Thời sự

Những bài học “đau xót” của báo chí

20/06/2018, 09:30

“Cảnh báo” sai về mật ong hay “nỗi oan” trái vải, gần đây nhất là “cà phê pin”...khiến người nông dân điêu đứng.

12

Việc thông tin “cà phê pin” vội vàng, thiếu phân tích đã khiến nhiều người trồng cà phê điêu đứng

Báo chí vội vàng, người trồng cà phê muốn khóc

Một ngày giữa tháng 4, cả nước rúng động bởi thông tin đăng tải trên các trang báo về việc cơ quan điều tra phát hiện cà phê trộn lõi pin tại Đắk Nông. Tiếp đó, hàng loạt thông tin đào sâu cảnh báo việc dùng “cà phê pin có thể gây… mất trí nhớ”, khiến người tiêu dùng hoang mang, cơ quan quản lý bất ngờ… Thế nhưng, 10 ngày sau, cơ quan công an điều tra họp báo khẳng định không phải cơ sở sản xuất “cà phê pin” mà là tạp chất trộn vỏ cà phê, sỏi đá với dung dịch nước pha bột pin để trộn vào tiêu khô cho… tăng cân. Thế nhưng, không dừng lại ở đây, truyền thông lại quay sang phản ánh “tiêu pin”. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, hai nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều mang tai tiếng, người tiêu dùng hoang mang lo sợ. Hơn một tháng sau, Bộ NN&PTNT mới công bố thông tin xác minh 3 tấn vỏ cà phê trộn nước lõi pin nhằm mục đích bán cho cơ sở sản xuất tiêu khô. Kết quả xác minh cũng khẳng định, số tiêu nói trên chưa được bán trực tiếp cho người tiêu dùng hay xuất khẩu.

Nhắc lại thời gian sóng gió trên đến với bà con trồng cà phê, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Thanh Danh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông cho hay: “Người dùng cà phê giảm xuống, người nông dân trồng cà phê rất hoang mang vì không biết có tiêu thụ được không. Anh chị em tôi cũng trồng cà phê, tất cả rất buồn, chỉ muốn khóc. May mắn là thông tin này sau đó đã được “giải oan” nhưng không phải ai cũng theo dõi thông tin đính chính. Báo giới quốc tế cũng vậy nên ít nhiều làm ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê của Việt Nam. Chúng ta cũng không loại trừ yếu tố, nhiều đối tác cạnh tranh với Việt Nam trên thế giới có thể lợi dụng thông tin này nhằm đẩy thông tin “cà phê pin” lên nhằm hạ thấp uy tín của cà phê Việt”.

Đích thân ông Danh cũng đã có cuộc làm việc tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, nơi xảy ra vụ việc, yêu cầu địa phương báo cáo. “Bên cạnh người phát ra tin chưa chuẩn xác, cơ quan báo chí có phần vội vàng khi chưa kịp điều tra, tìm hiểu đầy đủ đã đăng tải. Cơ quan truyền thông cũng cần chịu trách nhiệm về thông tin của mình, bởi điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Danh nhận định.

Tương tự, bà Tôn Ngọc Hạnh, Bí thư Đảng ủy tỉnh đoàn Bình Phước khẳng định, thông tin “tiêu trộn pin” từ một trường hợp cá biệt đã ảnh hưởng tới toàn cục, gây thiệt hại kinh tế lớn. Cụ thể, ngay sau khi thông tin “tiêu trộn pin” đưa ra, giá tiêu tiếp tục “tuột” theo đà giảm xuống từ đầu năm 2018. Mức giá trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi mức giá cao nhất của năm 2017 là 200.000 đồng/kg.

13

Thông tin chè Thái Nguyên tẩm hóa chất, trộn bùn đất đã từng khiến người nông dân điêu đứng

Thương hiệu xây khó, phá chỉ mất mấy giây

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM bày tỏ bức xúc: “Trong vụ cà phê pin vừa qua, chúng ta thấy cần có đầu mối cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm thông tin tuyên truyền, tránh để một số phóng viên nóng vội, cơ quan công an chưa điều tra xong đã giật tít “ầm ầm” là cà phê pin, sau đó là tiêu có pin. Chúng ta có thể vô ý sa đà vào ý đồ phá hoại của những thế lực nào đó. Đáng nói, đây không phải lần đầu, vụ nước mắm nhiễm asen, vụ trà Thái Nguyên trộn đất đá vào để phá hoại thương hiệu... Tôi xin nói rằng, xây dựng một thương hiệu rất khó, nhưng phá nó chỉ mấy giây thôi. Chúng ta không lường trước được hậu quả gây ra sau đó”.

