Thi viết về GTVT

Những cây cầu đi trước mở đường giúp Thủ đô cất cánh

30/07/2019, 06:51

Trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, 3 cây cầu: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương có tính chất đi trước mở đường...

img
Chương Dương và Long Biên, hai cây cầu nổi tiếng nối đôi bờ sông Hồng. Ảnh: Khánh Linh

Điểm nhấn của Hà Nội là những cây cầu...

Trong các cây cầu của Thủ đô, cổ kính nhất phải kể đến cầu Long Biên. Thực ra, cầu Long Biên đã được toàn quyền Đông Dương cuối thế kỷ XIX có ý tưởng xây dựng từ lâu rồi, nhưng tìm nguồn tài chính và thuyết phục Quốc hội Pháp cũng phải chờ một thời gian rất lâu. Trong hồi ký của Paul Doumer (xuất bản tại Paris 1905), ông viết: “Có một việc mà tính cần thiết của nó đột nhiên xuất hiện trong tôi, đó là việc xây một chiếc cầu lớn bắc qua sông Nhị (sông Hồng), con sông cái hung dữ. Tôi muốn trang bị cho Bắc Kỳ một hệ thống đường sắt hội tụ tại Hà Nội, nối liền cửa biển Hải Phòng, Nam Kỳ và Trung Quốc... nhưng thật khó khăn khi tiến hành một công việc như vậy, nhất là khoản chi phí khổng lồ cho việc xây cầu. Rất nhiều người hoài nghi và phản đối cả ở Bắc Kỳ và Paris”.

Nhưng thật kỳ lạ, cuối cùng Paul Doumer đã thuyết phục được tất cả, từ Quốc hội Pháp đến các nhà cầm quyền bản xứ, để rồi có tiền xây cầu, chọn được nhà thầu nổi tiếng nhất Paris, nhà thầu Công ty Daydé & Pillé, để xây dựng cầu Long Biên như ngày nay. Cho dù, ngay hôm khởi công, nhiều người Pháp có mặt cũng hoài nghi, họ nói nhỏ với nhau: “Đó là một ý tưởng hoang đường”.

Chính điều đó đã là huyền thoại. Sau 3 năm xây dựng, 1898 - 1902, cầu Long Biên hoàn thành và mang tên cầu Paul Doumer (tên của toàn quyền Đông Dương). Lúc bấy giờ nó được coi là cầu lớn nhất Đông Dương, là niềm tự hào của người Pháp với bản địa. (Nhưng thực ra thì bản chất sau này là thu vào tiền thuế của dân An Nam ta mà thôi. Dù sao thì ý tưởng chiến lược của người đứng đầu đã mở ra một đường đi mới). Người Hà Nội xưa có câu: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng”.

Dầu dãi 100 năm, cầu Long Biên chứng kiến hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Có thể nhiều người chưa biết, cầu Long Biên đã có lần bị nghiêng vì hàng ngàn chiến xa từ Hà Nội điều qua cầu sang sân bay Gia Lâm đi Điện Biên Phủ. Rồi cầu là nhân chứng khi đoàn quân viễn chinh cuối cùng của Pháp đi qua cầu Long Biên xuống Hải Phòng về nước năm 1954. Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cầu đã 14 lần bị oanh tạc (1965 - 1972) và đã nhiều lần phải sửa chữa. Bây giờ Hà Nội có thêm nhiều cầu, nhưng cầu Long Biên như là nhân chứng lịch sử, là biểu tượng của niềm kiêu hãnh và anh hùng của ngành GTVT, là bảo tàng sống động của lịch sử ngành cầu của Thủ đô.

Một cây cầu khác cũng đặc biệt và có ý nghĩa không kém với Thủ đô là Thăng Long. Cây cầu được xây dựng như tầm nhìn của thế kỷ XX và ghi dấu ấn cây cầu dài nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Cầu Thăng Long, được gọi là cây cầu thế kỷ, biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô. Cầu được khởi công xây dựng từ năm 1974 và khánh thành năm 1985 (11 năm). Lúc đầu (1974 - 1977) do chuyên gia Trung Quốc thực hiện. Từ 1979 - 1985, thiết kế cầu do chuyên gia Liên Xô thực hiện. Tinh thần lao động mệt nhọc của công nhân Việt Nam được nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động viết trong bài thơ “Thợ lặn cầu Thăng Long”, ca ngợi thợ lặn khi thi công giếng chìm: “Cả dòng sông đè lên trái tim anh/ Anh đánh vật với bao nhiêu trôi dạt/ Anh lặng lẽ ném thân vào thử thách/ Anh thở dè từng nấc/ Lặng lẽ vượt qua mình trên nhịp quá chênh vênh...”.

Cầu Thăng Long sau khi khánh thành dù mang nhiều kỷ lục như: Dài nhất Việt Nam, đẹp nhất Đông Nam Á, đẹp nhất thế kỷ XX... nhưng sau 5 năm vẫn vắng bóng xe qua, những người không có tầm nhìn xa “đổ oan” cho ngành GTVT: “Cầu xây không đúng vị trí hợp lý nên ít xe qua, hiệu quả thấp”.

Nhưng sau đó ít năm, các công trình phía Bắc cầu Thăng Long và nhất là sân bay Nội Bài phát triển, mới thấy hiệu quả và tầm nhìn chiến lược của cầu Thăng Long. Bài học về xây cầu Thăng Long cho ta một kinh nghiệm quý: Tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu quyết định thắng lợi lâu dài của công trình. Muốn phát triển, phải có tầm nhìn xa. Sau này, khi xây dựng các cầu: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, các chuyên gia cầu đã phải xem lại các phương án cầu Thăng Long xưa và các phương án cũ chính là nơi đặt các cầu mới.

