Làm báo cùng Giao thông

Nhớ lắm những phóng viên Báo Giao thông thời chống Mỹ

20/06/2015, 18:30

Những phóng viên thời chống Mỹ của Báo Giao thông vận tải (nay là Báo Giao thông) được ví như “tai mắt” ngành GTVT...

141

Cuộc sống sôi động của xã hội và ngành GTVT thời chống Mỹ cứu nước được phản ánh toàn diện trên Báo Giao thông vận tải (nay là Báo Giao thông)

Những phóng viên thời chống Mỹ của Báo Giao thông vận tải (nay là Báo Giao thông) được ví như “tai mắt” của ngành GTVT ở mọi ngóc ngách, hoạt động để phục vụ mục tiêu “đi trước mở đường” xây dựng miền Bắc XHCN và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

“Ai bán tít tôi mua”

Năm nay, ngành GTVT kỷ niệm 70 năm thành lập thì tờ Báo Giao thông cũng đã có gần 53 năm lịch sử.

Thoáng đấy mà đã hơn nửa thế kỷ, năm 1962, ngành GTVT được xuất bản tờ báo Giao thông vận tải – Tiếng nói của ngành để vừa truyền đạt những chủ trương chính sách, vừa phản ánh những nhu cầu của xã hội, nguyện vọng của nhân dân, lại cũng làm nhiệm vụ “thư ký của thời đại” ghi lại những chân dung tập thể và cá nhân trong ngành giao thông trong kháng chiến chống ngoại xâm và dựng đất nước.

Những ngày đầu, biên chế chính thức của báo rất gọn nhẹ. Chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Văn Đệ - Chánh Văn phòng Bộ, kiêm nhiệm. Phó Chủ nhiệm trực tiếp điều hành là ông Trần Quốc Liệt. Thư ký Toà soạn là ông Nguyễn Phi Hùng. Phóng viên chủ yếu được triệu tập từ các đơn vị cầu đường, vận tải, nhà máy… trong ngành. Phần lớn anh chị em là những cán bộ kỹ thuật “có chút máu me văn chương, viết lách” được gọi về.

Anh Phạm Liêu, hoạ sĩ đầu tiên của báo làm đủ mọi việc: trình bày báo (maquette), dàn trang (mise) kể cả việc đếm chữ của từng tin, bài; vẽ titre- Tên bài hoặc minh hoạ, rồi đưa đi khắc gỗ; dập bản in thử (moratte) đọc và sửa lỗi trên bản in thử lần 1, lần 2… Báo ra hàng tuần chỉ có 8 trang khổ 54x38, mà anh Phạm Liêu phải lăn ra từ sáng đến tối ở nhà in. Chỉ khi cầm bản in thử lần cuối về cho anh Hùng (TKTS) và anh Liệt (Phó Chủ nhiệm Báo) ký duyệt, anh Liêu mới thở phào, mang sang nhà in cho anh em “chạy”.

Các phóng viên, ngoại trừ các bài xã luận do hai anh Hùng, Liệt viết, mỗi người có sở trường về một lĩnh vực. trong đó, anh Phạm Văn Huy (bút danh là Văn Huy, Văn Thái – quê xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định) từ Trưởng tàu đường sắt chuyển về, chuyên viết và theo dõi về vận tải hiện đại – đường sắt, và thô sơ – xe bò, thuyền nan, xe cải tiến… Văn Huy có biệt tài về định sẵn số chữ cho bài viết. Anh lấy giấy ra và… chấm hết (./.) dưới cuối bài, ký tên, rồi mới bắt đầu viết. Nhưng anh lại rất yếu về đặt tên bài. Viết xong, nếu anh không đặt được tên, thế là anh đặt bài viết lên bàn, rút ra ba hoặc bốn hào rồi dõng dạc tuyên bố: “Anh nào bán tít tôi mua!” Và bao giờ anh cũng mua được một cái tít hay cho bài, mà thường thì chẳng mất hào nào! Lúc đó giá một tách cà phê đen là ba hào, bao thuốc lá Tam Đảo bốn hào còn gói chè (trà) 50 gr loại 2 là 6 hào…

Trong giai đoạn từ khi thành lập báo cho đến đầu tháng 8/1964, khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, nhiều anh em “có máu văn thơ” lại được dịp đi thực tế công trường, xí nghiệp để sáng tác nên tác phẩm “đẻ sòn sòn”. Đó là trường hợp của Hoàng Trọng Kiệt và Phan Hữu Khánh. Hai anh đều là kỹ sư cầu đường. Một học Khóa 6, một học Khóa 7 trường Cao đẳng GTCC. Các anh đang gắn với các công trường sôi động, nên cái máu văn thơ tiềm tàng trong mỗi người luôn nổi lên hừng hực. Mới ngoài hai mươi tuổi mà các anh đã có những tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Với Hoàng Trọng Kiệt là tập truyện ngắn Lỗi Hẹn do NXB Thanh Niên in. Kiệt về báo, viết rất rộng và sâu. Có thể nói anh là nhà văn làm báo. Anh bám trụ ở Báo GTVT cho đến tận những năm sau khi thống nhất đất nước. Vì mưu sinh anh chuyển vào làm Báo Long An, sau sang Hội Văn nghệ, một tỉnh ở miền Tây Nam bộ.

Phan Hữu Khánh, bút danh là Khánh Hữu cũng có cuộc sống làm văn, làm báo tương tự như Hoàng Trọng Kiệt. Nghĩa là khi còn đang là chàng kỹ sư khảo sát thiết kế, đi đo vẽ bản đồ cho những con đường mới, những cây cầu mới… anh đã làm thơ tình. Năm 1961, anh đã được Tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN tặng giải nhất bài thơ “Sau ngày cưới” trong cuộc thi thơ của tạp chí năm đó, và sau đó phát hành tập thơ “Đường Xanh” là gia tài mà Khánh Hữu mang về với Báo GTVT. Vừa làm báo, Khánh vừa làm thơ và được Hội Văn nghệ Hà Nội kết nạp từ rất sớm. Cũng như Hoàng Trọng Kiệt, sau giải phóng miền Nam, Khánh chuyển sang làm Báo Lao động, vào thường trú trong TP Hồ Chí Minh (1976-1977) rồi chuyển về Hội Văn nghệ Khánh Hòa đến khi nghỉ hưu.

Nhà báo, chiến sỹ

Giữa lúc giao thông trở thành một mục tiêu trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, tòa soạn Báo GTVT được chuyển về 120 Hàng Trống, nơi Cục Cơ khí của Bộ tọa lạc, có cửa thông ra phố Nhà Thờ. Tòa soạn cũng được tăng cường những cán bộ dự phòng đi B của Bộ, chưa huy động, về tổ phóng viên và phòng trị sự của báo, gồm các anh: Trần Cương, Bùi Thế Căn, Vũ Trường Sơn, Trần Việt, Nguyễn Vũ Nga (bộ phận phóng viên, biên tập viên), các anh Hoàng Anh, chị Nguyễn Thị Cúc về bộ phận trị sự. Quân số của tòa soạn có lúc lên đến gần ba chục người. Báo vẫn ra hàng tuần, tăng lên 16 trang.

Các phóng viên mới được bổ sung dịp này đáng nhớ nhất là Trần Cương, Bùi Thế Căn, Nguyễn Lẫm, Việt. Trừ Lẫm và Việt là những phóng viên cũ của báo đường sắt, các anh Cương và Căn đều là lãnh đạo ở các đơn vị và địa phương. Có lẽ các anh cũng chỉ ghé chân về báo chờ ngày lên đường bổ sung cho các đơn vị trong Nam. Nhưng có các anh về, báo có thêm những tiếng nói, cây viết chính luận khá sắc sảo về các vấn đề “chiến tranh nhân dân trên mặt trận giao thông”, về “xây dựng nếp sống văn hoá giao thông trong chiến tranh”… Người đọc báo những năm đó, chắc khó quên những bài “Thồ ra tiền phương” của Trần Cương, hay “Tiếng hát quan họ trên công trường cầu” của Bùi Thế Căn. Sau anh Cương chuyển về lãnh đạo Đoàn xe 8, chuyên vận chuyển hàng quá cảnh viện trợ chiến trường C. Anh Căn về lại Ty Văn hóa Hà Bắc (hình như làm Phó trưởng ty) để rồi khi thống nhất đất nước anh lại được tung vào làm Phó trưởng ty Văn hóa Tây Ninh chừng ba năm, sau đó anh lại trở về lãnh đạo Đoàn ca múa Quan họ Hà Bắc nhiều năm.

Có thể hình dung lớp phóng viên chống Mỹ như thế này: Họ đúng là tai mắt của ngành ở mọi ngóc ngách hoạt động muôn hình muôn vẻ trong một mặt trận thiên la địa võng. Tờ báo đã trở thành vật “không thể thiếu được” trên bàn lãnh đạo Bộ mỗi sáng thứ bảy, trên bàn các cơ quan tham mưu của bộ và trên những đoàn xe, đoàn tầu, thuyền hay trên khắp các công trường đảm bảo giao thông. Ngày ấy, các công trường sôi động đảm bảo giao thông chống Mỹ cứu nước được chuyển tải đầy đủ trên Báo GTVT. Báo đã phát hiện những anh hùng của ngành như: Võ Xuân Nở, Nguyễn Thị Kim Huế, Trương Thành, Mai Xuân Điểm, Nguyễn thị Mỵ, Trân Văn Thi, Cao Bá Tuyết, Lê Minh Đức, Lý Văn Du, Nguyễn Văn Hiêu, Phan Xuân Thung, Phùng Văn Bằng, Nguyễn Văn Năm, Trần Mãn, Bà mẹ Nguyễn Thị Suốt…. Các cô gái C9 trên công trường làm đường, Tiểu đội TNXP A6 trên công trường 12A Quảng Bình, Đội TNXP 25, đường 20 Quyết Thắng, Cung đường Ba Đảm Đang Km31 trên Cao nguyên Đồng Văn… Và còn biết bao nhiêu nữa, nhiều lắm, nhiều như những giọt mồ hôi của kỹ sư và công nhân, cũng là những giọt mồ hôi của những PV Báo GTVT những năm chống Mỹ hào hùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.