Pháp đình

Nhói lòng phiên tòa xử thiếu niên sát hại bạn cùng làng

14/01/2017, 17:25
image

Ngày ra tòa, mẹ nạn nhân thều thào trình bày rằng tính mạng một con người là không gì có thể mua được.

bc Dat 1

Bị cáo Nguyễn Tiến Đạt trước vành móng ngựa.

Chỉ vì những hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ của con trẻ mà giờ đây người mất mạng, kẻ vào tù khiến cho những bậc làm cha, làm mẹ đau khổ tột cùng.

Chỉ vì một phút bồng bột

Đầu giờ sáng một ngày cuối năm 2016, cánh cổng TAND TP Hà Nội được mở rộng ra cho chiếc xe thùng chở bị cáo là một thiếu niên từ từ tiến vào. Vừa nhìn thấy đứa con tội đồ của mình đang phải khóa tay trong chiếc còng số 8 lạnh ngắt bước xuống, bố mẹ và người thân của bị cáo Nguyễn Tiến Đạt (SN 2000, trú xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) không ngăn nổi những giọt nước mắt đau khổ.

Bước vào phòng xử án, bị cáo Đạt ngồi trơ trọi trước vành móng ngựa, chỉ cúi mặt không dám đối diện với những ánh mắt đầy oán trách, thù hận của gia đình nạn nhân. Bị cáo thành khẩn khai nhận, hôm đó là tối 13/6/2016, như mọi khi, sau khi ăn cơm tối xong, nhóm của Đạt và Đinh Văn Hiếu (SN 2001, trú cùng xã) cùng một vài người bạn khác lại rủ nhau đến ngồi hóng mát trước cổng nhà Nguyễn Việt Hùng (SN 2000, người cùng xã).

Mặc dù còn ít tuổi, song Hùng cũng đã biết hút thuốc lá. Do không mang theo bật lửa trong người nên Hùng đã mở lời hỏi mượn Đạt. Đạt vui vẻ vào nhà lấy bật lửa giúp. Đến khi quay lại ngồi xuống ghế thì cả nhóm phá lên cười chế giễu trong khi Đạt ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Ngay sau đó, được biết mình bị bạn chơi đểu vì ngồi phải ghế bị nhổ nước bọt, vừa xấu hổ vừa bực mình, Đạt đứng dậy lớn tiếng tra khảo. Nhưng cả hội chỉ nháy nhau cười mà không nói ai là “thủ phạm”. Bực tức, Đạt đứng phắt dậy, buông lời thách thức: “Đứa nào giỏi thì nhổ thêm lần nữa” thì lập tức Hiếu quay lại nhổ nước bọt vào ghế của Đạt đang ngồi.

Xem thêm video:

Sau hành động đó, giữa Đạt và Hiếu lời qua tiếng lại rồi xảy ra xô xát. Được bạn bè can ngăn nên Hiếu cùng một số người bạn khác ra về trước, còn Đạt vẫn tiếp tục ở lại ngồi chơi với Hùng. Bỏ đi khoảng vài chục mét, Hiếu bất ngờ quay lại định đánh nhau với Đạt. Thấy bóng Hiếu từ xa, dự đoán được một cuộc ẩu đả nữa sắp xảy ra, chẳng nói chẳng rằng, Đạt liền chạy vào nhà Hùng lấy một con dao để sẵn ở dưới đất phòng thủ.

Ngay khi Hiếu vừa tới, hai bên tiếp tục lời qua tiếng lại, Hiếu đã dùng tay đấm vào mặt Đạt. Bực tức vì bị đấm, Đạt cầm dao đâm một nhát vào sườn phải của Hiếu khiến nạn nhân nằm gục dưới đất. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Sáng sớm hôm sau, Đạt đến cơ quan công an đầu thú.

Nỗi đau của đấng sinh thành

Tại phiên xét xử, Đạt đã khai nhận toàn bộ diễn biến sự việc hôm xảy ra vụ án trùng khớp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được tại cơ quan điều tra. Mỗi lời khai của Đạt như xát muối vào lòng người thân của bị hại. Ngồi trong phòng xử án, tay cầm di ảnh của nạn nhân, bố mẹ Hiếu trông khắc khổ bởi thân hình gầy gò, da đen sạm. Có lẽ nỗi đau mất con đến bây giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng họ.

