Kinh tế

Nhóm lợi ích “làm phép” hưởng lợi khổng lồ trên đất công

09/01/2018, 06:20

Nêu ví dụ trường hợp của Vũ “nhôm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ vấn đề đất đai...

12

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu

“Nóng” trốn thuế, quản lý đất công tại Đà Nẵng

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2018 ngày 8/1, ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu tình trạng nhà hàng khách sạn không xuất hoá đơn, trốn thuế khiến chính quyền thành phố phải yêu cầu tăng cường chống thất thu ở các đơn vị thủ công, công bố số lượng để các nhà hàng khách sạn đối chứng. “Chúng tôi đã yêu cầu niêm yết giá bán bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và khi xuất hóa đơn không thu thêm nhưng khi kiểm soát thì thấy có phần không đồng bộ. Mong rằng, năm nay Đà Nẵng cho thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực để thực hiện tốt chống thất thu thuế”, ông Miên nói. Đại diện TP Đà Nẵng cũng nêu vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm là quản lý đất đai tại đây.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận trong lĩnh vực bất động sản quản lý chưa tốt. Ông Miên cho rằng, một phần nguyên nhân do giá UBND nêu ra chưa sát thực tế. “Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành điều chỉnh bảng giá cho sát thị trường. Tuy nhiên, giá đất tại Đà Nẵng lên hơi nhanh nhưng các doanh nghiệp cố tình khai giảm giá xuống khi khai thuế. Chúng tôi đang cho Công an điều tra nhưng chưa đồng bộ”, ông Miên nói. Chính vì thế, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem lại khung giá đất cho sát với thực tế.

Liên quan tới vấn đề đất đai, đất công, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng quản lý tài sản công gây thất thoát lớn, có tình trạng “nhóm lợi ích làm phép hưởng lợi khổng lồ”. “Vấn đề bán nhà cho Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng, Nhà nước được gì?”, Thủ tướng nêu vấn đề. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước, có cơ chế quản lý chặt chẽ để chặt nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi từ tài sản quốc gia.

“Vạch” rõ nhũng nhiễu cán bộ thuế, hải quan

Tại Hội nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành Tài chính vẫn đáng lo ngại. Thủ tướng lấy ví dụ như ngành Hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế “đi đêm” với doanh nghiệp. Dẫn kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng chỉ rõ, chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn.

“Ngành Hải quan đã cố gắng nhiều nhưng vẫn còn thất thoát lớn khi cán bộ tiếp tay cho buôn lậu như vụ mất tích 213 container tại TP HCM hay vài chục cán bộ tại An Giang tiếp tay cho doanh nghiệp buôn lậu gian lận hàng trăm tỷ đồng thuế VAT. Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và yêu cầu ngành Tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ ngay tình trạng này; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”. Đồng thời, yêu cầu ngành Tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì”. Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng.

Nắm rõ con số toàn ngành Tài chính hiện có bộ máy đồ sộ với trên 72.000 người, trong đó ngành Thuế có 42.000 người, hải quan có trên 10.000 người…, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế theo lộ trình. “Toàn ngành Tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, Thủ tướng yêu cầu.

Tiếp lời Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết kiên quyết chống tiêu cực trong toàn ngành, nhất là thuế, hải quan. “Xin hứa với Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng bằng giải pháp cụ thể”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị mắc lỗi khi được thanh, kiểm tra thuế. “Có doanh nghiệp lỗi nhiều, doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng, có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan Nhà nước”, Thủ tướng nói và cho rằng, những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống KT-XH, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sát thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe nên cần khắc phục vấn đề này. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài từ 5 - 10 năm.

Thu ngân sách năm 2017 vượt dự toán 71 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước năm 2017 ước đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.  Tới 31/12/2017, theo dự toán, chi ngân sách ở mức hơn 1,39 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách là hơn 174.000 tỷ đồng, bằng 3,48% GDP, trong phạm vi dự toán. Năm 2018, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thu cân đối ngân sách theo dự toán là hơn 1,319 triệu tỷ đồng, trong đó riêng thu nội địa đạt 1,099 triệu tỷ đồng, thu dầu thô đạt 35,9 nghìn tỷ đồng và dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 179 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách 2018 là trên 1,522 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 940,74 nghìn tỷ đồng. Dự toán bội chi ngân sách khoảng 204 nghìn tỷ đồng (3,7%GDP).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.