Lối sống

Nhọc nhằn đưa dân chài… lên bờ

27/02/2016, 20:33

“Dân chài chúng tôi bao đời sống ở khoang thuyền, chết chôn bờ sông chỉ trong giấc ngủ mới dám mơ một mái nhà”.

máy chai 1_111
Thiếu tá Đỗ Minh Tuệ (ngoài cùng bên phải) thăm một gia đình trong làng chài Máy Chai

10 năm trước, ngư dân làng chài Máy Chai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chỉ dám mơ có một căn nhà, con cái được đi học, chết có chỗ chôn... Nay họ quây tụ quanh một xóm nhỏ với nhà cửa chắc chắn, có hai cháu đã đỗ đại học. Để hơn 100 con người từ khoang thuyền chật hẹp lên ngôi nhà khang trang, là cả một hành trình vất vả của những chiến sĩ cảnh sát đường thủy Hải Phòng.

Hết cảnh sống khoang thuyền, chết bờ sông

6 năm trước, thực hiện đề tài cuộc sống sông nước của những ngư dân sống bám Cảng Hải Phòng, tôi có gặp anh Bùi Đoan Tới, ngư dân làng chài Máy Chai. Khi đó, đại gia đình anh Tới gồm ba cặp vợ chồng (anh Tới, anh trai và em gái) cùng hơn 10 đứa con sống trong ba chiếc thuyền nan neo lại với nhau ven bờ sông Cấm. Quẩn quanh trong khoang thuyền chật hẹp vài mét vuông, anh Tới tâm sự: “Dân chài chúng tôi bao đời sống ở khoang thuyền, chết chôn bờ sông bãi sú, chỉ trong giấc ngủ mới dám mơ một mái nhà”.

Khi mới lên bờ, nhiều cháu 9, 10 tuổi trông nhỏ bé như lên 5, lên 6, không biết đọc, biết viết.

Các anh cảnh sát đường thủy phải tổ chức cho các em đi học ở những lớp tình thương hoặc các lớp “đặc biệt” của trường. Tới nay, những đứa trẻ xóm chài đều được đi học, thậm chí trong xóm còn có hai cháu học đại học.

Ước mơ đổi đời của những dân chài Máy Chai giờ đã thành hiện thực, nhờ quyết tâm không mệt mỏi suốt 10 năm của những chiến sĩ cảnh sát đường thủy Hải Phòng.

Anh Bùi Đoan Tới(phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng)

Là thành phố cảng, từ hàng trăm năm trước, khu vực cảng Hải Phòng đã thành nơi “cắm chốt” của dân tứ xứ hành nghề  sông nước. Những ngư dân từ khắp các tỉnh phía Bắc đổ về Cảng Hải Phòng làm đủ nghề từ chài lưới, mò sắt vụn...

Làng chài Máy Chai (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) nằm trên sông Cấm gần Cảng Hải Phòng hình thành từ những con thuyền ghép lại, cuộc sống nghèo đói bủa vây. Những ngư dân thậm chí còn phải mất một lúc mới nhớ rõ tên đàn con của mình, họ chẳng có nổi một tấm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu hay chứng minh nhân dân, thì chuyện học hành, hướng nghiệp cho bọn trẻ là điều quá cao siêu, xa vời.

6 năm sau, một ngày đầu xuân  2016, tôi bất ngờ gặp lại anh Tới ngồi uống trà trong căn nhà mái bằng, rộng 50m2 trong xóm nhỏ ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền. Anh cho biết, anh và anh trai, em gái đều đã lên bờ từ ba năm trước rồi. Mỗi cặp vợ chồng đã có một căn nhà rộng 30 - 50m2,  tất cả là nhờ công của anh Tuệ.

Những người làm nên kỳ tích

Người mà anh tới nhắc đến là Thiếu tá Đỗ Minh Tuệ, Đội trưởng Phân đội 2, Phòng CSGT Đường thủy. Đưa chúng tôi đi thăm khu vực cống Thủy Tinh (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền), Thiếu tá Tuệ chỉ vào con đường trải bê tông, những ngôi nhà san sát, nước máy đã vào tới nơi nhưng chưa có điện, người dân xóm này vẫn phải mua điện giá cao của các hộ dân ở cách đó không xa. “Tuy còn khó khăn nhưng với những dân chài vốn chỉ sống trong vài mét vuông khoang thuyền, nay có một ngôi nhà khang trang, họ đã thỏa niềm mơ ước, chúng tôi cũng thấy yên tâm”, Thiếu tá Tuệ nói.

