Hạ tầng

Những cảng thủy lớn nào sẽ được đầu tư trong 10 năm tới?

04/06/2021, 13:33

Các cảng thủy lớn được quy hoạch hầu hết bám theo hành lang vận tải, trong đó Hà Nội và TP.HCM có các cụm cảng trung tâm và xung quanh.

img

Cảng thủy chuyên dùng của một nhà máy trên sông Kinh Thày

Ngày 4/6, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo dự thảo Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng, bến thủy nội địa ở mỗi vùng được quy hoạch theo các hành lang vận tải thủy (gồm 1 hoặc nhiều tuyến vận tải thủy chính và các tuyến vận tải phụ kết nối).

Theo đó, khu vực miền Bắc được quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và một đoạn tuyến vận tải ven biển nằm trong hành lang vận tải ven biển Bắc- Nam.

Bám theo các hành lang vận tải trên là 28 cụm cảng hàng hóa và 9 cụm cảng hành khách được phân chia theo vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ. Trong đó, Hà Nội thuộc đồng bằng sông Hồng và có các cụm cảng hàng hóa trung tâm Hà Nội, Đông, Nam và Tây Hà Nội; các vùng xunh quanh có cụm cảng Bắc Ninh, Yên Lệnh, Nam Định, Ninh Bình, Bến Kiền; Thủy Nguyên; cụm cảng Minh Đức, cụm cảng sông Văn Úc; cụm cảng Kinh Môn - Kim Thành - Phú Thái; cụm cảng Triều Dương; cụm cảng Trà Lý...

Tại khu vực miền Trung có một đoạn tuyến hành lang Thanh Hóa - Bình Thuận thuộc hành lang ven biển Bắc - Nam, với 8 cụm cảng hàng hóa và 5 cụm cảng hành khách. Các cụm cảng hàng hóa gồm: Lạch Sung, Lạch Bạng, cảng Hưng Hoà, Quỳnh Lộc, Hộ Độ, Nhật Lệ, Quảng Thuận, Đông Hà...

Khu vực miền Nam được quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy và 1 đoạn tuyến huộc hành lang vận tải ven biển Bắc - Nam, với 24 cụm cảng hàng hóa và 13 cụm cảng khách.

Các hành lang vận tải thủy gồm: TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, TP.HCM - An Giang - Kiên Lương, hành lang kết nối với Campuchia (tuyến sông Mê Kông); hành lang kết nối TP. HCM Bà Rịa Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải).

Cụm cảng hàng hóa được quy hoạch theo vùng Đông và Tây Nam Bộ, trong đó TP.HCM nằm trong vùng Đông Nam Bộ với các cụm cảng trung tâm, Bắc, Tây Nam và Đông TP.HCM. Bên cạnh đó, vùng lân cận TP.HCM có các cụm cảng: An Tây - Rạch Bắp, An Sơn - Bến Súc, Dầu Tiếng - Dĩ An, Thạnh Phước - Thái Hòa - Tân Vạn, Hưng Thuận - Trảng Bàng, Nhơn Trạch...

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trong số các cảng, cụm cảng được quy hoạch đến năm 2030, nhiều cảng được đưa vào đề xuất quy hoạch theo đề nghị của các địa phương. Nguồn vốn đầu tư các cụm cảng hàng hóa, hành khách theo hình thức xã hội hóa, hợp tác đầu tư đối tác công - tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.