Vận tải

Nhọc nhằn nghề chuyên đu bám, dồn toa tàu hỏa

21/09/2019, 12:07

Bất kể nắng mưa, ngày đêm, nhân viên dồn dịch, ghép nối tàu vẫn phải ra hiện trường thực hiện các công đoạn đón, tiễn tàu an toàn...

img
Theo Luật Đường sắt và Thông tư 33/2018 của Bộ GTVT, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu tại ga gồm: nhân viên điều độ chạy tàu ga; trực ban chạy tàu; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe. Mỗi chức danh một nhiệm vụ, tuy nhiên đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt; đồng thời giám sát lẫn nhau để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố chạy tàu, đe dọa an toàn có thể xảy ra. Trong ảnh: Trực ban chạy tàu đội mưa đón, tiễn tàu
img
Trong một ban chạy tàu tại các ga lập tàu hạng I như Giáp Bát, Hà Nội... có nhiều chức danh tham gia, trong đó các chức danh như trưởng dồn, ghép nối, gác ghi, trực ban đường... thường xuyên phải làm việc tai hiện trường. Một ban làm việc 12 giờ, trong 12 giờ đó, họ làm phải làm việc suốt, không có quy định thời gian nghỉ, trừ lúc ăn ca. Nắng đã đành, nhưng dù trời mưa to họ vẫn phải ra làm để đảm bảo kế hoạch lập tàu hoặc xếp, dỡ hàng. Một nhân viên chạy tàu chia sẻ về câu đúc kết về nghề của các thế hệ đi trước là: “Chó chạy vào, người chạy ra”. Ảnh: Dù trời mưa rét, nhân viên ghép nối vẫn phải đu bám thành toa xe đang chạy để quan sát hai phía, làm tín hiệu an toàn cho trưởng dồn
img
Không chỉ đu bám toa xe, nhân viên ghép nối toa xe còn phải kiểm tra, thao tác tháo, nối các thiết bị đầu toa xe trước khi ghép nối hoặc cắt móc.
img
Để chỉ huy đoàn tàu dồn có chức danh trưởng dồn, quan sát xung quanh khu vực dồn có an toàn không, quan sát tín hiệu của nhân viên dồn, ghép nối và làm tín hiệu cho lái tàu tác nghiệp. Nhân viên làm chức danh này cũng rất vất vả, phải đu bám tàu, lại đòi hỏi kinh nghiệm, bậc thợ cao. Trung bình một ban chạy tàu tại các ga lập tàu lớn phải thực hiện trên 100 cú dồn. Vào đợt cao điểm còn tăng nữa vì buộc phải thực hiện sao cho tàu về dỡ hàng đúng kế hoạch của chủ hàng đối với tàu hàng, tàu đi phải đúng giờ đối với tàu khách. Khó khăn, vất vả như vậy nhưng thu nhập của nhân viên chạy tàu ga rất thấp. Một nhân viên dồn dịch đã 7 năm làm việc tại ga cho biết, lương chỉ hơn 4 triệu/tháng thực lĩnh nếu làm đủ công, chức danh gác ghi còn thấp hơn. Các chức danh khác như trưởng dồn, trực ban chạy tàu tuy lương cao hơn nhưng không đáng là bao. Nhiều người phải làm thêm như bốc vác hàng hóa tại ga, chạy xem ôm công nghệ... để có thêm thu nhập.
img
Nhân viên gác ghi (phải) thực hiện đóng/mở ghi cho đoàn tàu, đoàn dồn vào đường ga số mấy theo yêu cầu của trực ban ga, đồng thời quan sát, đảm bảo qua ghi an toàn. Chỉ cần một sơ sẩy, mở ghi chậm, mở ghi sai đường là nguy cơ trật bánh, chẻ ghi hoặc tàu đâm tàu đang đỗ trên cùng một đường sắt trong ga có thể xảy ra.
img
Còn ở ga dọc đường, chỉ một mình trực ban chạy tàu phải làm tất: đón tiễn tàu, nhận lệnh của điều độ, báo chắn, báo cho các bộ phận trong ga như phát thanh, kiểm soát, bảo vệ, gác ghi để tác nghiệp… Vì trực ban chạy tàu là đầu mối của mọi công việc, mỗi khi tàu đến, tàu đi, phải báo cho các bộ phận trong ga để tác nghiệp, báo cho chắn đường ngang để đón tàu qua an toàn, phát thanh thông báo tới hành khách, rồi ra ke ga đón, tiễn tàu. Chừng nào lái tàu, trưởng tàu chưa nhận được tín hiệu an toàn của trực ban chạy tàu, tàu chưa thể xuất phát. Thu nhập thấp thế, áp lực công việc lớn nhưng theo quy định, chỉ cần vi phạm quy định, quy trình tác nghiệp thôi, chưa cần xảy ra sự cố, tai nạn gì là đã bị phạt rất nặng. Nhiều người đã bỏ nghề, các ga đang thiếu nhiều nhân lực làm nghề chạy tàu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.