Những bác sĩ đặc biệt
Nằm bên tỉnh lộ 1, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được bao bọc bởi cánh rừng khộp xanh rì.
Dưới tán rừng xanh, có một "bệnh viện" chuyên chữa trị, chăm sóc nhiều loài thú rừng quý hiếm thuộc nhóm I, nhóm II như: Tê tê, mèo rừng, rùa, trăn, kỳ đà vân, khỉ, vượn, cầy mực, chồn… Đây là những thú rừng được cứu hộ sau khi bị đánh bẫy, buôn bán trái phép.
Đang chuẩn bị thức ăn cho chú kỳ đà vân bị cụt hai chân trước, anh Lê Văn Hồng, cán bộ phụ trách Phòng cứu hộ động vật hoang dã cho hay: "Động vật hoang dã được nhiều người xem là đặc sản khiến loài vật này bị săn bắt, tận diệt. Nếu không được bảo vệ, thế hệ tương lai chỉ còn nhìn thấy trong tranh ảnh".
Anh Hồng về công tác tại Trung tâm bảo tồn voi từ năm 2011, công việc chính là giám sát voi hoang dã. Đến tháng 4/2021, Phòng cứu hộ động vật hoang dã thành lập, anh được điều về phụ trách và đảm nhận công việc cứu hộ, chăm sóc các loài thú quý hiếm.
"Hầu hết động vật hoang dã đưa đến đều bị thương do dính bẫy, hoặc bị nhốt quá lâu. Khi tiếp nhận, trung tâm phải tìm mọi cách để chữa trị, có nhiều con phải cắt bỏ các chân", anh Hồng kể.
Nhớ lại lần gần nhất khi nhận được tin báo về việc phát hiện hai cá thể chồn bạc má bị dính bẫy nhiều ngày trong rừng, anh Hồng cho hay: "Qua thăm khám, vết thương hoại tử sâu nên phải cắt bỏ toàn bộ chân trước. Hiện hai cá thể khỏe mạnh nhưng mang di tật rất đáng thương. Hoặc chú kỳ đà vân, bị dính bẫy gãy hai chân trước, lâu ngày đã hoại tử, phải cắt bỏ hai chân, không thể đưa trở lại môi trường tự nhiên".
Cùng chia sẻ về công tác cứu hộ, anh Mai Thanh Nhân, nhân viên cứu hộ nói: "Động vật hoang dã mỗi loài một đặc tính khác nhau nên việc chăm sóc, điều trị rất khó. Không ít lần anh em bị thú rừng cào, cắn rách cả tay".
Thả về tự nhiên chưa chắc sống
Theo anh Hồng, với những thú rừng bị bẫy kẹp mất chân, không thể trở lại với tự nhiên nên trung tâm phải chăm sóc suốt đời. Hiện tại trung tâm đang nuôi hai cá thể chồn bạc má, một kỳ đà bị cụt chân. Ngoài ra, có 5 cá thể rùa châu Phi, rùa bức xạ cùng nhiều cá thể khác mất khả năng sinh tồn.
"Chữa trị cho thú rừng đã khó, việc kiếm thức ăn cho chúng còn khó hơn. Thức ăn này chỉ có trong rừng sâu nên rất mất công tìm kiếm", anh Hồng nói và cho biết, không phải loài nào thả về tự nhiên cũng sống sót. Bởi nhiều cá thể bị cách ly với môi trường tự nhiên từ nhỏ, không nhận biết được thức ăn từ rừng. Khi trở lại tự nhiên, những con chưa có được bản năng hoang dã dễ ăn nhầm thức ăn, khi đó nó sẽ bị chết.
"Theo quy định là sau cứu hộ, chăm sóc phải thả về tự nhiên, nhưng lương tâm mình không cho phép. Thả về chúng phải sống được chứ không phải thả để cho xong nhiệm vụ. Có những cá thể thả rồi, anh em không nỡ quay lưng đi.
Động vật hoang dã do bị nuôi nhốt nhiều năm đã mất bản năng tự nhiên. Muốn phục hồi phải có khu chuồng đủ rộng, tìm kiếm nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên để chúng quen, sau còn biết cách tìm kiếm", anh Hồng tâm sự.
Anh Nhân kể: "Phòng chỉ có hai nhân viên và một công nhân nên anh em thay phiên nhau túc trực để chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, canh giữ thú về đêm, đề phòng mất trộm".
Công việc dù vất vả, song cả anh Hồng và anh Nhân cho hay, vì tình yêu với nghề, các anh sẵn sàng gắn bó, dù thu nhập hiện chỉ được khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Gia đình anh Hồng ở huyện Buôn Đôn, cách nơi làm việc 22km, mỗi ngày phải chạy xe máy gần 50km, sáng đi chiều về. Còn gia đình anh Nhân ở tận huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), một tuần anh mới về nhà một lần.
"Ở giữa rừng, nhiều lúc không có sóng điện thoại, nhớ vợ con cũng không biết làm thế nào. Đôi khi gia đình cũng khuyên chuyển công việc khác. nhìn những con thú đau đớn quằn quại, cần được chăm sóc, tôi không nỡ rời xa", anh Nhân bộc bạch.
Cần sự chung tay
Theo anh Nhân, việc buôn bán, tiêu thụ và sử dụng thịt động vật hoang dã khiến mất cân bằng sinh thái, gây ra nhiều hệ lụy cho con người. Tuy nhiên, dường như nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu.
"Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt trái phép động vật hoang dã tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị phạt từ 5 - 400 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", anh Nhân nói và cho rằng, cần sự chung tay của cả xã hội trong việc bảo tồn.
Ông Mai Đức Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng cho biết, trung tâm đang quản lý hơn 10.426ha, cùng lúc thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, hiện trung tâm đang cứu hộ 70 cá thể động vật hoang dã. Công việc này thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất cũng như nhân sự hiện có của đơn vị.
Hiện tại, diện tích đất để làm chuồng trại, khu cứu hộ tạm thời chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết, chưa đảm bảo được an toàn cho người và động vật hoang dã. Trung tâm đã có kế hoạch xin cấp đất khoảng 40ha đất để làm khu cứu hộ, tuy nhiên đang chờ phê duyệt.
"Cứu hộ động vật hoang dã là lĩnh vực mới, anh em vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, kỹ năng", ông Vĩnh nói.
Trong số 105 cá thể thú rừng quý hiếm được cứu hộ, chăm sóc trong 3 năm qua, đến nay Phòng cứu hộ động vật hoang dã đã thả 24 cá thể như mèo rừng, cầy vòi hương, kỳ đà vân, cầy vòi mốc, trăn đất, khỉ đuôi dài, chồn bạc má… về với tự nhiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận