Xã hội

Những bệnh viện nào ở TP.HCM mua kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á?

Theo HCDC, đơn vị không mua kit xét nghiệm, không sử dụng và cũng không hợp tác với công ty Việt Á.

Chiều 23/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch.

Trả lời câu hỏi liên quan đến công tác kiểm tra giám sát trước vụ việc công ty Việt Á nâng giá bộ xét nghiệm, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu công an TP.HCM cho biết, công an TP.HCM luôn thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch.

Theo ông Hà, công an thành phố cũng là đơn vị đầu tiên phát hiện xử lý hình sự đối với việc tham ô, lợi dụng chức vụ để trục lợi về thuốc, tiêm ngừa vaccine.

Công an thành phố đã khởi tố 18 vụ việc liên quan đến sản xuất vật tư y tế giả, lợi dụng chức vụ để trục lợi, tham ô tài sản, lừa đảo mua bán vật tư y tế giả…

"Hiện công an thành phố đang phối hợp với Sở Y tế nắm bắt tình hình về công tác mua sắm trang thiết bị y tế trong đợt dịch vừa qua", ông Hà cho biết.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc TP.HCM có mua xét nghiệm nhanh của công ty Việt Á? Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, diễn biến dịch phức tạp, công ty Việt Á gửi đơn chào hàng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM( HCDC) đề nghị tham gia mở rộng xét nghiệm.

Văn bản trả lời của Sở y tế, cho phép chủ trương công ty Việt Á phối hợp với địa phương triển khai xét nghiệm nhằm mở rộng năng lực sàng lọc người mắc Covid-19. Như vậy, TP.HCM có thể kiểm tra, chẩn đoán nhanh hơn đối tượng mắc bệnh.

img

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM trả lời họp báo

Tại thời điểm đó, công ty Việt Á đặt máy tại cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đưa sinh phẩm vào để giúp TP.HCM. Tiếp đến, Tập đoàn Vingroup đã đề nghị trả hết toàn bộ phí công ty Việt Á đã làm cho TP.HCM và được chấp thuận. Vì vậy, TP.HCM không tham gia mua sắm trang thiết bị cũng như vật tư liên quan vụ việc, bà Mai khẳng định", bà Mai khẳng định.

Cũng theo bà Mai, thời điểm dịch bệnh phức tạp, thành phố có chủ trương tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên đến 500.000 mẫu/ngày. Việc tận dụng tối đa năng lực xét nghiệm tất cả bệnh viện có khả năng xét nghiệm là điều cần thiết trong lúc này.

Bà Mai cho biết thêm, đến ngày 23/12, Sở Y tế TP.HCM xác định 2 bệnh viện đã mua sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm Covid-19 của công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Cụ thể, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua hơn 1.200 test với tổng số tiền hơn 636.000.000 đồng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Bệnh viện TP.Thủ Đức mua gần 66.000 test với tổng giá trị hơn 32.000.000.000 đồng bằng hình thức chỉ định thầu.

Về kết quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao sau 15 ngày triển khai, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết, tính đến 22/12, TP.HCM đã lập danh sách hơn 584.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Trong đó, hơn 41.000 người tiêm một mũi vaccine (7,1%) và hơn 500.000 người tiêm 2 mũi vaccine (88,7%).

Để tầm soát nhóm này, ngành y tế đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm với tổng số hơn 700.000 lượt (có trường hợp xét nghiệm hơn một lần). Trong đó, hơn 700.000 lượt âm tính (chiếm 99,47%). Gần 4.000 lượt dương tính (chiếm 0,53%).

Cũng tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, thành phố chuẩn bị kết thúc tuần thứ 2 dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9, lớp 12. Sau khi hoàn thành, các địa phương sẽ báo cáo kết quả về thành phố.

"Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch, tuần sau, hai sở sẽ có báo cáo, đề xuất lãnh đạo TP.HCM về việc tổ chức dạy học trực tiếp từ 3/1/2022", ông Trọng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.