70 năm truyền thống ngành GTVT

Những con tàu mang khát vọng biển Đông

09/08/2014, 07:31

Khi "cơn sóng" Vinashin tưởng như nhấn chìm ngành đóng tàu non trẻ, hay khi biển Đông "sôi sục" với giàn khoan làm nhức nhối vùng biển Tổ quốc thì khát vọng về một ngành đóng tàu...

Giao ban trên công trường Nhà máy đóng tàu Bến Kiền
Giao ban trên công trường Nhà máy đóng tàu Bến Kiền


Tàu cá vỏ thép thổi bùng khát vọng vươn khơi


Những ngày cuối tháng 7/2014, tại Nhà máy đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa), anh Phan Bé, ngư dân ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) hồi hộp đón chờ con tàu vỏ thép hoàn thiện để sớm được ra khơi. Đây là chiếc tàu vỏ thép thứ năm trong chương trình thí điểm hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). 


Đứng bên mạn tàu, anh Bé bảo: “Tôi đi biển từ năm 16 tuổi, giờ tính ra đã hơn 20 năm. Có một con tàu vững chắc khi ra khơi là niềm mơ ước của nhiều người dân quê tôi bởi tàu vỏ gỗ quá mong manh, không thể vươn khơi và gặp quá nhiều rủi ro…”. 


Hướng ánh mắt về phía chân trời anh Bé hồi tưởng lại những vụ chìm tàu cướp đi không biết bao người thân trong gia đình và xóm làng thân thương: “Tàu vỏ gỗ chìm nhiều quá. Chỉ mấy năm qua, ba chiếc tàu của mình ra khơi có đến hai “con” bị chìm. Nhà anh họ anh trong ba năm qua cũng chìm đến ba tàu. Thằng em ruột năm ngoái cũng bị chìm hai lần ở biển Quảng Bình. Tàu vỏ gỗ chỉ chịu được bão cấp 6 - 7 nên mỗi lần đi biển vào mùa cá là cứ nơm nớp lo sợ.  Vì thế, đóng được tàu vỏ thép, không đắt hơn tàu vỏ gỗ là bao nhưng nó là niềm mơ ước bấy lâu của bà con ngư dân chúng tôi”. 
 

Đứng trên cabin, anh Bé lấy bàn tay vuốt nhè nhẹ vào hai bức ảnh mới được gắn lên bức vách cabin, là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh bảo, đối với những ngư dân quê anh, việc thờ ảnh Bác và Đại tướng không chỉ ở trên bờ mà cả trên mỗi chuyến tàu xa khơi. Hình ảnh của Bác và Đại tướng trên mỗi chuyến đi biển như một nguồn sức mạnh tinh thần để những ngư dân vững tâm bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền quốc gia.

Anh Bé dẫn khách đi tham quan hết con tàu mà chỉ ngày mai thôi anh sẽ chính thức là chủ nhân. Trên cabin, anh giới thiệu những công nghệ của chiếc tàu vỏ thép mà những chiếc tàu vỏ gỗ không thể có. Đó là chiếc máy soi cá có giá trị gần một tỷ đồng, có thể dò các luồng cá dưới đáy biển trong phạm vi tới 2.000m. Với chiếc máy này việc phát hiện các luồng cá sẽ được dễ dàng để không chỉ chiếc tàu vỏ thép mà còn cả 5 chiếc tàu gỗ đi theo đánh bắt. Anh Bé chỉ tay lên chiếc la bàn điện tử gắn trên tường phòng ca bin: “Với nó tôi có thể biết mình đang ở đâu khi vươn khơi ngoài phạm vi 200 hải lý, giữa Hoàng Sa, Trường Sa…”. 

Rồi kia là những khoang đựng cá chiếm phần lớn diện tích khoang phía trước của tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị để có thể ướp cá được lâu hơn. Với con tàu lưới vây chuyên đánh cá ngừ được trang bị những chiếc đèn công suất lớn này, anh Bé dự kiến sẽ khai thác hết công suất, đánh cá cả ngày lẫn đêm để sớm thu hồi số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. 


Tôi gặp anh Mai Thành Văn, ngư dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), chủ tàu vỏ thép đầu tiên mang tên Hoàng Anh 1 khi anh vừa kết thúc chuyến đi biển đầu tiên trên con tàu vỏ thép. Đứng trên bờ cảng, khi những làn gió biển mặn mòi thổi tung mái tóc để lộ những mảng da cháy nắng trên vầng trán đầy kiên định, anh Văn kể về chuyến xa khơi đáng nhớ nhất của mình từ trước tới nay. Anh bảo: “Mùa này, cá ít nên chuyến đi đầu tiên thu về được hơn 10 tấn cá, tính ra tiền lãi thu được hơn 200 triệu đồng. Vài tháng nữa vào mùa chắc chắn thu nhập sẽ khá hơn…”. 


Chuyến vươn khơi đầu tiên của anh Văn bắt đầu từ ngày 23/5 và kéo dài 39 ngày, trên tàu có 18 người. Ngoài tàu cá vỏ thép là “hạt nhân” của anh Văn, còn 6 tàu cá nhỏ nữa đi theo. Chiếc tàu của anh ngoài nhiệm vụ đánh cá còn được coi như một cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho 6 chiếc tàu võ gỗ còn lại. Giữa biển khơi, những chiếc tàu gỗ mong manh có sự yểm trợ của chiếc tàu vỏ thép với đầy đủ tiện nghi và kiên cố sẽ giúp những ngư dân yên tâm bám biển, đặc biệt khi gặp phải những sự cố không mong muốn.


