Hỏi - Đáp

Nhóm châm lửa hút thuốc gây hỏa hoạn tại cây xăng Hà Nội bị xử lý thế nào?

02/08/2020, 11:10
image

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi này thể hiện sự coi thường công tác phòng cháy chữa cháy và cần phải xử lý nghiêm.

img
Ảnh cắt từ clip.

Khoảng 20h45 ngày 31/7, tại cây xăng thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, có ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đèo nhau trên chiếc xe SH đi vào đổ xăng. Khi thấy một trong ba thanh niên đang chuẩn bị hút thuốc thì nữ nhân viên của cây xăng đã lên tiếng nhắc nhở. Tuy nhiên, cả ba vẫn tỏ thái độ giễu cợt, cười đùa.

Sau đó, thanh niên này còn cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc. Chỉ 1 giây sau, lửa bùng lên dữ dội khiến nhiều người xung quanh hoảng hốt tháo chạy. May mắn là ngọn lửa cũng đã được dập tắt.

Dù sự việc chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc nhưng hành động của ba nam thanh niên đã bị cộng đồng mạng chỉ trích một cách gay gắt. Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi thiếu ý thức của nhóm người này và cho rằng, cần phải xử lý nghiêm hành vi của những đối tượng để có tính răn đe.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay, ngày 12/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

“Theo đó, hình thức xử lý đối với hành vi sử dụng diêm, bật lửa tại những nơi có quy định cấm là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng đối với hành vi sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động ở những nơi có quy định cấm. Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, luật sư Bình nói.

Theo quy định trên thì đối với những người có hành vi sử dụng diêm, bật lửa tại cây xăng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 đồng.

“Quy định này xuất phát từ bản chất của xăng, dầu là những nguồn nhiên liệu có nguy cơ cháy nổ cao nên khi tiếp xúc với các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt sẽ dễ gây ra sự cố hỏa hoạn nguy hiểm”, luật sư Bình phân tích.

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong trường hợp này ngoài có thể bị xử phạt theo Nghị định trên, nếu 3 thanh niên trong video đã được nhắc nhở mà cố tình châm thuốc, hay cố tình châm lửa vào bình xăng dẫn đến hỏa hoạn thì hoàn toàn có thể bị xử lý vào tội hủy hoại tài sản.

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của 3 đối người này. Dù không có hỏa hoạn lớn xảy ra, nhưng hành vi này thể hiện sự coi thường quy tắc phòng cháy chữa cháy tại điểm mua bán xăng dầu. Nếu có đủ căn cứ thì hoàn toàn có thể xử lý về tội hủy hoại tài sản. Cần phải xử lý nghiêm để có tính răn đe và nêu gương cho cộng đồng”, luật sư Bình nói.

Clip “châm lửa hút thuốc suýt gây hỏa hoạn tại cây xăng Hà Nội” gây phẫn nộ:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.