Sáng lên giảng đường, chiều chạy xe công nghệ
Anh B.T.Dũng (52 tuổi) là giảng viên có thâm niên tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và giảng viên thỉnh giảng của một trường đại học lớn tại Vinh. Với 3 bằng đại học và 1 bằng thạc sĩ về Kinh tế - Luật trong tay, anh Dũng được nhìn nhận là một thầy giáo yêu nghề, am hiểu, chỉn chu và vui tính. Nhưng ít ai biết rằng, người thầy hàng ngày trang phục chỉnh tề đứng trên giảng đường còn có một nghề tay trái rất độc đáo, đó là làm tài xế xe công nghệ cho hãng Gojek.
“Hàng ngày tôi dậy lúc 5 giờ sáng, xem lại giáo án, tranh thủ chấm nốt bài cho sinh viên, rồi lên giảng đường dạy học. Thời gian đứng lớp không nhiều, những lúc rảnh rỗi sau khi soạn bài, chấm bài và đọc thêm để trau dồi kiến thức, tôi thích ra ngoài giao lưu với mọi người để tăng cường vốn sống,” thầy giáo tuổi ngũ tuần chia sẻ.
“Năm 2019, tôi nhận thấy công việc chạy xe công nghệ khá thú vị, vừa có thời gian linh hoạt, được đi đây đi đó gặp gỡ nhiều người, vừa mang lại thu nhập, nên tôi đã đăng ký làm tài xế. Lúc đó là chạy xe 2 bánh, đến năm 2021 thì tôi chuyển hẳn sang chạy xe 4 bánh với Gojek”.
Anh Bùi Thành Dũng bén duyên nghề tài xế xe công nghệ bởi mong muốn tìm kiếm những điều mới lạ trong cuộc sống.
Anh B.T.Dũng chia sẻ, nhiều người cho rằng nghề lái xe công nghệ và nghề giảng viên dường như mâu thuẫn và không liên quan đến nhau. Nhưng với anh, nghề chạy xe công nghệ rất hay, giúp anh xả stress, tìm kiếm cảm giác tự do, từ đó có thêm năng lượng mới, ý tưởng mới và vốn sống mới để truyền lại cho các lứa sinh viên.
Ngược lại, anh thấy rất vui khi có thể mang những kinh nghiệm và kiến thức của mình để nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại cho các khách hàng những trải nghiệm dễ chịu. “Nghề nào cũng có cái hay riêng, có giá trị riêng, cứ là nghề chân chính thì đều đáng trân trọng,” anh Dũng nhận định.
Anh Dũng cũng tự hào kể thêm, là các sinh viên của anh rất hào hứng với các tiết học của anh, vì anh luôn cố gắng lồng ghép các câu chuyện thực tế, đa phần được rút ra từ cuộc sống hàng ngày lái xe công nghệ của anh. “Nếu mình không tự trau dồi vốn sống của mình thì các bài giảng rất dễ đi vào lối mòn, mà đã là giảng viên thì luôn cần đổi mới bản thân, có thế thì sinh viên mới dễ tiếp thu,” anh nói thêm.
Anh Dũng tự nhận bản thân mình là người không ngại vất vả. Thời gian đầu vào nghề chạy xe công nghệ, cũng như bao tài mới chưa thành thạo công việc, anh cũng từng trải nghiệm cảm giác “ế khách”, đi nhầm đường, bị khách mắng, gặp sự cố giữa đường, v.v. Anh cũng không tránh khỏi những khoảnh khắc nản chí, muốn nghỉ việc.
Nhưng rồi nghĩ lại lý do mình lựa chọn công việc chạy xe công nghệ, anh biết rằng không phải dễ dàng gì kiếm được một nghề tay trái như nghề này, vừa giúp anh chủ động được giờ giấc, không có ai kiểm soát, vừa hỗ trợ cho cuộc sống của anh cùng vợ và 3 người con trai được đủ đầy, thoải mái hơn. “Cuộc sống mà, không có đồng tiền nào là kiếm được quá dễ dàng hết. Nhưng cũng nhờ nghề này mà tôi học được tính nhẫn nại, thấu hiểu cho người khác hơn”, anh nói.
Những chuyến xe dịch vụ 5 sao
Bước lên xe của bác tài B. T. Dũng, hành khách ai ngỡ như được đặt chân lên một “ốc đảo xanh”. Ngoài các logo Gojek màu xanh lá cây trên xe, giữa hai băng ghế trước và sau, bác tài Dũng cho treo một chậu cây xanh bé xinh để khách ngắm nhìn cho “mát mắt”.
Xe có điều hoà nhưng anh còn trang bị hẳn một dàn quạt chạy bằng pin thổi gió nhè nhẹ để làm mát cho khách trong những trưa hè oi ả. Phía sau lưng ghế dán ngay ngắn những mẩu giấy ghi tên và mật khẩu wifi miễn phí để khách tha hồ “lướt mạng" trong thời gian di chuyển.
Anh Dũng kể, có rất nhiều lần hành khách lên xe anh và thốt lên: “Tôi chưa bao giờ được đi một chuyến xe “không giống ai” như thế này”. Sự thích thú, ngạc nhiên và thoải mái giúp họ trở nên cởi mở và vui vẻ hơn. “Khi khách hàng xuống xe mà nở một nụ cười là tôi thấy vui lây trong lòng, thấy như vậy là mình đã thành công”, bác tài Dũng thổ lộ.
Dịch vụ khách hàng chu đáo, tiện nghi trên những chuyến xe của tài xế B. T. Dũng tạo ấn tượng mạnh cho bất cứ khách hàng nào bước lên xe.
Đối với bác tài chăm chỉ này, chiếc ô tô được coi là căn phòng khách, nên anh luôn nghĩ ra các cách sáng tạo để tiếp đón sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Với những khách hàng đi cùng trẻ nhỏ hay người già, chỉ cần dặn trước khi họ đặt cuốc thì dù đường khó vào hay hẻm nhỏ cỡ nào anh cũng sẽ cố gắng vào tận nơi đón họ. Mà vui thay, anh gặp rất nhiều khách hàng vui vẻ, lịch sự, mỗi lời cảm ơn hay động viên của khách hàng đều là một món quà tinh thần to lớn đối với anh.
Bác tài GoCar kiêm giảng viên đại học tâm niệm, bất kể là nghề chính hay nghề phụ thì đều phải đầu tư tử tế và làm việc bằng cả cái tâm. Khi làm tốt một công việc, mình không chỉ mang lại giá trị cho người khác, mà còn mang về hạnh phúc cho chính mình.
“Tôi muốn dạy cho con mình về giá trị của lao động và cách cuộc sống này vận hành”, thầy giáo - bác tài B.T.Dũng bộc bạch. “Cuộc sống này không bao giờ đơn giản, phải có mục đích sống và sự kiên nhẫn thì mới có thể thành công được. Tôi hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi theo đuổi và trải nghiệm những việc mà mình cảm thấy hứng thú và mang lại tác động xã hội tích cực”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận