Thời sự Quốc tế

Những cây cầu, đường hầm nối châu Á với châu Âu đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ

01/01/2023, 08:30

Rất nhiều cây cầu, đường hầm nối phần thuộc châu Á và châu Âu của thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ là những công trình nắm giữ kỷ lục thế giới.

Eo biển Bosphorus nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ có chiều dài 30km, nối với Biển Đen ở phía Bắc và Biển Marmara ở phía nam. Đồng thời eo biển cũng chia thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ thành phần lãnh thổ thuộc châu Âu và phần thuộc châu Á.

Theo số liệu năm 2021, chỉ khoảng 16 triệu người dân sống tại Istanbul trong khi nhiều người sống tại một bên bờ của eo biển Bosphorus và làm việc ở bờ bên kia, đồng nghĩa hàng ngày, đông đảo người dân Istanbul di chuyển bằng ô tô, xe bus, tàu hỏa, phà giữa châu Á và châu Âu. Để làm được điều này phải kể đến sự hỗ trợ của hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt, cầu, tàu, đường hầm giao thông tại Istanbul.

Dưới đây, bài viết thống kê một số cây cầu, đường hầm lớn nối giữa phần lãnh thổ thuộc châu Âu và châu Á của thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

Cầu Martyrs 15/7

img

Cầu Martyrs 15/7. Ảnh - Getty

Tên gọi ban đầu của cầu là cầu Bosphorous và mới được đặt lại tên là cầu Martyrs 15/7 để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 nhưng người dân địa phương vẫn gọi đây là cầu Boğaziçi Köprüsü, nghĩa là cầu Đầu tiên.

Sở dĩ có tên gọi như vậy vì trước khi cầu thông xe vào ngày 29/10/1973, cách duy nhất để di chuyển giữa phần châu Âu và phần châu Á tại Istanbul là bằng phà.

Công trình cầu treo bằng thép này có chiều dài 1.560m, bắc qua khu vực nước chảy xiết tại eo biển Bosphorus gần biển Marmara.

Cầu Fatih Sultan Mehmet

img

Cầu Fatih Sultan Mehmet. Ảnh - Adobe

Cây cầu thứ hai nối phần thuộc châu Âu và châu Á của Istanbul thông xe ngày 3/7/1988. Đây cũng là cầu treo bằng thép và có chiều dài tương đương cầu Martyrs 15/7.

Cây cầu bắc qua phần hẹp nhất của eo biển Bosphorus, với làn đường cho xe di chuyển nằm ở độ cao 60m so với mực nước biển.

Cầu Yavuz Sultan Selim

img

Cầu Yavuz Sultan Selim. Ảnh - Adobe

Năm 2016, cây cầu treo thứ 3 bắc qua eo biển Bosphorus có tên cầu Yavuz Sultan Selim chính thức thông xe. Cầu được xây dựng tại khu vực eo biển Bosphorus gần với Biển Đen. Cây cầu đã phá vỡ một số kỷ lục khi đi vào hoạt động như: cầu treo rộng nhất thế giới với 8 làn đường và 1 tuyến đường sắt đường ray đôi. Ngoài ra, đây cũng là cây cầu cao thứ 5 trên thế giới, với độ cao 322m.

Cầu Çannakale 1915

img

Cầu Çannakale 1915. Ảnh - Getty

Cây cầu mới nhất nối giữa châu Âu và châu Á tại Istanbul là cầu Çannakale 1915, thông xe ngày 18/3/2022. Cầu nối giữa huyện Gelibolu thuộc tỉnh Dardanelles thuộc châu Âu và huyện Lapseki thuộc tỉnh Çannakale nằm bên châu Á của Istanbul.

Với chiều dài lên tới 3.700m, cầu Çannakale 1915 sở hữu nhịp cầu treo dài nhất thế giới. Từ khi đi vào hoạt động, cầu Çannakale 1915 thay thế cho tuyến phà có thời gian di chuyển 1 giờ bằng quãng đường lái xe dài 6 phút với tốc độ tối đa cho phép là 80km/h.

Hầm Eurasia

img

Hầm Eurasia. Ảnh - Getty

Đường hầm Eurasia, bao gồm phần nằm dưới lòng biển dài 5,3km, là cách nhanh nhất để di chuyển giữa 2 phần lãnh thổ thuộc châu Âu và châu Á của Istanbul. Đây là một phần của tuyến đường dài gần 15km nối Kazlıçeşme ở châu Âu với Göztepe ở châu Á. Việc thi công hầm hoàn thành vào tháng 12/2016, giúp giảm thời gian di chuyển giữa 2 khu vực từ 100 phút xuống chỉ còn 15 phút.

Hầm Eurasiacũng là tuyến kết nối quan trọng giữa 2 sân bay Atatürk và Sabiha Gökçen tại Istanbul trước khi các chuyến bay thương mại tại sân bay Atatürk được chuyển sang sân bay Istanbul.

Đường hầm xuyên biển Marmaray

img

Đường hầm xuyên biển Marmaray. Ảnh - AFP

Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua eo biển Bosphorus được đưa ra từ năm 1860 nhưng phải đến năm 2004, tuyến đường dài 13,6km này mới bắt đầu được khởi công xây dựng. Tới tháng 10/2013, dịch vụ đường sắt mới đi vào hoạt động tại hầm Marmaray và mất thêm 6 năm nữa, tất cả ga dọc tuyến đường mới sẵn sàng hoạt động.

Phần sâu nhất của đường hầm nằm ở độ sâu 60m dưới mực nước biển, khiến công trình trở thành đường hầm xuyên biển sâu nhất thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.