Khát vọng vươn mình trên bản đồ đóng tàu thế giới


Sau “cơn bão” Vinashin, ít ai dám nghĩ đến một bức tranh tươi sáng đối với ngành Đóng tàu Việt Nam. Thế nhưng, nếu tận mắt chứng kiến không khí làm việc tại một số nhà máy đóng tàu như: Hạ Long (Quảng Ninh), Sông Cấm (Hải Phòng) không ai còn cảm thấy bi quan.


Tại xưởng đóng tàu của Công ty đóng tàu Hạ Long, một không khí làm việc khẩn trương đang diễn ra. Tiếng búa rộn vang khắp công xưởng. Ánh sáng phát ra từ những mũi hàn đang khoan cắt những tấm thép khổng lồ trông như những chùm pháo hoa giữa ban ngày. Một công nhân ở đây cho biết: “Công việc không thiếu, chỉ sợ không có sức làm”.


Khách đến thăm Nhà máy đóng tàu Bến Kiền thuộc Công ty CP đóng tàu Sông Cấm có thể sẽ choáng ngợp bởi không khí làm việc tại đây. Trong cái nắng cháy da, hàng trăm công nhân như những con ong cần mẫn đang vây quanh những con tàu, giống như những tổ ong đang được những chú ong thợ xây tổ. Trên cả một đoạn sông Cấm, mấy chục chiếc tàu lớn nhỏ đang được đóng mới. Trong tiếng búa, tiếng máy ầm vang, một công nhân bịt kín từ chân tới đầu khoát tay chỉ những con tàu đang được gấp rút hoàn thành để bàn giao cho khách hàng khắp thế giới: “Anh em nhiều khi còn phải tăng ca để hoàn thành đúng hợp đồng với khách”. 


Trong câu chuyện với phóng viên, ông Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Công ty đóng tàu Sông Cấm cho biết, trong thời điểm khủng hoảng của Vinashin, Sông Cấm vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn phát triển mạnh hơn. Có lẽ cũng vì sự thành công ấy mà nhiều người đã đặt câu hỏi: “Vì sao Sông Cấm thoát khủng hoảng?”.  Và đáp án cho câu trả lời đó dường như đã được thể hiện qua việc yêu cầu tái cơ cấu toàn bộ Vinashin. 


Trong suốt những năm qua, khi ngành công nghiệp đóng tàu gần như rơi vào khủng hoảng, tụt hậu nhưng đối với Sông Cấm, việc làm không lúc nào thiếu. Kể từ khi bắt tay vào tái cơ cấu với việc sáp nhập với Công ty Công nghiệp tàu thủy Bến Kiền, số lao động của cả hai đơn vị gộp lại tăng lên nhưng công ty vẫn đủ việc làm cho 1.400 lao động, với mức thu nhập 8,5 triệu đồng/người/tháng. Với việc hợp tác với Tập đoàn Damen (Hà Lan) và xác định mặt hàng chủ lực là những dòng sản phẩm tàu vừa phải nên hoạt động hàng năm của công ty đều có lãi. Hiện nay, Sông Cấm đang đóng nhiều chủng loại sản phẩm tàu chuyên dụng như: Tàu kéo, tàu cao tốc, tàu dịch vụ dầu khí, các sản phẩm đó xuất khẩu sang nhiều nước. Đây là những sản phẩm có công nghệ cao ở rất nhiều cảng khác nhau và hầu hết là để xuất khẩu ra nước ngoài. 


Cũng vì hiệu quả ấy mà Tập đoàn Damen (Hà Lan) đã có nhận định, việc hợp tác với Sông Cấm là một hướng đi đúng đắn, bởi ở đây có đội ngũ lao động lành nghề, chăm chỉ, sáng tạo. Đặc biệt những con tàu có công nghệ khó nhưng người Việt Nam làm rất đơn giản. Cũng vì thế mà đơn vị này đã rút bớt hợp đồng sản xuất từ Trung Quốc, châu Âu để đưa sang Việt Nam.


Ông Hà bảo, dịp vừa rồi thấy nhà nhà, người người thể hiện lòng yêu nước, thể hiện tinh thần vì biển đảo nên công ty cũng có ý kiến đề nghị Tổng công ty cho tham gia đóng tàu kiểm ngư nhưng không được chấp nhận với lý do: “Công ty có nhiều việc rồi nên cần san sẻ với những đơn vị khác đang gặp khó khăn”.


Cũng trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chiếc tàu kiểm ngư KN - 782 hiện đại nhất Việt Nam đã được nhà máy đóng tàu Hạ Long bàn giao cho lực lượng kiểm ngư. Đây là chiếc tàu hiện đại thứ hai với nhiều thiết bị tối tân không thua kém những chiếc tàu được sản xuất tại nền công nghiệp tàu thủy lớn nhất thế giới là Hà Lan. 


Những chiếc tàu hiện đại hay những con tàu vỏ thép đầy thiết thực với ngư dân không chỉ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế biển, bảo đảm cho lực lượng chấp pháp của đất nước thực thi chủ quyền mà còn chứng minh một điều, khát vọng vươn mình trên bản đồ đóng tàu thế giới của ngành Đóng tàu Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.

Ngọc Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.