Vụ việc “cà phê pin” cần phải rút kinh nghiệm về sự hợp tác giữa cơ quan truyền thông và cơ quan điều tra để tránh việc tự động khai thác, đưa ra những thông tin định hướng dư luận không tốt.

Khi vụ việc xảy ra, báo chí đưa tin nhanh là ưu điểm để thúc đẩy các cơ quan công quyền vào cuộc và đưa ra kết luận. Nhưng giới truyền thông phải có trách nhiệm với thông tin của mình. Một mặt muốn có thông tin nhanh, nhưng cũng phải cạnh tranh về độ chính xác và lương tâm đối với công chúng. Nhiều trường hợp mới đây chỉ có nhanh chứ chính xác lại chưa được quan tâm.

Trong luật đã quy định, nếu đưa thông tin sai gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài xử lý hành chính có thể khởi tố hình sự.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Nhận định về tác nghiệp trong vụ cà phê pin vừa qua, nhà báo Lê Thanh Phong cho rằng, giới truyền thông đã đi quá đà, khiến người dân hiểu không đúng bản chất sự việc, hậu quả là người rang xay cà phê và nông dân trồng cà phê gánh chịu. “Để nhuộm đen cà phê, có nhiều cách, không ai dại dột dùng lõi pin có mùi hôi và chi phí cao. Tại hiện trường, cơ sở chế biến dùng lõi pin trộn với vỏ cà phê để làm gì chưa rõ, nhưng không có chứng cứ cho thấy trộn với hạt cà phê. Cho nên khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra, cần sự bình tĩnh quan sát hơn là khẳng định vội vàng… Một đồn mười, mười đồn trăm, cà phê bị quay lưng, ngành cà phê bị ảnh hưởng, bà con nông dân gặp khó khăn, xuất khẩu cà phê cũng bị ảnh hưởng”.

Theo ông Phong, truyền thông không thể vì bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước mà thỏa hiệp với thực phẩm bẩn, lừa dối người tiêu dùng, nhưng cũng không vì quá “tự ti mặc cảm” về hàng nội địa, để thổi phồng một vụ việc không đáng có. Nhắc lại những thông tin từng khiến nông dân Việt điêu đứng như sầu riêng, bưởi, thậm chí trứng gà nhiễm chất gây ung thư; hay xoài bọc nylon có nguồn gốc từ Trung Quốc…; ông Phong nhấn mạnh: “Nông sản hay thực phẩm chế biến của Việt Nam đứng vững trên thị trường là rất khó khăn, xuất khẩu lại càng gian nan. Cho nên hãy tiếp sức cho sản phẩm của Việt Nam trước hết là đối xử công bằng về mặt thông tin”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Luật Báo chí hay 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đều quy định rất rõ: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, gây tổn hại tới cộng đồng, lợi ích của tập thể, quốc gia và dân tộc. Tuy nhiên, trong thời buổi xã hội thông tin nhanh nhạy, “xã hội tia chớp”, ai có thông tin trước người đó thắng. Không ít nhà báo chưa làm đúng quy trình tác nghiệp, chưa cẩn trọng trong thông tin, chưa xác định được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. “Nguy hiểm hơn, khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội, nhiều phóng viên nhận thức chưa đủ chín, vội vàng đưa tin không kiểm chứng. Trong khi đó, quy trình rà soát tin bài của một số tòa soạn lại chưa chặt chẽ, cũng góp phần đẩy “nóng” vấn đề thông qua cách giật tít giật gân câu khách”, ông Minh phân tích.

Theo ông Minh, song song với những đợt tập huấn nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đang dự định xây dựng quy trình tác nghiệp thông tin chuẩn cho phóng viên nhằm giảm thiểu những “lỗi ngớ ngẩn” hay “tai nạn nghề” không đáng có. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.