Xã hội

Những câu hỏi pháp lý vụ hơn 550 xe điện ở Cửa Lò nguy cơ “đắp chiếu”

31/03/2023, 19:52

Theo chuyên gia, tỉnh Nghệ An cho phép các xe điện chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Sau khi Báo Giao thông đăng tải các bài viết phản ánh hơn 550 xe điện ở Cửa Lò (Nghệ An) nguy cơ “đắp chiếu”, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: "Vì sao các xe điện không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn được hoạt động?" và "việc lâu nay tỉnh Nghệ An cấp phép cho xe điện ở Cửa Lò hoạt động từng năm một và cấp phép khi chưa có đăng ký, đăng kiểm thế có đúng với quy định của pháp luật?"

img

Hơn 550 xe điện ở Cửa Lò có nguy cơ "đắp chiếu"

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hòa giải - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho biết, xe điện 4 bánh là một loại phương tiện được quản lý chất lượng tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT. Thông tư này quy định cụ thể về việc kiểm tra với xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế và xe không tham gia giao thông.

Xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế là xe chỉ hoạt động trên tuyến đường và thời gian theo quy định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các xe nhập khẩu muốn tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế phải tiến hành kiểm tra và thử nghiệm theo quy định, nếu xe đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để giải quyết thủ tục nhập khẩu và đăng ký biển số.

"Như vậy, việc xe điện hoạt động trên một số tuyến đường tại TX Cửa Lò, Nghệ An là do UBND tỉnh Nghệ An quyết định. Xe điện không có đăng ký, đăng kiểm mà vẫn hoạt động thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng địa phương, nếu xảy ra mất an toàn thì rất phức tạp", ông Lâm nhận định.

Cũng theo ông Lâm, Khoản 17 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, khi lưu thông trên đường, ô tô nói chung, xe điện nói riêng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Có đủ hệ thống hãm, hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; Vô lăng nằm bên trái của xe, không có trường hợp ngoại lệ; Có đủ hệ thống đèn gồm: đèn chiếu sáng gần và xa; đèn soi biển số; đèn báo hãm; đèn tín hiệu…

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trong trường hợp xe điện chưa được đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu hành sẽ bị phạt hành chính từ 3 triệu đồng hoặc tạm giữ phương tiện trong 7 ngày trước khi ra quy định xử phạt.

img

Ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hòa giải - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN

Về việc lâu nay tỉnh Nghệ An cấp phép cho xe điện ở Cửa Lò hoạt động từng năm một và cấp phép khi chưa có đăng ký, đăng kiểm, ông Lâm nêu quan điểm: Tỉnh Nghệ An cho phép các xe điện chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, kể cả là việc cấp phép từng năm.

"Việc tỉnh đồng ý cho xe điện hoạt động khi chưa đủ điều kiện nhưng đến nay đột ngột siết chặt mà không có hướng giải quyết sẽ rất ảnh hưởng đến người dân làm dịch vụ xe điện.

Tôi nghĩ Nghệ An nên xin ý kiến cấp trên hướng giải quyết tốt nhất để vừa đảm bảo quy định pháp luật và vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương.

Mặt khác cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý thiếu nhất quán, nếu xé rào mà có lợi cho nhân dân và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thì cũng phải trình cấp trên để có phương án giải quyết. Tài sản của người dân hay nhà nước đều cần được bảo vệ tốt nhất, tránh những lãng phí không đáng có hay do thủ tục hành chính chưa hợp lý", ông Lâm nói.

Liên quan đến vụ việc này, theo tìm hiểu của PV, từ năm 2019 và 2020, Sở GTVT Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi UBND TX Cửa Lò “Về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xe điện 4 bánh chở khách du lịch trên địa bàn TX Cửa Lò”.

Trong các văn bản, Sở GTVT Nghệ An đều nhấn mạnh các phương tiện đưa vào hoạt động phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an; được kiểm định theo quy định tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT.

Trong khi đó, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông quy định: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc).

Ngoài bị phạt tiền, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp), các chủ phương tiện sẽ bị tịch thu phương tiện.

Như Báo Giao thông đưa tin: Xe điện ở Cửa Lò được Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động từ năm 2011, trong thời hạn 3 năm. Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động xe điện do doanh nghiệp quản lý và điều hành.

Từ năm 2016, hoạt động xe điện được đưa về TX Cửa Lò quản lý. Và được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động từng năm một; số lượng là 558 xe, hoạt động theo ngày chẵn - lẻ ổn định từ đó đến nay. Hàng năm, thị xã có thu thuế 3 triệu đồng/xe/năm.

Ngày 23/3/2023, TX Cửa Lò có văn bản yêu cầu các xe điện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì mới được phép hoạt động; số xe hoạt động giới hạn không quá 300 xe. Dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu từ ngày 20/4/2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.