Thế giới

Những cách chống ngập nội đô độc đáo, hiệu quả nhất trên thế giới

19/07/2019, 06:47

Những năm gần đây, nhiều thành phố như: New York, New Orlean (Mỹ), Cophenhagen (Đan Mạch)... coi nước mưa là tài nguyên cần bảo vệ, tái sử dụng.

img
Enghaveparken - công viên chống ngập tại Hà Lan trước và sau khi mưa

Trái đất đang hứng chịu hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng với những kiểu thời tiết ngày càng tiêu cực. Mực nước biển dâng cao và mưa lũ diễn ra thường xuyên, rất nhiều thành phố trên thế giới, kể cả ở những đất nước phát triển như Italia, Mỹ, Nhật... đều đứng trước nguy cơ ngập lụt thường xuyên. Vậy, những thành phố này đã làm gì để “sống chung với lũ”?

Xây công viên hút nước, đường xe đạp dẫn nước

Nếu như ở một số nơi, người ta coi ngập lụt trong nội đô là kẻ thù thì nhiều thành phố như: New York, New Orlean (Mỹ), Cophenhagen (Đan Mạch)... nhiều năm trở lại đây dần thay đổi suy nghĩ. Họ coi nước mưa như một nguồn tài nguyên cần phải được bảo vệ, tái sử dụng và việc tái cấu trúc thành phố cũng phải đi theo hướng đó.

Biện pháp đầu tiên có thể kể đến đó là xây dựng một hệ thống các khu vực xanh với diện tích từ nhỏ đến trung có thể hấp thụ và trữ nước thừa. Các thành phố kiểu này được gọi với tên tiếng anh là “sponge city”.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change, mực nước biển dâng cao khoảng 4mm mỗi năm. Nhiệt độ Trái Đất tăng làm băng ở 2 cực tan, hoàn toàn có thể đẩy nước biển cao tới 70m sau hàng nghìn năm. Ngay trong thế kỷ này, nhiều thành phố và hòn đảo trên thế giới sẽ chìm dưới nước biển. Các thành phố ven biển như New York (Mỹ), London (Anh), Venice (Italy) nhiều khả năng sẽ bị ngập chìm trong nước.


Ở đó, người ta giữ nước mưa lại để sử dụng cho đời sống thường ngày như tưới tiêu cho vườn tược, trang trại, dùng làm nước xả nhà vệ sinh, lọc làm nước sạch dùng cho sinh hoạt…

Hầu hết các sponge city tập trung ở châu Âu, trên quy mô nhỏ, bản thân người dân các thành phố chủ động áp dụng những sáng kiến như làm mái nhà xanh, vườn mưa… để hấp thụ bớt nước khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt.

Ngoài ra, trên quy mô thành phố, nhiều nơi kết hợp biện pháp chống lụt vào hạ tầng đô thị như ở Copenhagen, thành phố này đã thực hiện chương trình khu dân cư linh hoạt theo khí hậu, trong đó chính quyền thành phố chuyển đổi ít nhất 20% diện tích đất công cộng làm thành khu vực thích ứng biến đổi khí hậu.

Rất nhiều giải pháp mang tên “xanh lá cây” và “xanh da trời” được thực hiện nhằm quản lý dòng chảy nước mưa trong khu vực đô thị chẳng hạn như xây dựng đường dành cho xe đạp được thiết kế như các kênh dẫn, tháp, mương chứa nước có thể chứa nước từ khu dân cư và đổ ra cảng.

Thành phố này còn có thiết kế công viên lớn vừa có khả năng lưu trữ nước, chống ngập lụt khi lượng nước mưa quá lớn vừa là nơi giải trí, làm xanh thành phố khi trời hửng nắng.

Cụ thể là công viên công cộng Enghaveparken tại Copenhagen được thiết kế như một không gian vui chơi trong mùa khô và khu vực hồ chứa có khả năng hứng 24.000m3 nước trong mùa lũ.

Một số thành phố như Paris (Pháp) và Bangkok (Thái Lan)… cũng áp dụng phương thức tương tự. Tại Thủ đô Bangkok, ở ngay giữa trung tâm thành phố, chính quyền địa phương xây dựng công viên Centenary rộng 44,5km2. Nằm dưới tán cây, ngọn cỏ là những bể chứa nước ngầm khổng lồ cùng một hồ lớn có thể chứa tới 3,4 triệu lít nước.

Ở điều kiện bình thường, phần nước thừa mà cây không hấp thụ hết sẽ chảy xuống các hồ chứa và dự trữ nước cho mùa khô hạn. Nếu lũ lụt nghiêm trọng xảy ra, bể chứa sẽ trữ nước sau đó thải xuống hệ thống xả thải công cộng sau khi lũ rút.

Thiết kế này do nữ kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom, một người sinh ra và lớn lên tại Bangkok quá thấu hiểu nỗi khổ mỗi mùa mưa lũ thực hiện. Bà cùng công ty thiết kế của mình là Công ty Kiến trúc LandProcess chuẩn bị mở công viên rộng gấp 3 công viên Centenary với chức năng hồ chứa tương tự tại Đại học Thammasat, theo tờ Guardian.

Những công trình chống ngập vĩ đại

img
Công viên chống ngập tại Bangkok, Thái Lan

Một số thành phố lớn khác như Tokyo (Nhật) hay London (Anh) lại chống lụt bằng những công trình vô cùng vĩ đại, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tại Tokyo, chính quyền địa phương xây Kênh xả nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC) nằm ở độ sâu 22m, trị giá 2 tỷ USD, mới được hoàn thành năm 2016.

Kênh này bao gồm một hệ thống đường hầm dài 6,3km và nhiều bể ngầm hình trụ khổng lồ với diện tích đủ lớn để chứa cả tàu con thoi hay tượng Nữ thần Tự do chỉ để chứa nước.

Hệ thống này giúp hút nước từ sông nhỏ và trung bình ở phía Bắc Tokyo dẫn nước tới sông lớn. MAOUDC đã trở thành cứu tinh cho Tokyo mỗi mùa nước lũ dâng cao và được mệnh danh là “ngôi đền chống ngập”.

Còn London, Anh lại chống ngập với công trình Thames Barrier với hệ thống đập dài 520m vắt ngang sông Thames với chi phí xây dựng tương tự “ngôi đền” của Nhật.

Hệ thống này được thiết kế với những chiếc cổng thép nặng 3 nghìn tấn, cao 20m có thể xoay theo chiều thuỷ triều. Khi nước lên, cổng thép đóng để ngăn nước chảy vào thành phố và ngược lại khi thuỷ triều xuống để nước chảy về phía biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.