Xã hội

Những “bà mối” đặc biệt ở Rào Tre

25/12/2022, 06:29

Nhiều cán bộ chiến sỹ thành “bà mối” để kết duyên cho những chàng trai, cô gái tộc Chứt lấy người ngoài bản, xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, những chiến sỹ biên phòng ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) còn làm “bà mối” cho những thanh niên đến tuổi dựng vợ, gả chồng với người ngoài bản để từng bước xóa bỏ tục hôn nhân cận huyết.

Mang bệnh tật vì hủ tục lạc hậu

img

Những chiến sỹ quân hàm xanh ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương thì họ còn là những “ông tơ bà mối”

Những ngày cuối năm 2022, trong tiết trời buốt lạnh, PV Báo Giao thông tìm về bản Rào Tre, xã Hương Liên – nơi có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Sau 30 năm được lực lượng biên phòng phát hiện sinh sống ở rừng già và được đưa về bản, hòa nhập với cộng đồng, đời sống của bà con dân tộc Chứt có nhiều đổi thay.

Trung tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn biên phòng Bản Giàng, huyện Hương Khê cho biết, đồn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 19,3km thuộc huyện Hương Khê, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội 3 xã biên phòng (Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh).

Ngoài nhiệm vụ chính là tuần tra, canh gác tuyến biên giới, những người lính quân hàm xanh ở miền biên viễn Hà Tĩnh còn giúp người dân tộc Chứt hòa nhập tốt với cộng đồng. Đặc biệt, nhiều cán bộ chiến sỹ đã trở thành “bà mối” để kết duyên cho những chàng trai, cô gái tộc Chứt lấy người ngoài bản, xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết lạc hậu.

Theo Trung tá Khánh, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre với 41 hộ, 146 khẩu, là dân tộc có nguy cơ bị tuyệt chủng, được đơn vị phát hiện vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới. Sau đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã đưa 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào về định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên.

Dân tộc Chứt trước đây sống du canh, du cư, đói khổ quanh năm, có nhiều hủ tục, cả bản không ai biết chữ, 50% người dân trong bản mắc bệnh lao và các dị tật của nạn hôn nhân cận huyết thống.

Do sống giữa rừng già, quanh quẩn không tiếp xúc với ai, nên trước đây, việc hôn nhân của đồng bào dân tộc Chứt rất đơn giản. Khi chàng trai thích cô gái nào trong bản chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói sang nhà cô gái ở cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau, bất kể việc đôi trai gái đó cùng chung một dòng máu.

Khi bộ đội sắm vai “bà mối”

img

Những đứa trẻ thế hệ nối tiếp của đồng bào dân tộc Chứt khỏe mạnh, được ăn học đàng hoàng

Những đứa trẻ sinh ra từ cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết ấy đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật.

Những cặp vợ chồng con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác đã sinh ra những cháu bé bệnh tật. Đứa thì bị teo và dị tật chân, đứa thì thiểu năng trí tuệ, bị bệnh tim, nhiều cháu mất sớm...

Hôn nhân cận huyết khiến nguy cơ suy thoái dân tộc Chứt cận kề. “Vận động bà con xóa bỏ tập tục này là cả một quá trình dài”, Trung tá Khánh nói.

Chính vì thế, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền vận động, bộ đội biên phòng phải lặn lội sang tận huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) – nơi có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống để đặt vấn đề mai mối.

Với sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể khác, hoạt động giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình cũng được tổ chức tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, bộ đội biên phòng và các đoàn thể, từ năm 2015 đến nay, đã có 8 đám cưới có dâu, rể ngoài bản Rào Tre, góp phần chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt ở nơi này.

Nỗi lo thừa nam, thiếu nữ

PV đến thăm gia đình chị Hồ Thị Đình Xuân, cặp đôi có chồng người Kinh, vợ người Chứt đã được bộ đội biên phòng đứng ra tổ chức đám cưới vào năm 2015.

Không giấu được niềm vui, chị Xuân chia sẻ: “Vợ chồng em cùng với 10 hộ khác về nhận nhà tại bản mới này đã được gần năm nay rồi. Khi cưới, chúng em được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm ăn, nay lại được Nhà nước xây tặng một ngôi nhà khang trang để ở. Chúng em vui và biết ơn Nhà nước, biết ơn bộ đội lắm”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ Biên phòng Rào Tre cho biết, nằm trong đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre, việc xây dựng 11 ngôi nhà ở bản mới để giãn dân đã được chính quyền hoàn thành, bàn giao cho 11 hộ thuộc diện mới kết hôn chưa có nhà ở, hoặc nhà tạm chưa đảm bảo ở bản cũ lên định cư tại bản mới.

Tại bản mới, ngoài được cấp nhà (mỗi căn hơn 200 triệu đồng), các hộ dân nơi đây còn được cấp gần 2ha đất rừng để trồng keo.

Đến nay, đã có 6 hộ nhận đất trồng cây, những hộ còn lại đang tiếp tục được bàn giao. Còn ở bản cũ, tháng 8/2017, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh cũng đã làm 6 ngôi nhà tặng những hộ khó khăn, nhà ở hư hỏng trị giá mỗi căn là 200 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, nhờ nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích trai, gái trong bản lấy người Kinh hoặc người ở bản Cà Xèng ở xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, nên từ năm 2015 đến nay, đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

“Thời gian qua, có 5 cặp kết hôn với người Kinh thì 4 trường hợp là gái bản lấy trai Kinh. Việc trai bản lấy được các cô gái người Kinh hoặc gái ở bản khác là rất khó vì họ hay “chê” trai bản, mà trai bản sang tìm hiểu ở Quảng Bình thì đường xa”, ông Sánh nói và cho hay, tuy tình trạng hôn nhân cận huyết đang dần được xóa bỏ nhưng ở Rào Tre hiện nay nổi lên tình trạng mất cân bằng giới tính, nam nhiều gấp 3 lần nữ nên thời gian tới, hôn nhân cận huyết có thể sẽ tái diễn.

Ông Sánh cũng cho biết, xã đã nhiều lần đề xuất làm một con đường dài khoảng 15km xuyên giữa rừng nối bản Rào Tre với xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cà Xèng.

“Việc người dân tộc thiểu số dễ nói chuyện, giao lưu với nhau rồi tiến tới hôn nhân là dễ dàng hơn so với lấy người tộc khác”, ông Sánh nói.

Từ tháng 9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến năm 2020.

Theo đó, để khuyến khích hỗ trợ người Kinh và các dân tộc khác kết hôn với người dân tộc Chứt, mỗi cặp vợ chồng ngoại dân tộc cưới nhau sẽ được tỉnh cấp đất phục vụ sinh hoạt, canh tác và hỗ trợ tiền mặt 30 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ 20 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.