Xã hội

Nhớ người nằm xuống cho cung đường mở ra

02/09/2020, 19:09

Những nghĩa trang dù có to lớn bao nhiêu cũng không thể ghi hết những công lao của họ, những người sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng Thứ trưởng Lê Đình Thọ dâng hương tại tượng đài các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc

Ngày hôm nay, đi trên những con đường dốc núi quanh co đã được thảm nhựa phẳng lì, ít ai có thể tưởng tượng được trước đây chỉ với cuốc xẻng, đối mặt với mưa bom bão đạn, họ đã mở ra những con đường ấy. Những nghĩa trang, tượng đài dù có to lớn bao nhiêu cũng không thể ghi hết những công lao của họ, những người “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Nơi linh thiêng ghi dấu

Những ngày cuối tháng 7 lịch sử, chúng tôi lại có dịp theo chân các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ GTVT, các đơn vị trong và ngoài ngành dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, anh hùng TNXP hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Chỉ tính riêng khúc ruột miền Trung, có đến hơn 40 nghĩa trang lớn nhỏ, trong đó có hơn chục nghĩa trang ngành GTVT. Đây là nơi trước đây giặc tập trung đánh phá nhằm cắt đứt con đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đã có những thời điểm toàn bộ các tuyến đường huyết mạch như: QL1, đường thủy, đường sắt gần như bị tê liệt hoàn toàn. Nhiều vị trí trọng yếu trên tuyến trở thành trọng điểm đánh phá của địch như: Hàm Rồng, Bến Thủy, Cầu Cấm, Phà Gianh...

QL1 bị chia cắt, buộc ta phải mở thêm các tuyến đường nhánh, đường vòng đi xuyên rừng, xuyên núi, thậm chí đi sang cả nước bạn Lào và Campuchia để vận chuyển hàng hóa, lương thực, bổ sung quân cho chiến trường miền Nam. Vì thế, các tuyến đường như: Đường Hồ Chí Minh, đường 9, đường 15, đường 20 Quyết Thắng... ra đời.

Là tỉnh tiếp giáp với chiến trường Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh (sau tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh) đã phải hứng chịu những trận oanh tạc vô cùng khốc liệt của đế quốc Mỹ. Ông Lê Quốc Anh, Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, từ năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh bom phá hoại miền Bắc.

Dù dự báo trước địch sẽ nhắm vào hệ thống GTVT, các cầu, cống trên tuyến nhưng do lực lượng của ngành lúc bấy giờ quá mỏng, cộng với việc ta không thể hình dung được sự tàn khốc nên đã có lúc chúng ta rơi vào thế bị động. Hàng loạt cầu cống bị đánh sập, các tuyến QL1, QL8, QL15 bị chia cắt. Để khơi thông lại, Trung ương đã cho thành lập nhiều tổ chức làm nhiệm vụ bảo đảm GTVT tại Hà Tĩnh.

“Trong thời kỳ ấy, lớp lớp các cán bộ công nhân viên ngành và TNXP đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, gắn với mỗi cung đường là 1 địa danh đã vào huyền thoại như: Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao (QL15), phà Linh Cảm (QL8), Phà Già, phà Cày, Nghèn (QL1)...”, ông Quốc Anh nói.

Chiến tranh kết thúc, năm 1996, để tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ, tử sỹ cả nước hy sinh vì sự nghiệp GTVT trên địa bàn Hà Tĩnh, tỉnh này đã xây dựng Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành GTVT tại ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc. “Vị trí tượng đài nằm chính giữa ngã ba khi xưa, như một dấu son nhắc nhở mỗi người khi qua đây về đóng góp của những cán bộ, công nhân viên ngành GTVT”, ông Quốc Anh thông tin.

“Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”

Trong cuốn lịch sử GTVT Quảng Bình ghi, những năm đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng GTVT thực hiện khẩu hiệu “địch đánh, ta sửa ta đi!”.

Về sau do yêu cầu vận chuyển khẩn trương của chiến trường, toàn ngành phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “địch phá, ta cứ đi”, “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Giai đoạn này cũng ghi dấu rõ nét nhất sự hy sinh lớn lao của lớp lớp các cán bộ, công nhân viên của ngành.

Điển hình như: Năm 1965, hàng nghìn người, gồm dân công 3 huyện ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, Tổng đội TNXP 53, Tổng đội TNXP 35, Ban Xây dựng 67, Công ty Đường 4 của Bộ GTVT... chịu đựng thiếu thốn gian khổ, ngày đêm bạt đá, san đồi, phát cây, đắp đất để mở đường 21 từ Khe Giao, men núi Trà Sơn đến Thành Thành, dọc hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp (Quảng Bình). Hơn 300 người đã nằm lại và sau này được quy tập về nghĩa trang Tân Ấp.

