Tâm sự

Nhức nhối 12 bé bị bắt cóc không tìm được người thân

27/11/2015, 19:05

Ai đã thờ ơ trước những gương mặt trẻ tội nghiệp kia? Tại sao không thể tìm kiếm bố mẹ của các bé?

12-chau-be-1448517165998-1448522547477-0-0-255-500
12 bé bị bắt cóc không tìm được người thân

Bạn tôi, một người phụ nữ hiếm muộn đã không kìm được nước mắt khi đọc tin 12 bé trai bị bắt cóc đang mỏi mòn chờ bố mẹ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh.

3, 4 năm nay, các em không được ai đến nhận, hay nói một cách khác, bố mẹ của hơn chục đứa trẻ ngây thơ, vô tội này lâu nay không biết thông tin gì về con mình.

Chị nói, muốn đến tận nơi xin nhận một đứa trẻ về nuôi nhưng hơi ngại ngần vì biết đâu sau khi báo chí rầm rộ đưa tin, sẽ có người tìm tới nhận con.

Đương nhiên tôi đọc được sự trách móc trong giọng nói run run của người phụ nữ đang khao khát có một đứa con. Chị, cũng như hàng trăm lời bình luận phẫn nộ trên các trang mạng xã hội kia đang đặt câu hỏi: Ai đã thờ ơ trước những gương mặt trẻ tội nghiệp kia? Tại sao không thể tìm kiếm bố mẹ của các bé? Một sinh mạng đã được giành lại từ tay những kẻ bắt cóc trẻ em - nhưng một cuộc đời, ai sẽ trả lại cho các em?

Trước áp lực dư luận ấy, đại diện Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh giải thích, các em được giải cứu từ nhiều chuyên án của công an và đưa về trung tâm từ 4 - 5 năm trước. Khi đó, các bé mới chỉ khoảng 1 tuổi. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác định không thể tìm được nguồn gốc nên mới đưa về trung tâm.

Vâng, chắc trong số những người đang gay gắt lên án lực lượng chức năng không làm hết trách nhiệm, ít người biết, đa phần các trường hợp trẻ em bị bắt cóc đều ở vùng sâu vùng xa, thậm chí vùng biên giới. Trong những ngôi nhà còn lụp xụp, những cánh đồng rạn nứt, bố mẹ các bé làm việc cả ngày chả đủ ăn. Họ không có smartphone, máy tính để có thể xem báo mạng hay vào facebook hàng ngày, họ không có tiền để đi tìm con mình, thậm chí có khi mất con còn không thông báo với công an địa phương.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, nếu chúng ta có một cơ chế đủ mạnh, cùng với sự vào cuộc của cộng đồng, chắc chắn sẽ bớt đi những hoàn cảnh thương tâm như thế. Danh sách những em bé được giải cứu cần được đăng tải công khai trên các trang web bảo vệ trẻ em hoặc của cơ quan chức năng, được chia sẻ trên các mạng xã hội. Danh sách này cùng với ảnh các em phải được gửi về chính quyền các huyện, xã.

Có thể, bố mẹ các cháu không có điều kiện tiếp cận thông tin nhưng lãnh đạo địa phương phải biết được khu vực mình quản lý có trẻ em nào bị bắt cóc hay không để xác minh. Việc này là cần thiết, bởi tội phạm bắt cóc trẻ em ở Việt Nam không chỉ xảy ra ở Quảng Ninh và những kẻ táng tận lương tâm vẫn chưa dừng lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.