Xã hội

Những “bông hồng” nơi đầu “tuyến lửa” dập dịch Covid-19 ở xứ Nghệ

25/06/2021, 14:32

Tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã và đang sống lại trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 ở xứ Nghệ.

img

Những "bông hồng" nơi tuyến lửa dập dịch ở Nghệ An

Chỉ mong khỏe liền để kịp vào “mặt trận”

Đã gần 22h đêm nhưng điều dưỡng Lưu Thị Thỏa (28 tuổi, ở Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa thể chợp mắt. Kể từ 0h ngày 24/6/2021, trung tâm tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh để trưng dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Chị Thỏa vinh dự được chọn cùng với 69/136 cán bộ, y bác sĩ của trung tâm “tham chiến” với virus Corona trong trận đánh đầu.

Cả ngày (24/6), chị Thỏa cùng với các chị em trong trung tâm tranh thủ “xuống tóc” và chuẩn bị tư trang, phòng hộ cá nhân. Tối, tranh thủ thời gian ít ỏi còn ở nhà, chị dốc bầu tâm sự, dặn dò con nhỏ chưa đầy ba tuổi trước khi bước vào “cuộc chiến”.

“Thời gian điều trị bệnh nhân kéo dài bao lâu vẫn chưa ai dám khẳng định. Theo quy định, sau khi bệnh viện dã chiến giải tán, các y bác sĩ phải thực hiện cách ly 21 ngày nữa mới được về nhà", chị Thỏa có chút hồi hộp xen lẫn niềm tự hào.

Không chỉ mình chị Thỏa có cảm xúc này, trong tổng số 70 cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên được chọn lựa phục vụ bệnh viện dã chiến thì có hơn một nửa là nữ giới. Mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau.

Người thì chồng là quân nhân cũng trực chiến 100% quân số, phải mang con đi gửi, bốn người ở ba nơi như chị Mai Hương - Khoa Xét nghiệm. Có người thì cả 2 vợ chồng đều làm trong ngành Y tế, dù không cùng bệnh viện nhưng đặc thù công việc, hai con cũng phải nhờ nội - ngoại như bác sĩ Hà khoa Nội…

Thế nhưng, không một ai kêu ca hay chùn bước, tất cả đều vui vẻ nhận nhiệm vụ. Có người còn lo không kịp phục hồi sức khỏe để vào “mặt trận”, như trường hợp kỹ thuật viên Đặng Thị Tĩnh - Khoa Xét nghiệm. Ròng rã một tuần qua, chị Tĩnh theo đoàn đi lấy mẫu, đến hôm qua (24/6) phải truyền nước vì quá mệt. Ấy vậy mà mong ước lớn nhất của chị lúc này là “truyền xong khỏe liền để còn nhận nhiệm vụ phục vụ bệnh viện dã chiến”.

Cũng giống như những cô gái ở Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, những ngày qua, hàng ngàn nữ y bác sĩ từ tuyến y tế phường xã cho đến bệnh viện cấp tỉnh ở Nghệ An hay những chiến sĩ Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, những bạn đoàn viên thanh niên, những chị ở hội phụ nữ... đã và đang có mặt trong các “mặt trận”. Họ đang ngày đêm chiến đấu với kẻ thù không hình mang tên Covid-19 với một tinh thần “Tất cả vì sức khỏe của Nhân dân”.

Trong số đó có thể kể đến những người mẹ, người chị, người em công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Ngay khi tỉnh bạn Hà Tĩnh “lâm nguy”, có đề xuất, họ đã liền xung phong lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh bạn. Dịch ở tỉnh bạn vừa ổn định, họ lại nhanh chóng quay về xông vào “tuyến lửa” quê nhà… dù đã nhiều ngày chưa thấy mặt chồng, mặt con.

img

Các nữ kĩ thuật viên trong phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm Trung tâm CDC tỉnh Nghệ An tự tin thực hiện các thao tác chuyên môn không thua kém đấng mày râu (Ảnh Sỹ Hòa)

“Anh hùng đâu há phải mày râu”

Trái ngược với thân hình mảnh mai của một thiếu nữ, cô giáo Nguyễn Thị Thảo Sâm (27 tuổi, ở Trường Mầm non Việt Lào, phường Trung Đô, TP Vinh) trông rắn rỏi, đĩnh đạc dưới ánh đèn điện lúc 23h khuya. Nhiệm vụ của chị và các bạn đoàn viên tại chốt phong tỏa cầu Bến Thủy 2 là kiểm tra thân nhiệt và ghi tờ khai y tế đối với các trường hợp được đi vào TP Vinh.

