Xã hội

Nhóm lao động nào ở Thanh Hóa sắp được nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỉ?

23/07/2021, 12:33

Sở LĐTB&XH Thanh Hóa cho biết, qua thống kê có tới 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động và sẽ được rà soát nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỉ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 174 về việc Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

img

Tỉnh Thanh Hóa đang soát các đối tượng được hưởng để chi trả tiền hỗ trợ

Ngày 23/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đình Tùng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết; Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, Sở cũng đang tập trung phối hợp với ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn rà soát các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định. Hồ sơ nào xong sẽ cấp luôn.

Theo kế hoạch, sẽ có 12 nhóm chính sách hỗ trợ gồm chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn với người điều trị COVID-19 (F0) từ 27/4 đến 31/12/2021; hỗ trợ 1 lần với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên (từ ngày 1/5 đến hết 31/12/2021); chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách đối với lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Ông Tùng cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có gần 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, trên 6.300 doanh nghiệp, với hơn 260.000 lao động được miễn giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trước đây đóng 0,5% lương/tháng), theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan, huyện, thị xã, thành phố tiến hành xây dựng đối tượng, tiêu chí, quy trình thủ tục và mức tiền hỗ trợ. Đối với mức hỗ trợ không thấp hơn 50.000 đồng/người/ngày (1,5 triệu đồng/người/tháng). Các đối tượng có mức hỗ trợ cao như hoạt động văn hóa nghệ thuật là 3,7 triệu đồng/người/ngày”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, đối với những trường hợp không có hợp đồng lao động, tỉnh sẽ ban hành hướng dẫn thủ tục và mức hỗ trợ.

"Để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng và tránh câu chuyện trục lợi, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo rà soát, xét thật kỹ các đối tượng đủ điều kiện mới được nhận hỗ trợ”, ông Tùng cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.