Thiếu tá Tuệ vốn là một trinh sát ma túy. Năm 2005, khi về công tác tại Phân đội 2, Phòng CSGT đường thủy Hải Phòng, anh nhận thấy việc các ngư dân sống ven sông Cấm tồn tại nhiều bất ổn. Đây là khu vực luồng hàng hải quốc tế ra vào Cảng Hải Phòng, mỗi khi tàu tải trọng lớn hoặc tàu cao tốc chạy qua, những con thuyền mỏng manh của ngư dân lại chòng chành, nghiêng ngả. Không ít lần thuyền lật, thậm chí có vụ cả gia đình chết vì lật thuyền khi tàu lớn chạy qua. Ngoài ra, cuộc sống mưu sinh của những người dân vạn chài cũng ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn hàng hải khi dân chài thả lưới quấn vào chân vịt tàu.

Thiếu tá Tuệ cùng đồng đội thống kê hồ sơ về nhân khẩu tại vùng sông nước mình quản lý. Danh sách các thành viên trong từng gia đình, đặc điểm của từng con thuyền được Phân đội 2 tập hợp để ấp ủ một kế hoạch lớn hơn. Năm 2009, Thiếu tá Tuệ cùng các đồng chí trong Phân đội trực tiếp vận động bà con neo đậu vào khu vực đảm bảo ATGT đường thủy, tránh di chuyển rải rác trên sông.

“Khó khăn nhất khi vận động những hộ dân này lên bờ chính là nhận thức, vì họ sống trên sông nước quen, nên sợ lên bờ, sợ không biết phải làm ăn sinh sống thế nào trên đất liền”, Thiếu tá Tuệ nhớ lại.

“Khoảng thời gian đầu cơ quan chức năng vừa động viên vừa cưỡng chế bà con ngư dân làng chài lên bờ, một vài hộ còn bỏ trốn, vì phần lớn chúng tôi nghĩ đang bị bắt, bị đuổi đi, không cho kiếm sống nữa”, anh Tới cho hay. Với những người CSGT đường thủy, vừa tuyên truyền, vận động bà con làng chài, họ vừa phải nỗ lực đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện cho những ngư dân cắm cọc, làm nhà tại khu vực bờ bãi ven lạch Thủy Tinh.

“Thời điểm ấy, chính quyền địa phương đã phản đối quyết liệt. Người dân tại các khu phố lân cận cũng kiên quyết không đồng tình vì luôn cho rằng để “dân chài” sống cạnh mình sẽ gây mất trật tự. Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền, người dân trên bờ và ngư dân đã thuận theo lẽ phải”, Thiếu tá Tuệ cho hay.

Ban đầu là những túp lều cắm cọc xuống lòng đất, tiếp đó là san lấp lập nên những ngôi nhà. Đặc biệt, năm 2010, khi anh Tuệ xin kinh phí xây dựng được một con đường chạy dọc xóm, nối vào tới Phân đội 2 (Phòng Cảnh sát đường thủy Hải Phòng) thì nơi đây đã trở thành một xóm phố đích thực. Các ngôi nhà san sát mọc lên quay mặt ra con đường bê tông mà người dân hay gọi vui là “đường anh Tuệ”. Nước sạch được một tổ chức phi Chính phủ cung cấp. 22 gia đình với hơn 100 nhân khẩu từ khoang thuyền chật hẹp nay đã có một ngôi nhà vững chãi che mưa nắng. Nhiều gia đình sắm được ti vi, tủ lạnh, dàn karaoke…

Từ dưới thuyền lên bờ, những ngư dân bắt đầu làm quen với công việc trên bờ, có người làm công nhân, lái xe, làm thuê… Họ nhận thấy công việc trên bờ cho thu nhập tốt hơn, ổn định hơn việc lênh đênh bắt con cá, con tôm hay mò sắt vụn dưới sông. Cái được lớn nhất của những người dân xóm vạn chài là con cái họ đã làm được điều mà cha, ông chúng không làm được: “Được đi học, biết chữ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.