nam Bộ.


Bước sang năm 1975, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Với chiến dịch Tây Nguyên ta đã giải phóng TP Buôn Mê Thuột, buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.


Vốn đã chiến thắng dưới sự lãng đạo của T.Ư Đảng , ta đã phát động cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử , giải phóng TP Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.


Ngay sau khi chế độ Ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 Ban GTCCMN đã tổ chức lực lượng tiến vào Sài Gòn tiếp quản Bộ giao thông công chánh của chế độ cũ, sau đó phối hợp với các đoàn cán bộ từ A vào tiếp quản các cơ sở giao thông công chánh ở Sài Gòn và các tỉnh Đông Nam Bộ và là lực lượng nòng cốt điều hành duy trì hoạt động của các cơ sở này hoạt động trở lại bình thường, phục vụ tích cực cho công cuộc phục hồi và xây dựng đất nước sau chiến tranh.


Để góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, cán bộ công nhân viên Ban GTCC miền Nam đã vượt qua nhiều thách thức, gian khổ tại chiến trường. Nhiều đồng chí đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp GTVT, sự nghiệp giải phóng miền Nam, đã có hơn 20 đồng chí CBCNV GTCC miền Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ.


Đến nay, trong số hơn 2000 đồng chí có mặt trong đội ngũ GTCC miền Nam, nhiều đồng chí đã không còn, nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu đang sinh sống ở TPHCM và khắp các địa phương trong cả nước, nhiều đồng chí trong công tác đã trưởng thành giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị. Nhưng dù ở bất cứ đâu, hoặc công tác tại lĩnh vực nào, mỗi cán bộ GTCC miền Nam vẫn luôn nghĩ về một thời chúng ta đã gắn bó, công tác cùng nhau trong Ban GTCC TW Cục miền Nam.

Đỗ Đình Hóa
Nguyên Bí thư Đảng ủy TCT Xây dựng giao thông 6
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.