Khám phá

Những “cây phong ba” trên hải đăng đảo Phú Quý

25/01/2017, 08:24
image

Hải đăng Phú Quý được xây dựng trên đỉnh núi Cấm năm 1997, cao 162m so với mặt nước biển.

Trạm trưởng Huỳnh Kiên Trung đang làm vệ sinh ngọn

Trạm trưởng Huỳnh Kiên Trung đang làm vệ sinh ngọn đèn biển Phú Quý.

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi lên tàu cao tốc Hưng Phát 26, (tàu vận tải hành khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại) tại TP Phan Thiết để đến với các ngọn hải đăng trên đảo Phú Quý.

Rời quân ngũ, xách ba lô ra đảo

Sau gần 4 giờ lênh đênh trên biển cùng tàu Hưng Phát 26, chúng tôi đặt chân lên đảo Phú Quý. Ra đón chúng tôi ngay dưới chân cột đèn hải đăng Phú Quý là Trạm trưởng Huỳnh Kiên Trung. Anh Trung sinh năm 1972, quê ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, Bình Định. Học hết cấp 3, năm 1994 anh nhập ngũ vào một đơn vị thông tin của Binh chủng Phòng không - Không quân, lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1996, anh Trung rời quân ngũ với cấp hàm thiếu úy. Năm 1997, nghe tin ở huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận vừa khánh thành xong ngọn hải đăng trên núi Cấm. Với tình yêu biển đảo quê hương, anh làm đơn tình nguyện ra đảo.

Theo chân Trạm trưởng Trung, chúng tôi leo 5 tầng cầu thang để tới chiếc cầu thang xoắn lên đỉnh đèn. Đứng trên nóc hải đăng, chúng tôi có thể nhìn khắp được tứ phía hòn đảo Phú Quý xinh đẹp. Theo lời vị Trạm trưởng, công việc này phải được làm hàng ngày và phải hoàn thành cho kịp giờ mở đèn (17h30).

Ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung bộ cho biết: Đảo Phú Quý là một trong những “pháo đài tiền tiêu”, vững chắc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên đảo hiện có ba ngọn hải đăng gồm: Hải đăng Phú Quý được xây dựng trên đỉnh núi Cấm năm 1997, cao 162m so với mặt nước biển. Hải đăng Hòn Hài trên đảo Hòn Hài (xây dựng tháng 3/2002), cách đảo Phú Quý 32 hải lý, diện tích gần 4.000m2, cao 11m so với mặt nước biển. Ngoài ra, còn có hải đăng Triều Dương gắn liền với luồng hàng hải Phú Quý, dài 2,4km. Trên các ngọn hải đăng này hiện có 15 CB, CNV của công ty đang ngày, đêm canh giữ, hướng dẫn cho hàng triệu lượt tàu, thuyền trong nước và quốc tế qua lại trên tuyến an toàn.

Hòn Hài xa lắm người ơi

Cũng để đảm bảo an toàn hàng hải cho các chuyến tàu qua lại trên vùng biển Bình Thuận, tháng 3/2002, ngọn hải đăng Hòn Hài tại vị trí cột mốc A.6 ra đời.

Từ đảo Phú Quý đến Hòn Hải nếu đi bằng tàu vận tải (loại 50 - 100 tấn) phải mất gần 6 giờ. May cho chúng tôi, hôm đó được đi nhờ tàu tuần tra của đồn Biên phòng cửa khẩu Phú Quý do Trung tá Nguyễn Trường Thanh hướng dẫn.

Gọi là đảo, chứ thực ra, Hòn Hài rất bé và nguy hiểm với những phiến đá dựng đứng bị những con sóng bạc đầu mài mòn theo năm tháng. Xung quanh đảo toàn bãi đá, tàu chúng tôi phải neo cách xa đảo chừng 30m, mọi người tuột giày, sắn quần lội về phía đảo.

Anh Đinh Văn Hữu, Trạm trưởng hải đăng Hòn Hải (SN 1965, quê Hải Dương) cho biết: Tổ công nhân gác đèn của anh có 5 người ăn ở, sinh hoạt trên diện tích hơn 30m2 gồm cả đường hầm. Bốn bề là sóng vỗ, đặc biệt mùa đông sóng đánh phủ lên tận nóc nhà. Những thời điểm đó, anh em phải rút vào trong đường hầm trú ẩn và mọi sinh hoạt đều diễn ra trong ở đó. Thực phẩm mùa bấc chủ yếu là đồ hộp và đồ khô, thiếu rau xanh, nước ngọt. Muốn có ánh sáng trong hầm phải chạy máy nổ…

Cũng theo ông Bùi Đức Thắng, khó khăn nhất là hải đăng Hòn Hài quanh năm sóng to, gió lớn, tàu bè cập đảo rất khó khăn vì không có bãi cát. Các anh em công nhân thay phiên nhau bốn tháng ra đảo một ca.

Vậy nhưng, có cán bộ đã bám đảo hơn 20 năm như anh Huỳnh Kiên Trung, Trạm trưởng Hải đăng Phú Quý.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi đã có dịp thăm hải đăng Triều Dương. Trạm trưởng Đinh Trung Hải (SN 1975, quê Hải Dương) cho hay: Trạm có nhiệm vụ quản lý luồng hàng hải Phú Quý dài 2,4km và đèn biển Triều Dương (đèn quét ngang xa 100m). Công việc hàng ngày của các anh là kiểm tra phao, bảng hiệu, màu sắc ban ngày, đặc tính ban đêm của đèn phao… đúng như thông báo hàng hải. Nhờ đó mà tàu, thuyền nhận biết được và đi đúng luồng. “Trên đảo này anh em chúng tôi đều gọi anh Huỳnh Kiên Trung là thủ lĩnh vì anh Trung bám đèn, bám đảo lâu nhất. Khi các trạm mới thiếu người, anh như “chim đầu đàn” lao đến, quán xuyến mọi công việc, hướng dẫn, động viên nhân viên mới quen với nghề thức đêm”, anh Hải nói.

Rời đảo Phú Quý, chúng tôi mang theo hình ảnh những con người gan dạ đang hàng ngày, hàng giờ bám trụ với đảo, với đèn biển, kể cả khi gió lớn, sóng chồm lên đỉnh đảo…

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.