Xã hội

Những “chuyện lạ” ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương

22/02/2021, 07:39

Trước nghi vấn có hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ở đây, những người có trách nhiệm không đưa ra được câu trả lời rõ ràng.

img

Trụ sở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương nơi xuất hiện nhiều trường hợp điều trị nội trú nhưng không có bệnh nhân

Bệnh nhân nhập viện không cần nằm viện, bệnh nhân chưa khám bệnh vẫn mời nhập viện… là điều khá khó hiểu đang diễn ra ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương. Trước nghi vấn có hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ở đây, những người có trách nhiệm không đưa ra được câu trả lời rõ ràng.

Kỳ 1: Chưa khám đã... mời nhập viện

Chưa cần xác định chính xác bệnh nhân mắc bệnh gì, triệu chứng ra sao, phải làm những biện pháp chuyên môn nào, cứ đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương khám là y như rằng bệnh nhẹ cũng thành nặng và như một thói quen, đến khám là được mời… nhập viện!

Tôi đi khám bệnh

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương cảm thấy bất ngờ khi họ đến đây để khám nhưng cách đón tiếp, khám chữa bệnh tại bệnh viện thì quá đặc biệt, khác xa so với những bệnh viện khác.

Điểm khác biệt là ở đây, dù bệnh nhân nặng hay bệnh nhân nhẹ, cứ đến khám là hầu hết được nhập viện. Đồng thời, câu cửa miệng của các cán bộ, nhân viên, y bác sỹ tại đây sẽ là: “Có bảo hiểm y tế (BHYT) không?”,“Làm thủ tục nhập viện nhé?”…

Để mục sở thị những thông tin từ phía bạn đọc, PV Báo Giao thông trong vai người bệnh tới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương vào khoảng 15h30 ngày 18/1/2021.

Bước vào cổng bệnh viện, sau màn hỏi han bảo vệ bệnh viện và một nữ bác sỹ ngồi “buôn chuyện”, chúng tôi được chỉ đến khu vực để xe máy, nơi hai trong một - “để xe kiêm bán sổ khám bệnh”. Trên chiếc bàn nhỏ có vài quyển sổ nhỏ, một nữ nhân viên nhìn thấy tôi liền hỏi ngay: “Anh bị làm sao, vào điều trị à(!?)”.

Tôi nói mình bị đau lưng muốn khám và hỏi mua một quyển sổ khám bệnh, nhưng nữ nhân viên này trả lời luôn: “Có thẻ BHYT không, đau lưng thì vào nhập viện, điều trị mấy hôm là khỏi”.

Thế rồi, nữ nhân viên nhanh nhẹn lấy ra một tờ giấy màu hồng bằng lòng bàn tay, bên trong in số 43 để dưới quyển sổ ghi chép, ghi họ tên tôi trên giấy cùng chữ ký và một số ký hiệu khá đặc biệt, rồi bảo tôi cầm vào bác sỹ khám cho.

Theo lời chị này, tôi cầm mảnh giấy nhỏ “thần kỳ” bước vào gặp một cán bộ làm thủ tục hành chính. Tại đây, khi tôi vừa trình thẻ BHYT, chị này hỏi: “Khám gì thế?”. Tôi trả lời: “Em khám lưng, bị đau mấy hôm nay rồi ạ”. Chị này nhanh nhảu: “Khám thì tự túc, còn nhập viện thì hưởng BHYT, vậy nhập viện luôn nhé?”.

Tôi vội nhờ chị tư vấn giúp, bởi công việc bận, chưa xin nghỉ nên không có thời gian, để hôm khác nhập viện. Lập tức, chị này trấn an: “Cứ nhập viện khám, rồi mai đến cũng được…”.

Thế là mọi thủ tục nhập viện bắt đầu một cách nhanh chóng, tôi được hướng dẫn đến một bác sỹ khám bệnh nhưng vị này chỉ hỏi được vài câu như: “Đau gì?; “Đau ở đâu?”, rồi chốt: “Em có quen ai ở bệnh viện không?”. Khi tôi trả lời có quen biết qua qua bác sỹ tên Đoàn bên Khoa Châm cứu, vị bác sỹ nhanh chóng đáp lời: “Tất cả các khoa đều có thể châm cứu được hết, nhưng quen bác sỹ Đoàn thì chị đưa vào Khoa Châm cứu”.

Và rồi nữ bác sỹ lấy sơ sơ một số thông tin cá nhân của tôi để lập bệnh án rất nhanh. Sau đó, tôi được hướng dẫn ra nơi nộp viện phí, đóng tạm ứng 1 triệu đồng và chính thức nhập viện.

Có thẻ BHYT, không đến cũng được điều trị, khám bệnh (?!)

Sau khi làm thủ tục nhập viện, tôi được nhân viên khu hành chính dẫn xuống Khoa Châm cứu và khoa này tiếp nhận hồ sơ bệnh án của tôi. Nữ bác sỹ điều trị cho tôi tên H., cùng một điều dưỡng bảo tôi về phòng Thủ thuật để chiếu đèn giãn xương cốt.

Ngay sau khi vào phòng thủ thuật, bác sỹ H. chưa kịp khám xét, hỏi ngay: “Em có cần lấy giấy ra viện để thanh toán ở đâu không?”. Tôi nói “không cần”, thì bác sỹ H. nhấn mạnh: “Xác định chính xác cho chị nhé, nếu em cần hồ sơ thủ tục thanh toán thì phải nói chị ngay, lấy giấy ra viện em phải nằm đây cả ngày lẫn đêm và phải nghỉ việc. Còn nếu điều trị theo phác đồ của bệnh viện thì em bắt buộc phải có mặt ít nhất 2-4 tiếng/ngày để châm cứu, xoa bóp bấm huyệt”.

Tôi ngần ngừ trình bày công việc còn nhiều, nếu đến bệnh viện 4 tiếng/ngày thì khó thu xếp. Thấy vậy, bác sỹ H. nói: “Em điều trị nội trú, không cần đến cả ngày, nhưng mỗi ngày phải đến 1-2 tiếng, khi nào có đoàn kiểm tra, gọi điện phải có mặt”. Và không cần chiếu chụp xác định bệnh, cũng không cần các biện pháp chuyên môn, tôi nghiễm nhiên từ một người bình thường được chỉ định điều trị đau lưng tại bệnh viện.

Bác sỹ H. đi ra ngoài, một nữ y sỹ ở đây tư vấn nhỏ với tôi: “Bác sỹ H. hơi khó tính, chứ bình thường không cần nằm và điều trị ở đây và cần nhiều thời gian thế đâu. Anh có quen ai không?”

Tôi nói có quen sơ sơ bác sỹ Đoàn, nữ y sỹ liền rút điện thoại ra gọi và chỉ sau vài phút, bác sỹ Đoàn đã có mặt ở phòng Thủ thuật. Bác sỹ Đoàn hỏi qua loa về mối quan hệ quen biết và bấm bấm vài cái lên người tôi rồi cho biết, bệnh của tôi là đau lưng do thời tiết, chỉ cần chiếu đèn cho giãn cơ và điều trị vài hôm là khỏi.

Trước khi rời phòng Thủ thuật, bác sỹ Đoàn hỏi ai đang phụ trách ca bệnh này và bảo: “Để tôi xuống báo khoa thay đổi bác sỹ phụ trách”. Ít phút sau, nữ y sỹ thông báo, bác sỹ Đoàn đã được giao phụ trách ca bệnh của tôi và dặn quá trình điều trị ở đây, ngày tôi cứ đến khoảng 1 tiếng, không đến thì ở nhà uống thuốc cũng không sao…

Tôi thắc mắc vậy không đến thì thanh toán BHYT thế nào, nữ y sỹ giải thích tôi vẫn được hưởng 80% BHYT bình thường theo đúng ngạch hành chính sự nghiệp.

Quy trình khám bệnh sai, có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm

Ngày 28/1, làm việc với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương thừa nhận, như ghi nhận của Báo Giao thông thì quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện có vấn đề, bệnh viện sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh này.

Đối với các bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú nhưng không thực tế điều trị tại bệnh viện là sai quy định. Bệnh viện cũng đã nhắc nhở rất nhiều, nhưng đây là sai phạm từ lãnh đạo khoa đến các cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế.

“Đối với bệnh nhân đến khám, vào điều trị nội trú nhưng không thực tế có mặt điều trị ở bệnh viện nhưng vẫn cấp phát thuốc, BHYT chi trả các khoản tiền này là sai và có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thật kỹ, nếu có dấu hiệu sẽ xử lý”, ông Huấn cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.