Pháp luật

Những bi kịch gia đình vì bẫy lừa Liên Kết Việt

25/12/2020, 06:29

Liên Kết Việt đã lôi kéo tới 68.000 người tham gia. Từ đây, hàng vạn bi kịch đã xảy ra đối với những nạn nhân nhẹ dạ cả tin.

img

Với việc mời 6.000 bị hại, phiên tòa xử vụ Liên Kết Việt là kỷ lục số bị hại trong 1 vụ án

Công ty Liên Kết Việt ra đời và hoạt động rầm rộ khi “trào lưu” bán hàng đa cấp đã thoái trào với các vụ lừa tiền của nhiều trùm đa cấp. Thế nhưng, với chiêu bài mạo danh “doanh nghiệp quốc phòng”, Liên Kết Việt đã lôi kéo tới 68.000 người tham gia. Từ đây, hàng vạn bi kịch đã xảy ra đối với những nạn nhân nhẹ dạ cả tin.

Vay lãi, dốc tiền dành dụm để tham gia

Từ ngày 21/12, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên Kết Việt. Hơn 6.000 bị hại trong tổng số 68.000 nạn nhân được mời đến đã khiến phiên tòa lập kỷ lục về số lượng bị hại trong 1 vụ án.

Những ngày đông rét mướt, nhìn cảnh những bị hại của vụ án, đa phần là người lớn tuổi, hưu trí lặn lội đi từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung rồi các tỉnh duyên hải Bắc Bộ tới dự phiên, nhiều người không khỏi ái ngại.

Chỉ vì tin theo những lời hứa hẹn, những chiêu bài “làm màu” của Liên Kết Việt, biết bao người đã dốc những đồng tiền dành dụm cả đời để dưỡng già, để lo bệnh tật, thậm chí vay mượn khắp nơi, mà đa phần là vay của những người thân quen để rồi dẫn đến bi kịch tiền mất, mâu thuẫn gia đình chồng chất, tan cửa nát nhà…

Đã 4 năm trôi qua, người thân của bà T. (ở phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vẫn rơi nước mắt khi kể cảnh bà T. sống khốn khổ trong những ngày cuối đời. Bà giấu gia đình cắm nhà, vay lãi “nóng” 1,5 tỷ đồng để đổ tiền vào mạng lưới kinh doanh đa cấp mang tên Liên Kết Việt.

Khi mạng lưới đa cấp này bị bóc trần thủ đoạn, cả dàn lãnh đạo Liên Kết Việt bị bắt giam, bà T. nợ nần chồng chất, hàng ngày bị chủ nợ đến đòi. Bà đã phải trốn chui trốn lủi và ra đi vì một cơn xuất huyết não.

Ngồi thất thần trong căn nhà tập thể rộng chỉ hơn 20m2 ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, bà N.T.T chia sẻ về bi kịch mang tên Liên Kết Việt của mình.

“Tôi ốm đau liên miên, có hơn 200 triệu đồng tiết kiệm nhưng không dám lấy ra chữa bệnh vì phải nuôi đứa cháu côi cút mà mẹ nó bỏ lại. Thế mà, nghe lời theo bọn chúng, bây giờ tôi trắng tay. Không những thế, tôi còn kéo theo người em của mình tham gia vào để rồi giờ đây bị cả gia đình chì chiết khổ sở, còn bản thân day dứt, dằn vặt”, bà N.T.T buồn bã kể.

Theo lời bà T, ban đầu nghe mấy người bạn hưu trí trong khu tập thể nói có công ty Liên Kết Việt chuyên bán sản phẩm bảo vệ sức khỏe, được hưởng tỷ lệ hoa hồng cao, bà chưa tin ngay.

Nhưng bà bị nhân viên Công ty Liên Kết Việt dụ dỗ rằng, chỉ cần ký hợp đồng góp tiền mua sản phẩm với “công ty của Bộ Quốc phòng” rồi “ngồi một chỗ thu tiền”, bà đã đóng luôn 10 “mã”, tổng cộng 86 triệu đồng cho Công ty Liên Kết Việt với lời hứa được hưởng lợi 25 triệu đồng/tháng.

Sau khi bà T. ký hợp đồng xong, phía Liên Kết Việt lại dụ dỗ bà “tiền sẽ tiếp tục nhân lên nếu mở rộng được “chi nhánh” của mình”.

Bị dụ bởi lời ngon ngọt, bà như con thiêu thân, về nhà còn hơn 200 triệu đồng mang ra nộp nốt, vận động cả em gái góa bụa gửi tiền bà giữ giúp để đóng tiếp 3 nhánh gồm 40 “mã”.

Với 50 “mã” đóng vào số tiền 500 triệu đồng, bà T. được “cắt” ngay thưởng là 100 triệu đồng. Vài lần sau, bà cũng được trả lãi nhưng sau đó thì “tịt” hẳn.

Số còn lại là hơn 300 triệu đồng coi như mất trắng. Bây giờ, ốm đau, bệnh tật không có tiền chữa, đứa cháu mồ côi không biết dựa vào ai, bà như điên dại, chỉ biết tự trách mình.