Một cây cầu khác cũng có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Thủ đô là cầu Chương Dương. Cầu Chương Dương nhỏ hơn cầu Thăng Long nhưng lại mang một ý nghĩa khác rất sâu xa: Ý thức tự lực, tự cường. Khi cầu Thăng Long đang còn xây chưa xong, ùn tắc cầu Long Biên như một nỗi nhức nhối, khiến nhiều cơ quan chức năng mất ăn, mất ngủ. Chính phủ đề nghị phải xây dựng thêm cầu để hỗ trợ cầu Long Biên.

Ý tưởng xây cầu treo được đưa ra. Công trình mang tên: “Cầu treo mùa Xuân” . Nhưng nguyên Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã cùng lãnh đạo Bộ Xây dựng thuyết phục Chính phủ làm cầu sắt vĩnh cửu với tiến độ như cầu treo. Đây là ý tưởng rất táo bạo và sáng tạo thời điểm đó. Kết quả sau gần 2 năm, cầu Chương Dương đã hoàn thành vượt thời gian 12 tháng. Tôi trộm nghĩ, nếu cầu Long Biên đã từng mang tên cầu Paul Doumer thì cầu Chương Dương lẽ ra nên mang tên cầu Bùi Danh Lưu. Ông xứng đáng một con người có tầm nhìn xa và dám chịu trách nhiệm.

Sang thế kỷ XXI, chúng ta đã xây dựng thêm 4 cầu huyết mạch của Hà Nội, trong đó 3 cầu gần trung tâm Hà Nội: Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Nhật Tân. Còn cầu Đông Trù xa hơn.

Và điểm nhấn thành phố hai bên bờ sông Hồng

Theo thời gian, dân đổ về Hà Nội nhiều thêm, lại cần thêm nhà, cần chung cư cao cấp mới, cần thêm đường. Qua sông Hồng lại cần cầu nữa. Cuối thế kỷ XXI, Hà Nội có bao nhiêu cầu vắt qua đại dự án Đôi bờ sông Hồng? Còn chưa biết được đâu. Mọi thứ sẽ đổi thay theo hướng tốt hơn lên. Tôi tin, cầu Hà Nội vẫn là điểm nhấn cho bài thơ Thủ đô lãng mạn muôn đời. Hãy chờ những người đi trước mở đường.

Tôi chợt nhớ đến Hà Nội trong tầm nhìn 50 năm, 100 năm tới... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ tái khởi động lại đề án quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Hà Nội sẽ kêu gọi xã hội hóa và tìm nguồn lực của thành phố để xây dựng quy hoạch trong năm 2019. Quy hoạch theo hướng đê kết hợp với đường đảm bảo an toàn ở mức báo động 3 trong 500 năm. Đê và đường sẽ tạo ra đường rộng, thông thoáng, giao thông đường thủy phục vụ du lịch tốt hơn, tạo ra quỹ đất để người dân cải tạo không gian sống và đó là nguồn lực để đầu tư. Theo tính toán, dự án thành phố hai bên sông Hồng với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, tổng diện tích 1.500ha. Rồi Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050... Tôi nghe thế thì biết thế. Nhà văn, nhà báo nhìn siêu dự án mà hoa cả mắt.

Cho dù ta đã mang sách đi học những kinh nghiệm của 16 thành phố có đặc điểm tương đồng với Hà Nội (Bangkok, Manila, Bắc Kinh, Hàng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, Kuala Lumpur, Seoul, Barcelona, Mê-hi-cô, Brasilia, Chicago, New York, Washington, London, Paris), cho dù các nhà hoạch định quy hoạch nổi tiếng thế giới đã đến Hà Nội có đưa ra phương án siêu dự án đến đâu thì cuối cùng người quyết định vẫn là ta, làm theo đặc điểm của Hà Nội. Tôi vẫn mong chờ mình được sống đến ngày nhìn thấy một thành phố bên sông Hồng có những cây cầu mới vắt ngang.

Tôi cho rằng, thành phố tương lai hai bên bờ sông Hồng sẽ không bao giờ mở ra được nếu không có những cây cầu vắt qua sông Hồng như điểm nhấn cho Hà Nội hôm nay và mai sau: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì và những cái tên vẫn còn trong quy hoạch: Hồng Hà, Mễ Trì, Thượng Cát, Tứ Liên...

Bây giờ trên sông Hồng có 7 cây cầu, quy hoạch là 14 cầu. Nhưng hàng chục năm nữa, tôi tin Hà Nội không phải 14 cầu mà còn nhiều hơn nữa. Cũng như lúc tôi ở Hàn Quốc, có 16 cầu vắt qua sông Hàn ở Seoul. Bạn tôi hỏi, tôi vẫn tưởng Seoul 16 cầu, nhưng tôi nhầm. Bây giờ Seoul có 25 cầu vắt qua sông Hàn.

Tôi hỏi một đồng chí cán bộ cao cấp: Điểm nhấn của Hà Nội trong tương lai là gì? ông trả lời ngay: Thành phố hai bên bờ sông Hồng. Đấy là ông nói theo tầm nhìn quy hoạch. Ông nói thế thì tôi biết thế, nhưng ông không nói đến bước đi đầu tiên là gì: Chắc chắn là Hà Nội cầu và Hà Nội đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.