Cuối năm 1966, 2.000 TNXP từ 4 tổng đội phía Bắc được điều vào phối hợp với lực lượng ngành GTVT ở Hà Tĩnh, Quảng Bình mở đường 22 khởi phát từ Ngã ba Thình Thình vào Kẻ Gỗ rồi vào Kỳ Thượng qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình. Đã có hơn 400 người nằm lại.

Hay như để mở Đường 20 Quyết Thắng dài 125km từ Phong Nha (Quảng Bình) đi tỉnh Khăm Muộn (Lào), hơn 8.000 chiến sĩ, TNXP, công nhân GTVT với sức trẻ của mình đã ngày đêm đục đá, xẻ núi mở đường. Đến mức cứ mỗi km đường có 15 người dâng trọn tuổi xuân của mình, mãi mãi nằm lại với con đường tuổi 20...

Ngày nay, tại Km 16 của tuyến đường là đền thờ các Anh hùng liệt sĩ và di tích hang 8 cô - nơi 8 TNXP thuộc Ban Xây dựng 67 hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ngày 14/11/1972.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết: “Nếu chỉ tính các nghĩa trang lớn thì ở Quảng Bình đã có 4 nghĩa trang là nơi chôn cất, thờ tự riêng các anh hùng liệt sỹ ngành GTVT. 4 nghĩa trang đều nằm dọc theo các tuyến đường mà trước đây họ đã lao động, chiến đấu, hi sinh”.

Tấm lòng hậu thế và tâm nguyện truyền lửa tương lai

Đêm 30/10/1968, chỉ còn 1 ngày nữa thôi, 11 cô gái và 2 chàng trai thuộc “Tiểu đội thép” sẽ được về với gia đình. Nhưng để kịp cho đoàn xe quân sự đi qua, họ đã cố nán lại để rà phá, san lấp những hố bom trên đường.

Không may, trong những giờ phút cuối cùng ấy, trận oanh tạc của giặc đã buộc họ vĩnh viễn nằm lại với con đường chiến lược 15A, nằm lại với Truông Bồn. Thi thể của họ hòa vào với đất, được đồng đội gom nhặt gói gém chôn chung trong 1 nấm mồ bên đường.

Chiến tranh kết thúc, có thời gian dài cả nước phải tạm gác đau thương tập trung phát triển kinh tế. Và ngay sau khi nền kinh tế ổn định, thì cũng là lúc hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài ngành bắt đầu tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Ông Phạm Hồng Phương, Phó giám đốc Ban Thương hiệu Tập đoàn CIENCO 4 cho biết, CIENCO 4 tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông 4 thuộc Cục Công trình.

Từ năm 2011, đơn vị vinh dự được Bộ GTVT giao tiếp quản Nghĩa trang liệt sỹ Cục Công trình tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi yên nghỉ của 208 anh hùng liệt sỹ và lưu danh của 668 liệt sỹ TNXP, dân công hỏa tuyến và công nhân giao thông Cục Công trình hy sinh từ năm 1967-1973.

Khi tiếp quản, nghĩa trang này còn rất hoang sơ, sau nhờ sự đóng góp gần 7.000 cán bộ công nhân, lao động tổng công ty mà nghĩa trang được trùng tu tôn tạo khang trang hơn với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị cũng xây dựng và tôn tạo Nghĩa trang Cục Công trình tại xã Nam Điền (Thạch Hà, Hà Tĩnh); xây dựng nhà che mộ các liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn...

Cũng như CIENCO 4, hiện nay CIENCO 5 đang quản lý chăm sóc 3 nghĩa trang ở Quảng Bình gồm: Tân Ấp, Vạn Ninh, Thọ Lộc. Tự hào dẫn chúng tôi tới khu nhà lưu niệm và nhà thờ vừa xây dựng ở 3 nghĩa trang, ông Nguyễn Tam Nghệ Hưng, Chủ tịch Công đoàn CIENCO 5, Phó ban liên lạc Ban Xây dựng 67 cho biết: “Trong số 3 nghĩa trang do CIENCO5 quản trách có 1.187 cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến thuộc Ban Xây dựng 67 đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là đơn vị dân sự có nghĩa trang, chiến sỹ hy sinh nhiều nhất trên cả nước”.

Cây không có gốc thì không thể tồn tại, nước không có nguồn thì không thể tạo thành sông, thành suối. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi đi thăm, dâng hương tại các nghĩa trang của ngành cũng đặc biệt lưu ý vấn đề này. Bộ trưởng giao cho các đơn vị từ các Sở GTVT địa phương, cục QLĐB khu vực cho đến từng đơn vị đã, đang được giao nhiệm vụ quản lý tôn tạo các nghĩa trang tiếp tục nối tiếp truyền thống, bằng mọi giá phải chăm sóc tốt các nghĩa trang - để nơi này sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống ngành GTVT cho các thế hệ sau này.

Trong suốt hành trình về nguồn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng luôn nhấn mạnh, GTVT là một trong những ngành có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất. Vì thế, thế hệ chúng ta hôm nay phải khắc ghi, trân trọng và tự hào, ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.