Hạ tầng

“Nhồi” hơn 60 dự án căn hộ trên 1 trục đường ở cửa ngõ Tây Nam TP.HCM

image

Đường Nguyễn Hữu Thọ qua quận 7 và huyện Nhà Bè mọc lên hàng chục tòa nhà, cao ốc khiến tình trạng ùn ứ ngày càng nghiêm trọng.

Trong những năm qua, khu vực phía Tây Nam TP.HCM ồ ạt xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản, bất chấp hạ tầng giao thông phải gánh lượng phương tiện khổng lồ. Nổi cộm nhất là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7.

Chỉ 2 km nhồi hơn 30 cao ốc

Tại huyện Nhà Bè, chỉ riêng đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến đường Đông Tây chưa tới 2 km nhưng có đến hơn 30 tòa chung cư cao tầng, nằm san sát với nhau.

Điểm đầu, nằm ngay vòng xoay Phước Kiển, xã Phước Kiển là khu căn hộ chung cư Hoàng Anh Gia Lai - New Saigon, do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Nguyên làm chủ đầu tư với quy mô 4 block, 1.000 căn hộ.

img

Đường Nguyễn Hữu Thọ có điểm đầu từ cầu Kênh Tẻ (quận 7) và điểm cuối là cầu Bà Chiêm (Nhà Bè). Chỉ với khoảng cách hơn 10 km nhưng phải gánh hơn 60 tòa nhà chung cư cao tầng.

Đối diện với dự án New Saigon khoảng 200m lại xuất hiện một dự án với quy mô 8 block, "đẩy" ra thị trường hơn 2.000 căn hộ. Trong đó, 1 block đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Tại vị trí số 156A Nguyễn Hữu Thọ là dự án Hưng Phát Silver Star của chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát. Dự án có 3 block, khoảng 500 căn hộ.

Tiếp tục, tại số 9 Nguyễn Hữu Thọ là chung cư Phú Hoàng Anh 1 với 5 block, hơn 1.000 căn hộ. Chủ đầu tư là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và công ty Phú Long.

img

Đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn ngay cầu Rạch Bàng đến cầu Kênh Tẻ, Phường Tân Hưng quận 7, hơn 20 tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc.

Ở số 12, đường Nguyễn Hữu Thọ là sự hiện diện 5 block The Park Residence do Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư, với hơn 1200 căn hộ.

Tại kỳ họp thứ 3, khóa họp 15 của Quốc hội, nói về tình trạng hàng chục dự án nhà cao tầng bóp nghẹt giao thông tuyến đường Lê Văn Lương (trục Tây Nam của Thủ đô Hà Nội), Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng có yếu tố trục lợi chính sách trong những điều chỉnh quy hoạch: "Tôi cho rằng có lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, có trách nhiệm liên đới là Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và đầu tư. Tại sao lại cho phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô khi mà chủ trương của thành phố là giãn dân. Điển hình như tuyến đường Lê Văn Lương, đây là vấn đề bất cập cần phải có kiểm điểm xử lý của người đứng đầu trong từng thời kỳ. Nhưng ở đây không chỉ có trách nhiệm của UBND TP, còn có trách nhiệm của Bộ Xây dựng".

Tại vị trí 15A2 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, cách chung cư The Park Residence 200 met lại là khu căn hộ Dragon Hill Residence And Suites 1 và 2. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. Dự án gồm 4 tòa nhà, hơn 800 căn hộ.

Tại vị trí 187A Lê Văn Lương, cách mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ 300m là 8 block của Hoàng Anh An Tiến án ngữ, góp thêm hơn 1.000 căn hộ vào khu vực.

Không chỉ đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn thuộc địa bàn huyện Nhà Bè ngợp trong các tòa nhà cao tầng, đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến Rạch Bàng thuộc tuyến đường nói trên nằm trong phường Tân Hưng quận 7 mặc dù dài chưa đến 1,6 km nhưng cũng “nhồi” đến hơn 20 tòa nhà khác.

Hạ tầng “nghẹt thở”

Bên cạnh 2.200 căn hộ gồm 12 block của một tập đoàn lớn, đường Nguyễn Hữu Thọ tại giao lộ với đường D4 còn có thêm 3 block chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, với hơn 1.000 căn hộ.

Cũng ngay trục đường nhánh này, nằm ở vị trí số 83 đường D4 xuất hiện thêm dự án chung cư Florita với 4 block, 575 căn hộ của chủ đầu tư Cổ phần Khải Huy Quân.

Ngay liền kề dự án Florita lại có thêm 6 block chung cư Him Lam Riverside và khu căn hộ cao cấp của Công ty Cổ phần Him Lam với tổng số hơn 2900 căn hộ.

Như vậy, với khoảng cách chỉ hơn 10 km, con đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa phận huyện Nhà Bè và quận 7 đang phải “oằn” mình gánh hơn 60 tòa nhà chung cư, với chiều cao trung bình từ 15 đến 35 tầng, tương đương với hàng chục nghìn căn hộ.

img

Đường Hữu Thọ dẫn vào trung tâm thành phố luôn trong tình trạng ùn tắc triền miên, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Theo lời quảng cáo trên website của các chủ đầu tư, hầu hết các tòa nhà chung cư này đều có đầy đủ những tiện nghi như hồ bơi, công viên cây xanh, khu vui chơi trẻ em… và nhấn mạnh “vào trung tâm thành phố chỉ mất từ 5 đến 10 phút di chuyển”. Nhưng thực tế thời gian di chuyển lâu hơn rất nhiều.

Đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, xe cộ luôn đông đúc, các phương tiện di chuyển phải nhích từng chút một mới đến được trung tâm thành phố.

“Phải mất từ 30 phút đến 1 giờ mới đến được chỗ làm việc là chuyện thường ngày”, chị Nguyễn Diệu My (38 tuổi), một nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3 cho biết.

img

Tốc độ "nhồi" dự án lên đường Nguyễn Hữu Thọ và các tuyến nhánh giao cắt vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Việc các tòa nhà cao ốc mọc lên như nấm, cũng đồng nghĩa với việc số lượng dân cư về sinh sống tăng lên ồ ạt. Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ vì vậy mỗi ngày phải gánh áp lực khủng khiếp như thể chưa hề được đánh giá tác động giao thông trước khi các dự án triển khai.

“Cơn lốc” xây dựng các dự án căn hộ trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ và các tuyến nhánh giao cắt với trục đường này vẫn đang tiếp diễn khiến ùn tắc kẹt xe triền miên ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.