Có những nông dân giấu gia đình bán nhà, vay nặng lãi đầu tư vào Liên Kết Việt; rất nhiều người ham làm giàu, nghe những lời đường mật mà lôi kéo từ anh em, họ hàng, người thân vào “hệ thống” với hy vọng được hưởng hoa hồng cao. Cuối cùng, bản thân họ mất tiền, họ phải ôm vào người món nợ khổng lồ rồi bị người thân xa lánh, gằn hắt, sống trong dằn vặt.

Những chiêu lừa đảo tinh vi

img

Bị cáo Lê Xuân Giang

“Bọn chúng nói là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Ai cũng nghĩ doanh nghiệp Bộ Quốc phòng thì chẳng bao giờ đi lừa đảo. Ai ngờ chúng mạo danh cả quân đội, làm giả cả bằng khen Thủ tướng”, ông Nguyễn Văn Hải, một cựu chiến binh, đồng thời là nạn nhân của Liên Kết Việt chia sẻ.

Viện Kiểm sát đã đề nghị các bị cáo là lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt gồm: Lê Xuân Giang (49 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty) tù chung thân; Lê Văn Tú (35 tuổi, Tổng giám đốc) 19 - 20 năm tù; Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi, Phó tổng giám đốc) 17 - 19 năm tù.
4 bị cáo còn lại là thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty CP Liên Kết Việt, gồm: Lê Thanh Sơn (32 tuổi) 14 - 15 năm tù, Trịnh Xuân Sáng (45 tuổi) 15 - 16 năm tù, Nguyễn Xuân Trường (53 tuổi) 12 - 13 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung (46 tuổi) 12 - 13 năm tù.
Viện Kiểm sát đề nghị Giang buộc phải bồi thường hơn 800 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền hơn 390 tỷ đồng chiếm đoạt.


Ông Bùi Văn Đông, ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn kể, năm 2014, ông được một người cùng làng rủ xuống Hà Nội tham dự một sự kiện của Liên Kết Việt với lời mời chào: “Có mất gì đâu, họ đưa xe đến đón, được ở khách sạn 5 sao Hà Nội miễn phí”.

Khi tới dự sự kiện của Liên Kết Việt ở khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, ông thực sự choáng ngợp bởi khắp nơi treo bằng khen của Thủ tướng, rồi đủ loại cờ thi đua, bằng khen, cúp, hình ảnh lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt mặc quân phục với quân hàm cấp tướng, tá...

“Hồi đó họ tổ chức tri ân khách hàng, có người được tặng ô tô, xe máy, có người nhận cả chồng tiền, phải mang bao tải ra đựng khiến chúng tôi choáng ngợp”, ông Đông cho hay.

Theo Viện Kiểm sát, Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động.

Giang cùng đồng phạm đã giới thiệu Liên Kết Việt là công ty con của BQP, BQP là công ty của Bộ Quốc phòng; Giang và các lãnh đạo công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương… Lê Xuân Giang thường xuyên mặc quân phục mang hàm Đại tá trong các sự kiện.

Sau này cơ quan điều tra xác định Giang từng có thời gian ngắn công tác trong quân đội và mới có cấp hàm chuẩn úy thì về phục viên. Vậy nhưng Giang đã mua những bộ quân phục, ve hàm Đại tá ở phố Lý Nam Đế để trưng diện.

Để Công ty Liên Kết Việt càng giống doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Giang đã đến gặp một số người trước đây anh ta từng công tác cùng trong quân ngũ, giờ nghỉ hưu, mời về làm hoặc tham dự các sự kiện của Công ty Liên Kết Việt.

Những người này, phần nhiều tưởng Giang và công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, lại được Giang động viên mặc quân phục đến dự cho “uy” giống Giang nên cứ thế theo.

Liều lĩnh hơn, Giang đã liên hệ với một nhà sư ở TP.HCM làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rổi tổ chức lễ đón tiếp rầm rộ, mời hàng nghìn người tới chứng kiến. Với thủ đoạn nêu trên, Giang và đồng phạm đã lừa 68.000 người dính bẫy kinh doanh đa cấp gây nên những bi kịch đau đớn cho hàng nghìn gia đình.

Theo luật sư Bùi Văn Long (Đoàn luật sư Hà Nội): Về nguyên tắc các đối tượng phải thi hành án, bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại. Tuy vậy, các nạn nhân của vụ án không có nhiều hy vọng lấy lại được số tiền đã bị lừa bởi tài sản đã bị tẩu tán, các đối tượng chịu án phạt tù nhiều năm. Riêng với số tiền 130 tỷ đồng cơ quan chức năng thu được trong tài khoản của công ty và cá nhân Giang, cơ quan thi hành án sẽ lên phương án bồi thường. Tuy vậy số lượng người bị hại quá lớn, nếu chia đều cho số bị hại thì mỗi người cũng chẳng được đáng bao nhiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.