Ngoài ra, ở chốt còn có một lối nhỏ nên những lúc cao điểm, các chị tăng cường kiểm soát người ra vào lối này. Những lúc rảnh rỗi, Thảo Sâm cùng các bạn đoàn viên tại chốt lại hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ công an công việc hậu cần; nói chuyện động viên giúp các anh quên bớt mệt mỏi, nắng nóng. Sự xuất hiện của những cô gái khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện như một làn gió mát, thổi bay đi cái nắng nóng như rang ở “chảo lửa” thành Vinh những ngày qua.

Thảo Sâm tự tin chia sẻ, lúc đầu mới nhận nhiệm vụ chị có chút hồi hộp, lo lắng vì phải tiếp xúc rất nhiều người, mà không biết trong đó có F0, F1 hay không. Chưa kể thân gái một mình đi lại trên đường vắng, đêm khuya. Khi bắt tay vào làm, cảm nhận hết sự vất vả của các lực lượng và tình cảm của nhân dân dành cho tuyến đầu chống dịch, chị càng quyết tâm và cố gắng hơn.

“Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên; Chẳng có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên… mà anh”, Thảo Sâm nói.

Bình thường làm ở bộ phận siêu âm chăm sóc sức khỏe của CDC tỉnh Nghệ An, từ ngày 14/6, dịch diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Ngân Hoa (40 tuổi) được tăng cường sang Phòng Xét nghiệm. Chồng làm doanh nghiệp, đang trong thời gian giãn cách nên cũng ăn, nghỉ trong nhà máy. 3 con nhỏ (học lớp 8, lớp 5 và 4 tuổi), chị Hoa quyết định gửi chị gái chồng chăm sóc để an tâm công tác.

Gác lại mọi lo toan, hơn 10 ngày qua, chị Hoa cùng 6 nữ, 2 nam đồng nghiệp vẫn âm thầm đứng trong phòng tách chiết (nơi được được cho là “bẩn” nhất vì tiếp xúc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân) cả ngày lẫn đêm.

Dù là nữ nhưng các chị không một chút rụt rè, e ngại hay thua kém gì 2 đồng nghiệp nam. Các chị chủ động, tự tin làm các thao tác chuyên môn, điều khiển những bộ máy hiện đại nhất thế giới nghe theo mình một cách thuần thục và nhanh nhất. Có những ngày đêm, chị Hoa và đồng nghiệp đã chạy đến 47.000 mẫu bệnh phẩm.

Trên các “mặt trận” khác, những nữ chiến binh ở xứ Nghệ đã và đang hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với tinh thần nhanh nhất, khẩn trương nhất. Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Vân, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh - nữ thủ lĩnh của 80 chiến sĩ (trong đó có tới 60 nữ) xung phong vào tuyến đầu sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh có lệnh “tổng động viên” xét nghiệm toàn TP Vinh không giấu hết niềm tự hào: Là phận gái, chân yếu tay mềm, nhưng trong nhiều đêm thức trắng lấy mẫu trong cộng đồng các y bác sĩ nữ chưa một phút thua kém các đấng mày râu.

“Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho đến thời kỳ của Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… đã chứng minh “anh hùng đâu há phải mày râu”. Hôm nay và mãi mai sau cũng vậy!”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

>>> Một số hình ảnh về những “bông hồng” nơi đầu “tuyến lửa” dập dịch ở xứ Nghệ:

img

Những nữ y bác sĩ Trung Trâm Y tế huyện Hưng Nguyên cắt ngắn mái tóc dài để thuận tiện hơn khi vào "chiến trường" chống dịch Covid-19 (Ảnh Cao Nhung)

img

Một nữ chiến sĩ Cảnh sát Cơ động Công an Nghệ An đang phơi mình dưới cái nắng đổ lửa để bảo vệ chốt phong tỏa (Ảnh CTV)

img

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thảo Sâm tự tin hoàn thành nhiệm vụ tại chốt phong tỏa cầu Bến Thủy 2 dù đã 23h khuya (Ảnh Sỹ Hòa)

img

Một nữ kỹ thuật viên tại Trung tâm CDC Nghệ An tự tin vận hành các loại máy móc hiện đại nhất thế giới (Ảnh Sỹ Hòa)

img

Các nữ y bác sĩ ở Nghệ An vẫn đang miệt mài lấy mẫu trong cộng đồng khi trời đã về sáng (Ảnh Thành Từ).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.