Quản lý

Nhớ về những thế hệ thuyền viên tàu biển Việt Nam đi vào lịch sử

23/06/2020, 17:49

Ngày 25/6 hàng năm được IMO chọn là “Ngày thuyền viên thế giới”, lịch sử cận đại ghi nhận những thế hệ thuyền viên Việt Nam đặc biệt.

img
Hình vẽ "Ghe bàu Hoàng Sa"

Những thủy thủ đi vào lịch sử

Từ năm 2010, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã chọn ngày 25 tháng 6 hàng năm là “Ngày thuyền viên thế giới - Day of Seafarer”. Đây là một sự tôn vinh và biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh mà thuyền viên phải chịu đựng do thời gian dài sống và làm việc trên biển xa cách gia đình, bè bạn.

Từ những con thuyền gỗ chạy buồm của ngàn năm trước, cho đến những con tàu sử dụng năng lượng hạt nhân hiện đại ngày nay, từ chiếc tàu nhỏ bé cho tới con tàu khổng lồ nửa triệu tấn... đều mang dấu ấn của thuyền viên- những người đi biển.

Lịch sử cận đại Việt Nam, sử sách có ghi, cụ Trần Trọng Khiêm (1821-1866) vào năm 1843 đã lên tàu xuất ngoại, được coi là người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, sau này quay trở về nước ông trở thành một chỉ huy trong cuộc chiến chống Pháp tại Đồng Tháp.

Năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện (1839-1878) cũng đã lên tàu xuất ngoại, sang Mỹ tìm đồng minh để chống Pháp... Có thể nói họ là những thủy thủ đầu tiên của Việt Nam lênh đênh sóng nước đi tới nửa vòng bên kia của trái đất. Chúng ta có thể tìm thấy đường, phố ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam mang tên hai nhà đi biển nêu trên.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng là một thuỷ thủ, và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào tháng 6/1911, tức gần 110 năm trước đã lên chiếc tàu mang tên "Đô đốc La-tu-sơ Tơ-lê-vin" từ bến Nhà Rồng, với cái tên thuyền viên là "Văn Ba" đã ra đi tìm đường cứu nước.

Và trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã ghi lại huyền thoại của đoàn tàu không số trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta không khỏi xúc động khi các thủy thủ của đoàn tàu không số được tổ chức “lễ truy điệu sống” trước giờ xuất phát. Huyền thoại vì các anh "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", khí phách ấy mãi mãi bất diệt!

Chúng ta cũng mãi ghi nhận dấu ấn và công lao của đội tàu "Giải Phóng- Tự Lực - Quyết Thắng", một bản anh hùng ca của vận tải biển Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cũng là tiền thân của các doanh nghiệp vận tải biển sau này trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước.

Và lịch sử không bao giờ quên những thủy thủ đã hy sinh trong cuộc chiến bi hùng ở đảo Gạc Ma, Tây Trường Sa vào ngày 14/3/1988, đó là một trong những sự kiện vô cùng thiêng liêng trong lịch sử dân tộc, đó cũng là nơi mà chủ nghĩa anh hùng dân tộc được thể hiện một cách hào hùng, bi tráng nhất. 64 thủy thủ hy sinh tại Gạc Ma ngày đó có nhiều anh mới chỉ đôi mươi, bỏ lại gia đình, người thân, ước mơ dang dở. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi công các anh!

Anh hùng của biển cả

Ngày nay, thế giới với hơn 50.000 tàu thương mại chạy quốc tế, đăng ký tại hơn 150 quốc gia với khoảng 1,6 triệu người đi biển, trong đó Việt Nam có khoảng 1.200 tàu vận tải chạy trong nước và quốc tế, với hơn 30.000 thuyền viên. Họ là những con người lao động cần cù, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức... nhưng họ thực sự là những người anh hùng của biển cả!

img
Đội tàu biển Việt Nam hiện có khoảng 1.200 chiếc, với hơn 30.000 thuyền viên

Thuyền viên là những con người cống hiến thầm lặng, vì biển không chỉ là biển bạc, biển không chỉ là một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của Tổ quốc, biển còn có xương máu, có mồ hôi, nước mắt của những con người ngày đêm làm việc gắn bó với biển, đổ mồ hôi, công sức làm giàu cho Tổ quốc, cho xã hội và tất nhiên trong đó có gia đình mình.

Sự hiện diện của các con tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam trên khắp các vùng biển thế giới thể hiện sự hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Và những con tàu vận hành bởi thuyền viên Việt Nam, trong vùng biển Việt Nam còn là sự khẳng định cao nhất về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, đó là sự khẳng định bất biến mà bao đời cha ông đã để lại cho hậu thế chúng ta một di sản quý báu và trọng trách vô cùng to lớn.

Nhân dịp “Ngày thuyền viên thế giới”, chúng ta hãy tôn vinh và tri ân các thế hệ thuyền viên đã và đang cống hiến cho ngành hàng hải, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện tốt nhất cho cho sinh viên ngành đi biển - những thuyền viên tương lai.

Công việc của người đi biển thật đáng được trân trọng, thuyền viên thật đáng được vinh danh vì những công lao và đóng góp thầm lặng của họ. Trân trọng biết ơn các thế hệ thuyền viên đi biển Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.