Xem - ăn - chơi

Những ca khúc có tựa đề dài như... “sớ táo quân”

03/05/2018, 07:38

Không chỉ còn là sự cô đọng, chắt chiu câu từ để tạo ra một tựa đề khúc triết nhất, nhiều ca khúc...

22

Bài hát của Chi Pu thường có tên viết tắt được ưu ái sử dụng hơn

Tựa đề dài như viết sớ

Trên sân khấu Lễ trao giải âm nhạc Cống hiến 2017, nhà báo Lại Văn Sâm đã thẳng thắn cho biết, anh thích những bài hát dễ nhớ tên. Anh cũng bày tỏ nguyện vọng các nhạc sĩ đừng đặt tên quá dài cho bài hát của mình. Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng điều đó phần nào cũng cho thấy xu hướng sáng tác của nhiều nhạc sĩ ngày nay, với những bài hát có những cái tên dài miên man thời gian qua như: Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau, Mình yêu nhau yêu nhau bình yên thôi, Trái đất tròn không gì là không thể, Sau khi chia tay thì phải làm gì?...

Có thể nói, với một ca khúc, không chỉ là giai điệu, ca từ mà tựa đề cũng có tầm quan trọng rất lớn. Tựa đề chính là sự cô đọng ý nghĩa của bài hát, thường được nhạc sĩ chắt chiu ý tưởng sao cho cái tên vừa có thông tin vừa dễ nhớ và dễ thu hút người nghe nhất. Bởi thế, những tựa đề dài 3-5 chữ thường được các nhạc sĩ lựa chọn.

"Có bài tên rất dài, dễ gây chú ý mà nghe không nổi bật, người ta sẽ nhanh chóng quên và chẳng đọng lại điều gì. Có bài dù tên ngắn, thậm chí “không tên” vẫn để lại ấn tượng”.

Nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc

Thế nhưng, trong sự phát triển của âm nhạc đại chúng hiện nay, những bài hát có cái tên dài lại dễ thu hút sự chú ý của giới trẻ. Nhiều bài hát thậm chí khi đưa ra, ca sĩ còn phải viết tắt đằng sau để dễ phổ biến. Đơn cử, bài hát Em sai rồi anh xin lỗi em đi của Chi Pu được ký hiệu viết tắt đằng sau là #ESRAXLED khiến nhiều người nhầm tưởng đây là một chữ tiếng Anh của bài hát. Trong nhiều dòng giới thiệu ca khúc trên mạng xã hội hoặc trên truyền thông, chữ viết tắt này thường được ưu ái sử dụng. Đây chính là lợi thế rất lớn mà những bài hát có tựa đề dài như… sớ Táo quân này được dân mạng tìm kiếm.

Nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc phân tích, có hai cách nhạc sĩ thường làm khi viết một bài hát. Một là, đặt tựa đề rồi theo đó viết nội dung. Thứ hai, là viết xong bài hát rồi tìm cách đặt tựa đề. Mỗi tựa đề mang một ý nghĩa riêng mà tác giả muốn gửi gắm, hoặc có thể do viết theo cảm xúc nghĩ sao viết vậy.

“Một tựa đề dài 3-5 chữ là vừa phải, vừa đủ để nói được nhiều thứ. Nhiều bài hát có tựa đề giống như lấy cả một đoạn của bài hát vậy, có thể họ thấy nó phù hợp hoặc muốn tạo sự chú ý thì tôi không rõ. Thực ra, cũng không có khuôn khổ nào là dài hay ngắn. Quan trọng là tựa đề nói lên ý gì trong bài mình muốn viết”, nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc nói.

“Đừng gò bó sự sáng tạo”

Chính ca sĩ Bích Phương cũng thừa nhận, cô hay được hỏi tại sao lại lấy bài hát có cái tên dài Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau. Theo Bích Phương, tên bài hát mới nghe sẽ có cảm giác hơi thị trường và dễ dãi, nhưng vấn đề là tựa đề đó có phù hợp với nội dung bài hát và hình ảnh trong MV hay không mới quan trọng.

Trong khi đó, là chủ nhân của nhiều bài hát có tựa đề rất dài, ca - nhạc sĩ Trang Pháp cho rằng, với nghệ thuật, rất khó để đặt ra quy luật và các chuẩn mực để gò bó sự sáng tạo. Ngay từ cách sáng tác, mỗi nhạc sĩ sẽ có cách viết của riêng mình. 100 nhạc sĩ sẽ có 100 cách viết khác nhau, không ai giống ai. Sự thay đổi trong cách đặt tựa bài hát chỉ là một sự thay đổi nhỏ trong thế giới muôn màu muôn vẻ của âm nhạc.

Theo Trang Pháp, trách nhiệm của nhan đề bài hát là sự tóm tắt, câu chủ chốt, để khi đọc tựa đề, người ta có thể mường tượng được nội dung. Đặc biệt, khi khán giả có xu hướng chỉ nhớ một câu chủ đạo thì vai trò của tựa đề lại càng quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nhạc sĩ thường đặt tựa đề theo cảm xúc và tóm tắt nội dung mình muốn truyền tải, đồng thời cũng muốn gây sự tò mò với khán giả. Có thể trong thời gian này, mọi người quen với tựa đề bài hát nằm trong 3-4 từ. Nhưng qua thời gian, khán giả cần sự mới mẻ, tránh trùng lặp, thì việc sáng tạo làm mới cho tựa đề bài hát là không khó hiểu.

“Bản thân tôi khi viết một bài hát thường viết lời trước, sau đó đặt tựa. Những bài hát có tựa đề dài nhất cũng chỉ 8 ký tự. Tựa đề ca khúc quan trọng không phải dài hay ngắn mà ý nghĩa của nó có đủ sâu sắc, cảm xúc để chạm tới khán giả, khiến họ có chia sẻ được với bài hát hay không”, Trang Pháp khẳng định và cho hay, âm nhạc mỗi thời kỳ sẽ có những đặc trưng riêng, thay đổi từ phần giai điệu tới lời hát, cách sản xuất, kỹ thuật… Tựa đề chỉ là phần nhỏ trong số đó. Sự thay đổi nếu không tiêu cực thì đều là một phần tất yếu của sự phát triển. “Nếu gò ép nghệ thuật trong một khuôn khổ nhất định, sẽ rất khó cho người sáng tạo”, cô tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.