Tranh thủ giờ nghị án, bố mẹ Hiếu đã chia sẻ với PV về con trai họ. Theo lời kể, gia đình Hiếu thuần nông, quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh. Nhà có ba người con và Hiếu là con út. Nhớ về đứa con xấu số, bố của Hiếu thều thào cho hay, Hiếu là một cậu bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, tình cảm và rất thương bố mẹ. Chính vì vậy, cả đời làm ruộng, bố mẹ Hiếu cũng chỉ mong sao sau này sẽ được nhờ cậy đứa con trai này, nào ngờ...

Không khác gia cảnh nhà nạn nhân là mấy, mẹ của bị cáo Đạt mắc bệnh trầm cảm, thường xuyên phải điều trị bệnh nên ngoài làm ruộng thì bố Đạt còn buôn bán thêm trâu, bò để có tiền nuôi ba chị em Đạt ăn học. Không thể học tiếp lên cấp 3, Đạt xin bố mẹ cho nghỉ học phụ giúp việc nhà. “Con dại cái mang”, thời điểm con trai gây nên tai họa tày trời, gia đình Đạt đã cố gắng dồn hết tiền bạc trong nhà cộng với vay mượn thêm để bồi thường cho gia đình nạn nhân, tổng cộng hơn 90 triệu đồng.

Ngày ra tòa, mẹ nạn nhân thều thào trình bày rằng tính mạng một con người là không gì có thể mua được. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình hiện tại rất khó khăn, nay đứa con trai mất đi, hai vợ chồng sau này về già sẽ không biết nương tựa vào ai nên yêu cầu gia đình bị cáo phải bồi thường thêm 50 triệu đồng. Nghe đến đây, bố bị cáo Đạt vội đứng lên chắp hai tay vào nhau, lúc thì quay lên phía HĐXX, khi thì quay xuống phía gia đình bị hại mà xin rằng: “Trước giờ hai gia đình vốn là hàng xóm của nhau, hoàn cảnh chẳng ai còn lạ gì. Chúng tôi cũng đã vay mượn rất nhiều để bù đắp một phần nào mất mát cho gia đình, nếu phải bồi thường thêm tiền, thực sự chúng tôi không thể xoay xở được nữa”.

Vì phần bồi thường thuộc về lĩnh vực dân sự, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nhưng do hai bên cùng chưa thống nhất, cộng thêm sự giải thích, phân tích cả về tình và lý của vị chủ tọa khiến phiên tòa càng về sau càng giống như một phiên hòa giải hơn là một phiên xét xử.

Vị chủ tọa nói: “Tính mạng con người là vô giá và cũng chẳng gì có thể bù đắp được. Thế nhưng thiệt thòi, đau khổ nhất vẫn là gia đình bị hại. Người ta sinh con ra mà bị mất đi khiến cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn và bế tắc. Gia đình bị cáo cũng nên xem xét và cố gắng bồi thường thêm cho gia đình bị hại, không được 50 triệu đồng thì cũng cố gắng bồi thường thêm 10, 20 triệu đồng”. Sau một hồi cân nhắc, cuối cùng bố của bị cáo Đạt cũng đã đồng ý bồi thường thêm cho gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.

Kết thúc phiên xét xử, Đạt bị tòa tuyên 7 năm tù. Nhiều người tham dự phiên tòa hy vọng bản án sẽ đủ sức răn đe, giáo dục tội phạm nói chung cũng như bị cáo Đạt nói riêng. Rồi sau khi trở về với cộng đồng, Đạt sẽ trở thành một người lương thiện, một công dân tốt.

Theo Tiến sỹ tâm lý Phạm Mạnh Hà (giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) thời gian qua, tội phạm vị thành niên có dấu hiệu gia tăng về cả tính chất và mức độ phạm tội là rất đáng lo ngại. Trong đó, nguyên nhân chính là do giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội bị đảo lộn, những giá trị vật chất, hình thức lên ngôi, thói ích kỷ, thờ ơ của cộng đồng, giành giật lợi ích đã ảnh hưởng không nhỏ đến lớp trẻ.

Trong khi đó, lớp trẻ lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phim ảnh bạo lực, mạng xã hội..., và thiếu sự quan tâm, dưỡng dục từ những người thân. Bên cạnh đó, lứa tuổi từ 13-16 có nhiều biến đổi về mặt tâm sinh lý, thường suy nghĩ nông nổi, luôn cho mình là người đã lớn, muốn tự bản thân giải quyết mọi vấn đề, dễ bị lôi kéo, kích động, thích thể hiện sức mạnh bản thân bằng vũ lực... cũng chính là những nguyên nhân quan trọng.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.