Quản lý

Những chuyện chưa biết về 11 lần rút ngắn thời gian chạy tàu Thống Nhất

28/04/2019, 10:51

Từ sau khi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên khởi hành trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vào năm 1976, đến nay đã có tới 11 lần rút ngắn hành trình.

img
Tàu Thống Nhất chạy qua sông Trà Bồng (Quảng Ngãi). Ảnh: Khánh Linh

Từ 72 giờ xuống hơn 30 giờ

Ngày 31/12/1976, sau hơn một năm khẩn trương thi công, khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam bị phá hoại trong chiến tranh, chuyến tàu khách Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên được khởi hành. Sau hơn 40 năm, ngành Đường sắt đã thực hiện tới 11 lần rút ngắn hành trình tàu khách Thống Nhất.

Hành trình tàu Thống Nhất lúc đó lên tới 72 giờ và duy trì cho đến tận năm 1985.

Phải từ năm 1986 trở đi, bước sang những năm đất nước đổi mới, ngành Đường sắt, với nhiều lần sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, hành trình tàu khách Thống Nhất mới rút ngắn dần qua các năm.

Tháng 8/1987, rút ngắn xuống còn 66 giờ; tháng 1/1988, rút còn 60 giờ. Chỉ 3 tháng sau, ngày 1/4/1988 chạy tàu 58 giờ.

Sang năm 1989, ngày 19/5 chạy tàu 52 giờ và 4 tháng sau, ngày 9/9, đoàn tàu Thống Nhất hành trình 48 giờ đã xuất phát. Gần 2 năm sau, ngày 19/5/1991, đôi tàu CM6/7 hành trình 42 giờ đã chính thức hoạt động.

Đến 19/5/1993, chạy tàu hành trình 38 giờ và đến 1/4/1994, chạy tàu 36 giờ.

Theo Ban Chuẩn bị đầu tư Tổng công ty Đường sắt VN, để duy trì, cải thiện chất lượng hạ tầng, duy trì tốc độ chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, những năm qua, ngành Đường sắt đã đầu tư nhiều dự án. Trong đó, đến năm 2015, dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 21,106km / 38,526km cầu đường sắt, 3,270km / 6,554km đường; Dự án cải tạo nâng cấp cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất hoàn thành 65 cầu, tương đương 3,005km cầu đường sắt; Dự án xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2, kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp hoàn thành 3 cầu vượt đường sắt, 55 đường ngang, 3 hầm chui, 78km hàng rào đường gom… Tuy nhiên, sau năm 2015, ít dự án được đầu tư mới, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ các giai đoạn trước sang.


Tiếp đà rút ngắn hành trình chạy tàu, ngày 19/5/1997, lúc 20h, tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, ngành Đường sắt chính thức chạy tàu khách Hà Nội - TP HCM 34 giờ. 2 năm sau, ngày 19/5/1999, đoàn tàu S1 hành trình 32 giờ đầu tiên chính thức khởi hành tại Hà Nội.

Giai đoạn này, tốc độ kĩ thuật cầu đường bình quân cũng được nâng cao hơn: Năm 2000 đạt 67,8km/h, điểm chạy chậm chỉ còn 115 điểm. Thời gian hành trình tàu Thống nhất được coi là mốc “kỷ lục” cho đến tận bây giờ là 29 giờ 30 phút được thực hiện vào năm 2005.

Để rút được thời gian hành trình như vậy, ngoài vốn cho sửa chữa lớn, nâng cấp hạ tầng đường sắt trên tuyến, giảm các điểm chạy chậm, phải kể đến hiệu quả từ các dự án nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn ODA. Trong đó, phải kể đến một số dự án quan trọng trên tuyến như: Các dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn giai đoạn I, xây dựng 10 ga điện khí hóa tập trung; khôi phục 10 cầu và 4 hầm, làm ga đỉnh đèo Hải Vân…

Ông Phạm Minh Khôi, Trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đến năm 2012, tổng công ty đã xây dựng đề án rút ngắn hành trình tàu Bắc - Nam xuống còn 28 giờ, trình Bộ GTVT.

Lúc đó, đề án không được phê duyệt vì kinh phí nâng cấp hạ tầng lớn, hơn nữa thời gian rút ngắn không đáng kể so với hành trình đang thực hiện lúc đó.

Tuy nhiên, đến năm 2013, tốc độ chạy tàu kĩ thuật bình quân đạt 75,5km/h, có đoạn cho phép chạy tàu tốc độ 100km/h. Tốc độ này duy trì cho đến nay.

Có tiếp tục rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc - Nam?

img
Hành khách đi tàu khách Bắc - Nam

Theo ông Phạm Minh Khôi, cơ sở hạ tầng đường sắt tuyến Bắc - Nam vẫn còn dư địa để nâng tốc độ kĩ thuật, rút ngắn hành trình. Tuy nhiên, sẽ cần khoản kinh phí rất lớn để đầu tư nâng cấp hạ tầng.

“Nếu có kinh phí đầu tư vào ray, tà vẹt có thể nâng tốc độ chạy tàu từ 70km/h lên 90km/h, thay các ghi đang ở tốc độ thấp bằng ghi tốc độ cao. Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu nhà ga hiện đại hơn để rút ngắn thời gian tác nghiệp”, ông Khôi nói và cho rằng, việc đó rất tốn kém. Vì vậy, vốn đầu tư cho hạ tầng tuyến Bắc - Nam tới đây chủ yếu là đảm bảo chạy tàu an toàn.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, mục tiêu đặt ra với vận tải đường sắt hiện nay là thu hút khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, không phải bẳng rút ngắn hành trình chạy tàu suốt Bắc - Nam. Trong đó, phải đảm bảo tàu đi, đến đúng giờ.

“Vẫn có thể chạy rút ngắn thời gian hành trình được vì trước đó đã từng chạy tàu 30 giờ rồi. Tuy nhiên, thực trạng đường ngang, lối đi tự mở dày đặc hiện nay, chỉ cần xảy ra tai nạn, sự cố đường sắt, gây ách tắc là ảnh hưởng tới các đoàn tàu khác. Thời gian dự trữ để điều chỉnh hành trình chạy tàu còn rất ít, dễ gây chậm nhiều đoàn tàu”, ông Hoạch nói và cho biết, nếu chưa cải thiện được tình hình hành lang đường sắt, xóa bỏ lối đi tự mở, Tổng công ty Đường sắt VN chưa tính đến phương án rút ngắn hành trình chạy tàu suốt. Tuy nhiên, đối với các tàu khu đoạn chặng ngắn, có tính cạnh tranh cao như Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội - Vinh sẽ nghiên cứu thêm.

Cũng theo ông Hoạch, với gói 7.000 tỉ đồng vừa được phê duyệt cho 4 dự án cải tạo hạ tầng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngành Đường sắt không đặt mục tiêu rút ngắn hành trình mà chủ yếu tăng năng lực thông qua để tạo thuận lợi cho vận tải hiệu quả, đồng thời nâng cao tính an toàn chạy tàu qua các khu vực được đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.