Xã hội

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019

01/11/2019, 10:33

Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội Dâm ô trẻ em; Hướng dẫn mới về hóa đơn điện tử… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019.

img
Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý theo tội Dâm ô trẻ em. Ảnh minh họa.

Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em

Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.

Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…

Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa.

25 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường

Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15/11 đã bổ sung lên 25 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường thay vì 15 hành vi như hiện hành.

Cụ thể, Thông tư bổ sung hành vi: Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Các hành vi bị cấm khác gồm: Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng...

Quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Có hiệu lực từ ngày 1/11, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có nhiều nội dung mới, trong đó đã bổ sung khái niệm về Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đây là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Luật này cũng quy định cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; Còn doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật...

Nâng hạn mức vay cho người lao động lên 100 triệu đồng

Có hiệu lực từ 8/11, Nghị định 74/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã quy định tăng hạn mức vay, hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án (hiện hành là 1 tỷ đồng) và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động (mức hiện nay là 50 triệu đồng).

img
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh. VnExpress

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định tăng thời hạn vay vốn lên tối đa 120 tháng thay vì 60 tháng như hiện nay; Người lao động vay từ 100 triệu đồng trở lên mới cần có tài sản bảo đảm tiền vay thay vì mức 50 triệu đồng như hiện hành.

Công bố Danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam

Ngày 5/11/2019, Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chính thức có hiệu lực.

Ngoài việc công bố 4021 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam thì đáng lưu ý hơn, Thông tư này cũng công bố Danh mục 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm tuyệt đối sử dụng, trong đó có: Các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Chlordimeform; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isobenzen; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isodrin…

Đồng thời, Thông tư này cũng chỉ rõ, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/2/2021.

Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử

Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2019 chính là Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử. Thông tư 68 có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.

Theo Thông tư này, từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.

Thông tư này quy định cụ thể về các nội dung có trên hóa đơn điện tử nhưng trong một số trường hợp nhất định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung.

Ví dụ, không nhất thiết phải chữ ký điện tử của người mua; Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…

Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán trên hóa đơn điện tử.

Từ 25/11/2019, tổ chức có thể là thành viên của tổ hợp tác

Nếu như trước đây, theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP, thành viên tổ hợp tác chỉ có thể là cá nhân thì từ 25/11/2019, theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP, thành viên tổ hợp tác còn có thể là tổ chức.

Theo đó, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Trong đó, hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận; được lập thành văn bản, có chữ ký của 100% các thành viên trong tổ hợp tác.

Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn 50% tổng số thành viên hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

Hàng loạt văn bản về cán bộ, công chức bị bãi bỏ

Từ ngày 15/11/2019, Thông tư 11/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực. Kể từ ngày này, hàng loạt văn bản liên quan đến cán bộ, công chức chính thức bị bãi bỏ. Trong đó phải kể đến một số văn bản như:

- Thông tư số 05 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 159 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn;

- Thông tư số 07 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Thông tư số 05 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15 năm 2007 về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện;

- Quyết định số 135 năm 2005 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

- Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.