An ninh hình sự

Nhóm người nhặt cọc tiền 30 triệu bị đánh rơi có thể bị xử lý hình sự

29/01/2021, 18:57
image

Luật sư Trần Minh Cường cho hay, nhóm người “hôi của” khi cô gái bị rớt cọc tiền 30 triệu đồng có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.

img

Ảnh cắt từ clip.

Chiều 29/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vụ việc một nhóm người đua nhau “hôi của” khi cô gái bị rớt cọc tiền 30 triệu đồng ở quận 7, TP.HCM có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Luật sư Cường phân tích, trên thực tế có nhiều trường hợp chủ tài sản, tài xế lái xe khi thấy tài sản của mình bị “chiếm đoạt” ngay trước mắt nhưng ngoài tầm kiểm soát và không thể ngăn cản được.

Tình huống này, người “hôi của” có thể xem là công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi “hôi của” có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.

Video: Cận cảnh nhóm người hôi của lấy tiền của cô gái đánh rơi.

Về mặt xử phạt hành chính: Trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15, Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.

Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, nhóm người trên có thể bị xử lý hình sự. Theo Điều 172, Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

img

Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Mặt khác, khung hình phạt tù cao nhất của tội danh trên là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trao đổi với PV, chị Lý Thị Nhanh (25 tuổi, quê Long An) cho hay mình là người đánh rơi tiền trong clip đang xôn xao trên mạng xã hội.

Theo chị Nhanh, khoảng 11h30 ngày 28/1, chị rút 30 triệu đồng từ một ngân hàng ở quận 1 và chạy xe máy sang quận 7 để trả nợ cho bạn.

Khi đi trên đường số 4, phường Tân Hưng (quận 7), cọc tiền trong túi áo khoác rơi xuống đường nhưng chị không hay biết. Khi có người chạy xe máy phía sau hô hoán, chị mới hay và quay lại tìm nhưng tiền không còn.

"Không thấy tiền trên đường, tôi hỏi một anh chạy xe ôm mới biết cô bán nước tại khu vực và một số người đi đường nhặt được.

Tôi đến năn nỉ cô bán nước để xin lại tiền nhưng không được. Tôi khóc và định báo công an thì người này nói chỉ nhặt được 4 triệu đồng và đưa lại cho tôi", chị Nhanh nói.

Sau đó, chị Nhanh đã đến Công an phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM trình báo vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.